Cơn đau tim và bệnh lý tim mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Khi nhắc đến bệnh tim, hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến cơn đau tim. Tuy nhiên, còn có một số tình trạng có thể làm tổn thương tim của bạn và ngăn không cho nó thực hiện tốt công việc của mình như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim hay suy tim.

1. Động mạch bị tắc gây cơn đau tim

Sự tích tụ của các mảng bám (mỡ máu) gây thu hẹp lòng các mạch máu nuôi tim, kết quả làm cho tim bị thiếu máu nuôi dưỡng. Nhiều bệnh nhân không nhận biết mình có vấn đề tim mạch cho đến khi động mạch bị tắc nghẽn do cục máu đông khiến cho họ bị đau tim.

Nhưng có thể có dấu hiệu cảnh báo hẹp mạch vành trước đó như xuất hiện các cơn đau ngực được gọi là đau thắt ngực.

1.1. Cơn đau tim diễn ra thế nào?

Các mảng bám gây hẹp lòng mạch vành có thể bị nứt vỡ, sẻ kích thích hình thành cục máu đông, hậu quả là chặn hoàn toàn lòng động mạch vành, đồng nghĩa với việc cắt đứt nguồn cung cấp máu đến một phần trái tim của bạn.

Không được cung cấp oxy và dinh dưỡng, cơ tim có thể nhanh chóng bị tổn thương và có thể khiến bạn tử vong. Tình trạng này thường xảy ra một cách bất ngờ và khi đó bạn cần được trợ giúp y tế ngay lập tức.

Khi có cơn đau tim, bệnh nhân thường có các biểu hiện sau:

  • Cơn đau xảy ra đột ngột, thường sau gắng sức hay căng thẳng, stress
  • Đau nhiều ở ngực trái hay sau xương ức, cảm giác bóp nghẹt trong ngực
  • Khó chịu lan ra lưng, lan lên họng, hàm hoặc lan ra cánh tay.
  • Có thể kèm với vã mồ hôi, cảm giác khó thở buồn nôn, khó tiêu hoặc ợ nóng.

Cơn đau tim ở phụ nữ thường có các triệu chứng rõ ràng hơn
Cơn đau tim ở phụ nữ thường có các triệu chứng rõ ràng hơn

1.2. Xử trí cơn đau tim như thế nào?

Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị đau tim, hãy gọi cấp cứu 115 ngày lập tức, ngay cả khi bạn không chắc chắn về điều này. Đừng chờ đợi để xem các triệu chứng có giảm đi không. Tuy nhiên, bạn không nên tự lái xe đến bệnh viện mà hãy gọi cấp cứu, các nhân viên y tế sẽ tới đón bạn và tiến hành kiểm tra, xử lý ngay lập tức. Một phản ứng nhanh có thể cứu sống bạn.

2. Các loại bệnh tim khác

2.1. Rối loạn nhịp tim

Tim đập bởi kích thích của xung điện và chúng có thể bị lỗi gây nên tình trạng đập nhanh, chậm hay không đều.

Rối loạn nhịp tim thường vô hại và có thể kết thúc một cách nhanh chóng. Nhưng một số trường hợp có thể gây ảnh hưởng nặng và gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ thể bạn. Vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng bất thường bạn nhận thấy như cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực hay xoàng, ngất để có cách theo dõi và điều trị đúng nhất.

2.2 Bệnh cơ tim

Cơ tim bất thường hay bệnh lý cơ tim khiến cho việc bơm máu của tim khó hơn, dẫn đến việc đưa máu đến các phần còn lại của cơ thể bị giảm sút.

Theo thời gian, các vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, béo phì và tiểu đường nếu không điều trị trị tốt có thể gây ra bất thường cơ tim và có thể dẫn đến suy tim.

2.3. Suy tim

Suy tim là tình trạng tim của bạn không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Suy tim là hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, như tăng huyết áp, bệnh lý van tim, bệnh lý cơ tim ...

Bệnh nhân suy tim thường biểu hiện mệt, phù, khó thở. Bệnh nhân cần phải có biện pháp điều trị thích hợp để giảm triệu chứng, cải thiện tiên lượng.


Suy tim khiến trái tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn và to hơn bình thường
Suy tim khiến trái tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn và to hơn bình thường

2.4. Khuyết tật tim bẩm sinh

Các khuyết tật bẩm sinh liên quan đến các bất thường cấu trúc của tim và các mạch máu. Các bất thường này có thể gây ra các rối loạn nặng nề ngay sau sinh nhưng đôi khi không được tìm thấy cho đến khi bạn trưởng thành.

Nếu bạn có một tình trạng khuyết tật tim bẩm sinh, bạn có nhiều khả năng bị rối loạn nhịp tim, suy tim và nhiễm trùng tim. Có nhiều cách để làm giảm các nguy cơ này như dùng thuốc, nhưng có một số khác lại phải phẫu thuật.

3. Các xét nghiệm đánh giá tim

3.1. Điện tâm đồ

Điện tâm đồ là phương pháp ghi lại hoạt động điện của tim. Kết quả điện tim cho biết bạn có các bất thường liên quan đến nhịp tim hay không, như nhịp tim không đều, nhịp tim nhanh hay chậm ... Phương pháp này cũng có thể cho biết bạn có đang bị đau tim hoặc các dấu hiệu nghi ngờ thiếu máu cơ tim.


Điện tâm đồ ghi lại hoạt động điện của tim giúp các bác sĩ đánh giá chức năng của tim
Điện tâm đồ ghi lại hoạt động điện của tim giúp các bác sĩ đánh giá chức năng của tim

3.2. Điện tim gắng sức

Phương pháp này giúp đánh giá trái tim của bạn có hoạt động tốt khi cơ thể phải hoạt động gắng sức hay không. Bạn sẽ đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp đứng yên với cường độ tăng dần. Trong khi đó, bác sĩ sẽ theo dõi điện tim, nhịp tim và huyết áp của bạn để xem tim có được cung cấp đủ máu hay không.

3.3. Holter điện tim

Holter điện tim là một thiết bị di động giúp ghi lại liên tục hoạt động điện tim. Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn có vấn đề nhịp tim, họ có thể yêu cầu bạn sử dụng holter điện tim trong vòng một đến hai ngày.

Thiết bị này sẽ theo dõi hoạt động điện của tim liên tục, không ngừng nghỉ, khác với điện tim thông thường chỉ là hình ảnh ghi lại hoạt động tim trong một khoảng thời gian nhất định.

3.4. Siêu âm tim

Siêu âm tim là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để hiển thị hình ảnh hoạt động của trái tim. Từ siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện ra các tổn thương hoặc các vấn đề đối với buồng tim, van tim.

Siêu âm tim giúp chẩn đoán bệnh và đánh giá các phương pháp điều trị bạn đang sử dụng có hiệu quả như thế nào.

3.5. Chụp CT tim

Chụp cắt lớp vi tính tim với thuốc cản quang sẽ cho hình ảnh chi tiết của tim và các mạch máu của nó với hình ảnh 3 chiều.

Phương pháp này có thể phát hiện sự tích tụ của mảng bám hoặc canxi trong động mạch vành của bạn, cũng như các vấn đề về van tim và các loại bệnh tim khác.


Chụp CT tim là một trong các kỹ thuật giúp đánh giá tim một cách chính xác
Chụp CT tim là một trong các kỹ thuật giúp đánh giá tim một cách chính xác

4. Các phương pháp điều trị bệnh tim

Hầu hết các bệnh tim đều là bệnh mạn tính. Giai đoạn đầu, các triệu chứng nhẹ có thể khó phát hiện bạn khiến cho bệnh dễ bị bỏ qua và dần trở nên tồi tệ hơn.

Nếu trái tim của bạn bắt đầu yếu đi, bạn có thể bị hụt hơi hoặc cảm thấy mệt mỏi. Bạn có thể bị sưng ở mắt cá chân, bàn chân hoặc cả chân của bạn. Trong nhiều trường hợp, việc điều trị lâu dài và đúng cách có thể giúp giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát.

4.1. Điều trị bằng thuốc

Thuốc giúp giúp bạn ổn định các yếu tố nguy cơ tim mạch như huyết áp, đái tháo đường hoặc làm giảm mức cholesterol. Một số loại thuốc khác giúp kiểm soát nhịp tim bất thường hoặc ngăn ngừa cục máu đông. Nếu tim bạn đã bị tổn thương, các loại thuốc khác có thể giúp khả năng bơm máu của tim bạn tốt hơn.

4.2. Phương pháp can thiệp qua ống thông

  • Đặt stent động mạch vành giúp mở một động mạch bị tắc và cải thiện lưu lượng máu. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông nhỏ đưa vào trong động mạch, khi tới điểm nghẽn, sẽ sử dụng bóng để nong rộng và đặt một ống lưới nhỏ gọi là stent để duy trì lưu thông của mạch máu.
  • Can thiệp sửa, thay van qua đường ống thông cũng đã được áp dụng thời gian gần đây để điều trị một số bệnh lý hẹp hở van tim. Bệnh nhân có thể tránh được cuộc phẫu thuật lớn nhưng chỉ có thể áp dụng cho một số bệnh lý nhất định.

Các bác sĩ có thể chỉ định đặt stent tim đối với bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch
Các bác sĩ có thể chỉ định đặt stent tim đối với bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch

4.3. Phương pháp Phẫu thuật tim hở

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật nếu bạn có một hoặc nhiều động mạch vành bị hẹp nặng hoặc bị tắc hoàn toàn. Bác sĩ sẽ lấy mạch máu từ một vị trí khác của cơ thể bạn, để gắn nó vào động mạch vành, bắt cầu qua vị trí bị hẹp, để máu có thể đến nuôi cơ tim

Phẫu thuật sửa chữa hay thay van tim:

Khi van tim bị hẹp hay hở nặng gây ảnh hưỡng sức khỏe thì cần phải sữa chữa. Phẫu thuật tim hở giúp thay hay sữa van, để phục hồi lại giống như tình trạng ban đầu.

5. Ai là người dễ mắc bệnh tim?

Có nhiều yếu tố đã được chứng minh làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch, trong đó có các yếu tố có thể thay đổi được và có các yếu tố là không thay đổi được.

Yếu tố không thể thay đổi được:

  • Tuổi
  • Giới
  • Di truyền.

Có các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:

  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn mỡ máu
  • Hút thuốc lá
  • Thừa cân, béo phì
  • Đái tháo đường
  • Lười vận động.

Các biện pháp bạn có thể làm để giúp kiểm soát bệnh tim, các thói quen hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên (30 phút/ngày, hầu hết các ngày).
  • Giữ một cân nặng khỏe mạnh.
  • Chế độ ăn uống cân bằng, đảm bảo chất.
  • Hạn chế uống nhiều rượu.
  • Không hút thuốc lá.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe