Tai nạn khiến chi bị đứt rời là một tình trạng cấp cứu. Bên cạnh việc giữ tính mạng bệnh nhân thì cách bảo quản chi thể bị đứt lìa cũng vô cùng quan trọng. Sơ cứu và bảo quản chị bị đứt lìa đúng cách, để phần chi bị đứt sạch sẽ và gọn là yếu tố quyết định sự thành công của phẫu thuật ghép nối phần chi bị đứt rời cũng như khả năng hồi phục.
1. Phân loại vết thương đứt rời
Tai nạn khiến chi bị đứt rời là một tình trạng cấp cứu. Vết thương chi bị đứt rời được phân thành 2 loại:
- Chi bị đứt lìa hoàn toàn: Nghĩa là không còn bất kỳ cấu trúc mô nào nối cơ thể với phần chi bị đứt rời.
- Chi bị đứt lìa không hoàn toàn: Nghĩa là vẫn còn cấu trúc mô giải phẫu ví dụ như gân, cơ, dây chằng,... nối cơ thể với phần chi bị đứt rời.
Mỗi loại vết thương đều có các biện pháp sơ cấp cứu và cách bảo quản chi bị đứt lìa khác nhau. Mục đích của sơ cấp cứu là để bảo đảm tính mạng nạn nhân được an toàn, đồng thời xử lý và bảo quản chi bị đứt đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc ghép nối chi sau này. Nếu không xử lý đúng, phần chi bị đứt lìa sẽ hoại tử hoặc nhiễm trùng, gây khó khăn cho phẫu thuật và lành thương, hậu quả dẫn đến tàn tật vĩnh viễn.
2. Tầm quan trọng của việc bảo quản chi bị đứt lìa đúng cách
Sau khi bị đứt lìa khỏi cơ thể, phần chi bị đứt không còn được cung cấp máu nuôi. Theo thời gian sẽ khiến cho các tế bào dần dần bị tổn thương và chết đi. Cách bảo quản chi thể bị đứt lìa đúng sẽ kéo dài thời gian sống và giữ mô lâu hơn. Ngược lại, nếu bảo quản chi bị đứt sai cách vừa không bảo tồn được mô mà còn khiến cho mô bị thương tổn nặng hơn.
Mỗi loại mô có thời gian chịu đựng tình trạng thiếu máu nuôi khác nhau. Trong đó, mô cơ (bắp thịt) có khả năng chịu đựng ngắn nhất (chỉ trong vòng 2 giờ nếu ở nhiệt độ trên 200 C). Ở môi trường lạnh (dưới 100 C), sẽ tăng thời gian chịu đựng lên tới 4 – 6 giờ. Do đó, bảo quản chi bị đứt lìa trong môi trường lạnh là cách làm đơn giản nhất giúp mô duy trì sự sống.
3. Sơ cứu bệnh nhân có chi bị đứt lìa
Vì mức độ nghiêm trọng của vết thương đứt lìa và tầm quan trọng của phẫu thuật ghép chi, người tiến hành sơ cấp cứu cần giữ bình tĩnh, tỉnh táo để vừa đánh giá nhanh tổn thương vừa xử trí thương tổn của nạn nhân theo thứ tự ưu tiên... Sơ cứu bệnh nhân có chi bị đứt lìa như sau:
- Bảo đảm đường thở luôn thông thoáng, không bị tắc nghẹt bởi lưỡi, đàm hoặc các dị vật.
- Nếu bệnh nhân ngừng tuần hoàn hô hấp thì tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức.
- Rửa vết thương bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước sạch, sau đó dùng vải sạch hoặc gạc vô trùng băng kín vết thương.
- Nhanh chóng tiến hành cầm máu cho vết thương. Đối với tai nạn đứt lìa ngón tay hoặc ngón chân thì chỉ cần băng ép mỏm cụt vết thương để cầm máu. Nếu băng ép không cầm máu được hoặc vết thương đứt lìa bàn tay, bàn chân thì cần tiến hành garo để tránh mất máu.
- Cách garo cầm máu: Dùng dây vải hay băng quấn quanh khoảng 10 cm phía trên mỏm cụt, đút một cây gỗ vào trong và xoắn vài vòng cho tới khi máu ngưng chảy, không được siết quá chặt sẽ làm thiếu máu nuôi mỏm cụt. Khi garô phải ghi nhận lại thời điểm bắt đầu thực hiện garô và chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu đi xa thì cứ sau 90 phút sẽ phải garô trong 5 phút.
4. Sơ cứu và bảo quản chi bị đứt lìa
Bên cạnh việc giữ tính mạng bệnh nhân thì cách bảo quản chi thể bị đứt lìa cũng vô cùng quan trọng. Sơ cứu và bảo quản chị bị đứt lìa đúng cách, để phần chi bị đứt sạch sẽ, gọn là yếu tố quyết định sự thành công của phẫu thuật ghép nối phần chi bị đứt rời cũng như khả năng hồi phục.
Đối với phần chi bị đứt lìa hoàn toàn:
- Cầm nắm nhẹ nhàng và rửa sạch phần chi bị đứt lìa bằng nước muối sinh lý vô khuẩn hoặc nước sạch. Tuyệt đối không được dùng xà phòng hoặc hóa chất để rửa.
- Làm ẩm gạc vô khuẩn nước muối sinh lý vô khuẩn rồi bọc kín phần chị bị đứt. Chú ý không được bọc quá dày. Mục đích của việc quấn gạc quanh phần chi bị đứt nhằm tránh để chi tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh.
- Đặt phần chi bị đứt đã được quấn gạc ẩm vô khuẩn vào một túi nilon sạch, cột kín lại để nước không thấm vào.
- Đặt túi nilon vào một thùng đá lạnh, chậu nước đá hay đơn giản nhất là một túi có chứa đá lạnh. Mục đích của việc bảo quản chị bị đứt lìa trong môi trường lạnh là để làm giảm quá trình chuyển hóa của mô cũng như làm chậm quá trình hoại tử. Tuy nhiên, nếu bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh sẽ khiến cho mô chết đi, không thể phục hồi sự sống cho chi bị đứt. Vì vậy tuyệt đối không để phần chi bị đứt lìa tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh và cần vận chuyển đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.
Đối với phần chi bị đứt lìa không hoàn toàn:
- Nếu phần chi chưa hoàn toàn đứt lìa mà vẫn còn dính lại một phần trên da, kể cả chi gần như đứt hoàn toàn thì người sơ cứu cũng không nên cắt rời.
- Nhẹ nhàng rửa sạch bằng nước muối sinh lý vô khuẩn, đặt chi ở tư thế sinh lý.
- Dùng băng ép hoặc gạc vô khuẩn băng kín vết thương lại rồi đặt túi đá ở bên cạnh để giữ nhiệt nhưng tránh đặt trực tiếp đá lạnh lên vết thương.
- Nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có đủ khả năng thực hiện phẫu thuật vi phẫu ghép chi thể bị đứt lìa.
Tóm lại, mỗi loại vết thương đều có các biện pháp sơ cấp cứu và cách bảo quản chi bị đứt lìa khác nhau. Kỹ thuật sơ cấp cứu có thể bảo đảm tính mạng nạn nhân được an toàn, đồng thời xử lý và bảo quản chi bị đứt đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc ghép nối chi sau này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.