Duhemos là thuốc được sử dụng trong các trường hợp chảy máu, giúp cầm máu và giảm chảy máu. Ngoài ra thuốc cũng có thể được dùng trong một số trường hợp khác. Để hiểu hơn về công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng thuốc bạn hãy tham khảo qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Duhemos 500
Thành phần chính của thuốc Duhemos 500 là Acid tranexamic 500mg, bào chế dưới dạng viên nén bao phim.
Acid tranexamic có tác ức chế sự phân huỷ fibrin, bằng cách ức chế hoạt hóa plasminogen thành plasmin, do đó plasmin (chất có tác dụng tiêu fibrin nội sinh) không được tạo ra. Những công dụng của thuốc có thể kể đến như:
- Tác dụng kháng plasmin
Acid tranexamic gắn mạnh vào vị trí liên kết lysin, đây là vị trí có ái lực với fibrin của plasmin và plasminogen, và ức chế sự liên kết của plasmin và plasminogen với fibrin. Do đó, sự phân hủy fibrin bởi plasmin bị ức chế mạnh. Với sự có mặt của các kháng plasmin, như a2-macroglobulin, trong huyết tương, tác dụng kháng tiêu fibrin của acid tranexamic còn được tăng cường thêm. Khi có sự chảy máu xảy ra, cơ thể hoạt hoá sự cầm máu bằng cách co mạch, hoạt hoá viêm nội tại, tạo ra nút tiểu cầu để che lấp vị trí chảy máu mà thành phần chính đó là tiểu cầu, sau đó tạo cục máu đông để có thể cố định được tổn thương này với thành phần chính là các sợi fibrin. Do đó, nếu ức chế tiêu fibrin sẽ giúp cầm máu tốt hơn.
- Tác dụng cầm máu
Plasmin tăng quá mức sẽ gây ra tác dụng ức chế kết ngưng tập tụ tiểu cầu, phân hủy các tác nhân gây đông máu... nhưng ngay cả một sự tăng nhẹ của plasmin cũng làm cho sự thoái hóa đặc hiệu của fibrin xảy ra trước đó. Do đó, trong những trường hợp chảy máu bình thường, sự có mặt của acid tranexamic tạo ra sự cầm máu bằng cách loại bỏ sự phân hủy fibrin.
- Tác dụng chống viêm và giảm dị ứng
Acid tranexamic còn ức chế quá trình sản xuất kinin và những peptid có hoạt tính khác... do sự có mặt của plasmin có thể gây ra sự tăng tính thấm thành mạch và những tổn thương viêm
2. Chỉ định và chống chỉ định khi dùng thuốc Duhemos
Thuốc Duhemos được chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Chảy máu bất thường trong và sau thực hiện phẫu thuật, trong sản phụ khoa, chảy máu hệ tiết niệu, bệnh xuất huyết.
- Ða kinh, rong kinh, chảy máu trong bệnh lý tiền liệt tuyến, tan huyết do lao phổi, chảy máu mũi.
- Ngoài ra, nó có thể được chỉ định trong các triệu chứng trong bệnh như mày đay, dị ứng thuốc hoặc ngộ độc thuốc.
Các trường hợp chống chỉ định dùng thuốc Duhemos 500:
- Bệnh nhân có bệnh lý về huyết khối như huyết khối não, nhồi máu cơ tim, bệnh viêm tĩnh mạch huyết khối và bệnh nhân có khuynh hướng bị huyết khối như có tiền sử huyết khối, rối loạn tăng đông máu.
- Bệnh nhân đang điều trị bằng liệu pháp đông máu.
- Bệnh nhân có tiền sử phản ứng dị ứng nặng với acid tranexamic hay với bất kỳ thành phần nào của thuốc duhemos.
- Suy thận nặng: Vì thuốc thải qua thận là chủ yếu, nên nếu suy thận nặng có nguy cơ gây tích lũy thuốc.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Duhemos
Cách dùng: Thuốc được dùng bằng đường uống, uống thuốc với nhiều nước.
Liều lượng: Liều lượng hàng ngày khoảng 250 - 4000 mg, thuốc được chia làm 3 - 4 lần.
Liều dùng dành cho thuốc Duhemos 500
- Liều thông thường: Uống 1 viên/lần, ngày từ 2 đến 3 lần.
- Đái ra máu: Uống 2 viên/lần, ngày 2-3 lần cho đến khi không còn tình trạng đái ra máu nữa.
- Chảy máu mũi nặng: Uống 2 viên/lần, uống 3 lần/ngày trong vòng 4-10 ngày.
- Rong kinh: Uống 2 viên/lần, uống 2-3 lần/ngày trong vòng 3-4 ngày.
- Thủ thuật khác gây chảy máu: Uống 2 viên/lần, uống 3 lần/ngày.
- Đối với người suy thận và người cao tuổi: Cần chỉnh liều phù hợp tùy vào khả năng lọc của thận.
Lưu ý đây là liều thuốc tham khảo, bạn cần dựa vào tình trạng thực tế để được bác sĩ kê đơn phù hợp nhất. Tránh nguy cơ tắc nghẽn do cục máu đông.
4. Tác dụng phụ của thuốc Duhemos
Khi dùng thuốc có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau:
- Thường gặp: Chóng mặt, rối loạn tiêu hóa như buồn nôn và nôn, tiêu chảy.
- Hiếm gặp: Gây ra thay đổi nhận thức về màu của mắt. Phản ứng quá mẫn như khó thở, mày đay, sưng họng, sưng mặt...cần được điều trị cấp cứu ngay lập tức vì có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng.
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Duhemos
Những người cần thận trọng khi dùng thuốc như người mắc bệnh suy thận các mức độ, người bị chảy máu đường tiết niệu do đường tiết niệu trên vì có nguy cơ bị tắc mạch thận. Người cao tuổi, do người cao tuổi có chức năng thận giảm, nên cần có những biện pháp giảm liều và giám sát thận trọng.
Đối với phụ nữ mang thai: Việc sử dụng thuốc an toàn chưa thực sự rõ ràng, có thể gây tác dụng xấu như sảy thai, quái thai, dị tật thai... đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt trong là ba tháng đầu. Chính vì vậy tốt nhất là không nên dùng thuốc đối với phụ nữ có thai. Trong trường hợp bắt buộc phải cầm máu, cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng.
Phụ nữ cho con bú: Không nên dùng thuốc cho đối tượng này, chỉ dùng khi thực sự cần và nên ngừng cho con bú khi dùng thuốc.
Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng đồng thời với thuốc uống ngừa thai chứa estrogen, thuốc khác có tác dụng cầm máu và các men có tác dụng làm đông máu, vì nguy cơ gây ra tắc mạch do cục máu đông.
Hy vọng, thông qua những thông tin trên bạn đã biết về công dụng và lưu ý khi sử dụng thuốc Duhemos 500. Đây là thuốc được kê đơn và dùng dưới chỉ định của bác sĩ, bạn không tự ý dùng khi chưa được chỉ định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.