Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Tất cả chúng ta đều hy vọng mình sẽ không bao giờ rơi vào tình thế phải cứu sống một đứa trẻ, nhưng thực tế là bất cứ lúc nào chúng ta có thể gặp một đứa trẻ bị nguy hiểm tới tính mạng.
Trẻ em luôn tò mò, tìm hiểu thế giới xung quanh, thử kiểm tra giới hạn thể chất của mình, do đó chúng dễ gặp phải một số tính huống nguy hiểm như sặc thức ăn, ngã khỏi xe hoặc đồ chơi, lội xuống nước mà không có sự giám sát của người lớn,....
Bạn sẽ làm gì khi gặp phải một em bé đang bị nghẹt thở? Bạn có biết hô hấp nhân tạo cho trẻ không? Đây là những kiến thức bạn cần trang bị cho bản thân, đặc biệt nếu như trong gia đình bạn có trẻ em thì điều này hết sức quan trọng. Bởi những kiến thức này có thể giúp bạn cứu được em bé không may rơi vào tình trạng nguy hiểm.
1. Cách sơ cứu trẻ bị ngạt thở
1.1. Bước 1: Đánh giá tình trạng trẻ một cách nhanh chóng
Nếu bạn thấy một đứa trẻ đột nhiên không thể khóc, ho hoặc không nói được, có thể có thứ gì đó đang chặn đường hô hấp của trẻ và bạn cần phải giúp bé lấy nó ra.
Trẻ có thể phát ra những tiếng kỳ lạ hoặc hoàn toàn không thể phát ra âm thanh nào khi mở miệng. Da của trẻ có thể chuyển sang màu đỏ tươi hoặc xanh lam.
Nếu trẻ ho hoặc nôn mửa, điều đó có nghĩa là đường thở của trẻ chỉ bị tắc nghẽn một phần. Nếu đúng là như vậy, hãy để trẻ tiếp tục ho, bởi ho là cách hiệu quả nhất để loại bỏ tắc nghẽn.
Bạn cần gọi cấp cứu nếu thấy trẻ có các biểu hiện sau:
- Trẻ không thể ho ra dị vật. Bạn có thể yêu cầu ai đó gọi cấp cứu khi bạn tiến hành hô hấp nhân tạo cho trẻ. Nếu bạn ở đó một mình, bạn hãy tiến hành hô hấp nhân tạo cho trẻ trong vòng 2 phút, sau đó hãy gọi cấp cứu.
- Nếu bạn nghi ngờ đường thở của trẻ bị bịt kín do cổ họng của trẻ bị sưng lên. Trẻ có thể bị dị ứng với thức ăn hoặc vết cắn của côn trùng hoặc trẻ có thể bị một bệnh lý nguy hiểm khác.
- Trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim.
- Bạn chứng kiến đứa trẻ đột ngột nghẹt thở.
1.2. Bước 2: Cố gắng đánh bật dị vật bằng cách vỗ lưng và ép bụng
Khi phát hiện trẻ bị ngạt thở do dị vật, đầu tiên, bạn cần thực hiện vỗ lưng trẻ.
- Nếu trẻ còn tỉnh táo nhưng không thể ho, nói, thở hoặc bắt đầu tái xanh, bạn hãy đứng hoặc quỳ phía sau trẻ, đặt một cánh tay theo đường chéo trước ngực và nghiêng người về phía trước.
- Vỗ mạnh vào vùng giữa hai xương bả vai của trẻ bằng phần gốc bàn tay kia của bạn.
- Các cú vỗ sau phải mạnh hơn và dứt khoát để có thể đánh bật dị vật ra khỏi đường thở của trẻ.
- Bạn cần thực hiện 5 cú vỗ lưng như vậy cho trẻ.
Sau khi thực hiện xong động tác vỗ lưng, bạn cần thực hiện động tác ép bụng trẻ.
- Bạn đứng một chân trước, một chân sau hoặc quỳ sau lưng trẻ và vòng tay qua eo bé.
- Xác định vị trí rốn của trẻ bằng một hoặc hai ngón tay. Nắm tay lại bằng tay còn lại và đặt ngón cái áp vào giữa bụng của trẻ, ngay trên rốn và dưới đầu dưới của xương ức.
- Một tay nắm lại thành nắm đấm, tay kia nắm lấy bên ngoài nắm đấm và thực hiện năm lần ép bụng của trẻ. Mỗi động tác ép bụng sau phải mạnh hơn lần trước để đánh bật dị vật ra ngoài.
Bạn cần thực hiện lặp lại các động tác vỗ lưng và ép bụng. Tiếp tục thực hiện xen kẽ năm lần vỗ lưng và năm lần ép bụng cho đến khi dị vật bị đẩy ra ngoài hoặc trẻ bắt đầu ho nhiều, nói được, khóc hoặc thở được. Nếu trẻ đang ho, hãy khuyến khích trẻ ho để tống dị vật ra ngoài.
Nếu trẻ bị bất tỉnh và không có phản ứng gì, bạn cần thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ:
- Đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt phẳng, chắc chắn. Bạn quỳ bên cạnh ngực của trẻ, đặt một bàn tay lên xương ức, ở giữa ngực trẻ. Sau đó đặt tay còn lại lên tay kia. Bạn cần cố gắng giữ cho các ngón tay của bạn không chạm vào ngực trẻ bằng cách giơ chúng hướng lên trên, hoặc đan vào nhau.
- Thực hiện 30 lần ép tim bằng cách đẩy xương ức của trẻ xuống khoảng 2 inch (tương đương khoảng 5cm). Để lồng ngực của trẻ trở lại vị trí bình thường trước khi bắt đầu lần ép tiếp theo.
- Sau đó mở miệng trẻ và tìm vị trí bị tắc nghẽn. Không bao giờ đưa ngón tay vào miệng trẻ trừ khi bạn thực sự nhìn thấy dị vật gây tắc nghẽn. Bởi nếu bạn không thể nhìn thấy dị vật và bạn vẫn đưa ngón tay vào miệng trẻ, bạn có thể vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn trong cổ họng bé. Nếu bạn nhìn thấy dị vật, hãy khéo léo lấy nó ra.
Nếu bạn không thể loại bỏ dị vật và trẻ vẫn không phản ứng gì, bạn hãy hô hấp nhân tạo cho trẻ lần hai như sau:
- Nghiêng đầu trẻ ra sau bằng một tay, nâng nhẹ cằm trẻ bằng tay còn lại. Điều này sẽ giúp mở đường thở của trẻ, che mũi của trẻ lại, đặt miệng của bạn lên trên và thở mạnh vào miệng trẻ cho đến khi thấy ngực trẻ nhô lên.
- Nếu bạn không thấy lồng ngực của trẻ căng lên, hãy làm lại chu trình ép tim 30 lần, kiểm tra dị vật và cố gắng thổi hai hơi cho đến khi dị vật được lấy ra và trẻ bắt đầu tự thở được hoặc có người trợ giúp.
2. Cách thực hiện hô hấp nhân tạo
2.1. Hô hấp nhân tạo là gì?
Hô hấp nhân tạo hay còn gọi là hồi sức tim phổi (CPR) là biện pháp cứu sinh mà bạn có thể thực hiện để cứu một người không có dấu hiệu của sự sống, nghĩa là người đó bị bất tính và không thở nữa.
Hô hấp nhân tạo là phương pháp kết hợp ép ngực và thở cấp cứu để giúp cho máu giàu oxy lưu thông qua não và các cơ quan quan trọng khác cho đến khi trẻ hồi sinh hoặc có nhân viên y tế cấp cứu đến.
Việc giữ cho máu giàu oxy lưu thông giúp ngăn ngừa tổn thương não, tổn thương này có thể xảy ra trong vòng vài phút khi trẻ bị ngừng tim, ngừng thở và có thể dẫn đến tử vong.
2.2. Các bước hô hấp nhân tạo cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên
Bước 1: Kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ
Khi phát hiện một đứa trẻ bất tỉnh, bạn hãy gõ vào vai trẻ và gọi tên trẻ. Nếu em bé không trả lời, hãy nhờ ai đó gọi cấp cứu. Nếu bạn ở đó một mình với đứa trẻ, hãy dành 2 phút hô hấp nhân tạo cho trẻ trước, sau đó mới gọi cấp cứu.
- Đặt trẻ nằm ngửa trên bề mặt phẳng, chắc chắn. Bạn quỳ bên cạnh trẻ.
- Bạn cần đảm bảo rằng trẻ không bị chảy nhiều máu. Nếu phát hiện trẻ bị chảy máu, cần thực hiện các biện pháp cầm máu như ấn tay vào chỗ chảy máu. Không thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ cho đến khi kiểm soát được tình trạng chảy máu.
Bước 2: Thực hiện ép ngực 30 lần
Đặt phần gốc bàn tay của một tay vào giữa ngực của trẻ, đặt tay kia lên trên. Cố gắng giữ các ngón tay của bạn hướng lên, không chạm vào ngực của trẻ.
Điều chỉnh vị trí cơ thể của bạn sao cho vai của bạn thẳng trên bàn tay của bạn. Với trẻ nhỏ, bạn có thể chỉ cần sử dụng một tay để thực hiện động tác ép ngực.
Bạn giữ thẳng cánh tay, đẩy thẳng xuống khoảng 2 inch (tương đương khoảng 5cm) sau đó để ngực trẻ trở lại vị trí bình thường. Cần đẩy mạnh và nhanh, động tác ép phải êm, không bị giật.
Thực hiện 30 lần ép ngực với tốc độ 2 lần mỗi giây. Bạn nên đếm thành tiếng và đẩy xuống khi bạn đọc số sau đó thả ra. Bạn tiếp tục ép ngực cho trẻ cho đến khi:
- Bạn nhận thấy có một dấu hiệu rõ ràng của sự sống.
- Có máy khử rung tim tự động đã sẵn sàng sử dụng
- Bạn đã thực hiện hô hấp nhân tạo khoảng 2 phút và có một người khác thay bạn làm điều này.
- Bạn đã thực hiện hô hấp nhân tạo khoảng 2 phút, bạn ở đó một mình với đứa trẻ, bạn cần gọi cấp cứu.
- Nhân viên y tế đến tiếp nhận trẻ.
- Bạn quá mệt mỏi để tiếp tục.
- Nơi đó trở nên mất an toàn.
Ngay cả khi trẻ có vẻ ổn khi có sự trợ giúp, bác sĩ vẫn cần kiểm tra để đảm bảo rằng đường thở của trẻ đã hoàn toàn thông thoáng và trẻ không bị chấn thương bên trong.
Cách để bạn thực hiện được được các biện pháp sơ cứu ngạt thở và hô hấp nhân tạo cho trẻ đó là bạn tham gia các khóa học và thực hành về các kỹ thuật này. Những kỹ thuật này khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, và việc thực hiện chúng không đúng cách có thể gây hại cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: babycenter.com
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong