Các dấu hiệu bị đột quỵ

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Xuân Thiên - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Thời gian vàng để điều trị và cứu sống người đột quỵ là < 4.5 giờ sau khi bị đột quỵ. Vì vậy, các dấu hiệu bị đột quỵ cần được phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời, đem lại cơ hội phục hồi sức khỏe, hồi phục hoàn toàn và chất lượng sống tốt cho người bệnh.

1. Thiệt hại và gánh nặng lớn của đột quỵ

Đột quỵ là một tình trạng tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu ô-xy và dinh dưỡng các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Do đó, đột quỵ là một trường hợp cấp cứu khẩn cấp cần có được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế và xếp hàng thứ 4 gây tử vong trên toàn thế giới, để lại gánh nặng về bệnh tật và chi phí, đặc biệt là ở những nước có thu nhập thấp hay đang phát triển như ở Việt Nam.

Trong 20 năm qua, tỷ lệ đột quỵ ở Việt Nam tăng từ 213.58/100.000 người trong năm 1990 đến 254.78/100.000 người năm 2010. Hơn 200.000 người bị đột quỵ mới mỗi năm và dẫn tới 11.000 ca tử vong trên toàn đất nước. Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật vào năm 2013 cho thấy, tỷ lệ tử vong do đột quỵ chiếm đến 32% và khoảng 1.5 triệu người ( tương đương với 1.6% dân số Việt Nam vào năm 2013) đang phải sống với những hậu quả của đột quỵ.

Một trong những cơ hội lớn nhất để giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ là cung cấp dịch vụ chăm sóc đột quỵ cấpchăm sóc toàn diện người bệnh đột quỵ theo những hướng dẫn điều trị mới nhất được cập nhật trên thế giới như sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, các kỹ thuật tái thông mạch máu não, cũng như thuốc dự phòng, điều trị các yếu tố nguy cơ.

Xem ngay: Ai cần tầm soát đột quỵ?

2. Dấu hiệu bị đột quỵ cần nắm rõ

Nếu bạn hoặc bạn chứng kiến ai đó có thể bị đột quỵ, bạn cần chú ý đến thời gian khởi phát. “Thời gian là não” - trong vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết do thiếu oxy, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động và suy nghĩ của cơ thể, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, đột quỵ được điều trị sớm cho kết quả rất tốt.

Dấu hiệu đột quỵ bao gồm:

  • Rối loạn nói hoặc khó khăn hiểu ngôn ngữ: Người bị đột quỵ có thể có tình trạng lú lẫn, nói ngọng, hoặc nói khó hiểu.
  • Tê bì hoặc liệt mặt, tay hoặc chân. Người bị đột quỵ có thể đột ngột xuất hiện tê bì, yếu hoặc liệt mặt, tay hoặc chân thường xuất hiện một bên. Biểu hiện liệt mặt thể hiện qua các dấu hiệu như mắt nhắm không kín một bên, một bên má chảy xệ xuống, nhân trung bị lệch, uống nước bị chảy ra ngoài, hay khi liệt tay người bệnh có thể bị rơi đồ vật khi đang cầm nắm (đũa, thìa,...) hay sẽ bị rơi xuống trước khi được yêu cầu nâng giữ hai tay lên trên trong cùng một khoảng thời gian.
  • Rối loạn về thị lực ở một hoặc cả hai bên: Người bị đột quỵ có thể có nhìn mờ hay nhìn đôi ở cả một hoặc hai bên mắt.
  • Đau đầu: Người bệnh có thể xuất hiện đột ngột đau đầu dữ dội, có thể kết hợp với buồn nôn, nôn, chóng mặt, hoặc thay đổi ý thức (lơ mơ, kích thích...)
  • Rối loạn thăng bằng: Người bị đột quỵ có thể đột ngột xuất hiện chóng mặt, rối loạn sự phối hợp và giữ thăng bằng.

3. Khi có dấu hiệu đột quỵ - phải ĐẾN NGAY CƠ SỞ Y TẾ

Bạn cần phải đến cơ sở y tế ngay lập tức, tốt nhất là đến được các bệnh viện có Đơn vị đột quỵ hoặc Trung tâm đột quỵ, nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng dưới đây. Chú ý rằng, vẫn phải đi ngay cả khi các dấu hiệu đột quỵ xuất hiện rồi tự cải thiện một cách nhanh chóng. Hãy ghi nhớ “FAST” để phát hiện nhanh nhất các biểu hiện đột quỵ.

  • F. face (Mặt): Yêu cầu người bệnh cười. Xem một bên mặt có bị xệ xuống không?
  • A. arms (Chi): Yêu cầu người bệnh nâng hai tay lên. Quan sát xem một bên có rơi xuống không? Hoặc một bên tay có thể tự nâng lên không?
  • S. speech (Lời nói): Yêu cầu người bệnh nhắc lại một hoặc hai câu đơn giản. Lưu ý người bệnh có thể nhắc lại được không? Có hiểu những gì mình nói không? Hoặc có gì bất thường trong phát âm (ngọng, líu,..) không?
  • T. time (Thời gian): Cần phải lưu ý và ghi lại thời gian bắt đầu xuất hiện triệu chứng, rất quan trọng trong việc quyết định các phương pháp điều trị người bệnh.

4. Sơ cấp cứu người bệnh đột quỵ tại nhà như thế nào?

Điều đầu tiên cần làm là Gọi ngay hỗ trợ của nhân viên y tế. “Thời gian là não”. Do đó, không được chờ đợi, theo dõi xem triệu chứng có phục hồi được hay không. Điều trị sớm là vô cùng quan trọng để kết quả điều trị tốt, giúp người bệnh có thể hồi phục thậm chí không để lại bất kỳ di chứng nào.

Trong thời gian chờ sự hỗ trợ từ nhân viên y tế, bạn cần giữ bình tĩnh theo dõi sát người bệnh.

Người bị đột quỵ có thể mất thăng bằng dẫn đến bị ngã hoặc bị bất tỉnh. Bạn cần thực hiện các bước sau:

  • Cần phải chắc chắn đã gọi sự hỗ trợ từ nhân viên y tế, ghi lại thời gian khởi phát dấu hiệu đột quỵ.
  • Trong trường hợp người bệnh còn tỉnh, hợp tác tốt, không nôn, cần phải đảm bảo an toàn cho họ, để người bệnh ở tư thế thoải mái (Tư thế được ưu tiên là tư thế Fowler hoặc bán Fowler theo hình ở dưới), nới bớt quần áo và trấn an, động viên người bệnh tránh lo lắng sợ hãi. Hãy nói chuyện thường xuyên để người bệnh luôn ở trạng thái thức tỉnh, không để cho người bệnh ngủ.

Tư thế Fowler cấp cứu người bị đột quỵ
Tư thế Fowler cấp cứu người bị đột quỵ

  • Trong trường hợp người bệnh nôn nhiều, hoặc có rối loạn ý thức (Lú lẫn, lơ mơ,..) cần hỗ trợ người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn (Theo hình ở dưới)

Sơ cấp cứu người bị đột quỵ
Sơ cấp cứu người bị đột quỵ

  • Nếu người bệnh giảm ý thức hoặc hôn mê cần phải kiểm tra nhịp thở và mạch. Nếu không còn thở, bạn cần tiến hành các bước hồi sinh tim phổi ngay lập tức (Kỹ năng này bạn cần được đào tạo và thực hành để đảm bảo thực hiện đúng, và hiệu quả).

Sơ cứu đột quỵ trong thời gian vàng đem lại tiên lượng sống cao cho người bệnh
Sơ cứu đột quỵ trong thời gian vàng đem lại tiên lượng sống cao cho người bệnh

  • Hãy nói chuyện, trấn an và động viên người bệnh.
  • Phủ chăn giữ ấm cho người bệnh.
  • Tuyết đối không được cho người bệnh ăn hay uống bất cứ thứ gì ngay cả thuốc, đặc biệt thuốc hạ áp hay những thuốc chống đột quỵ theo kinh nghiệm dân gian hoặc truyền miệng.
  • Tuyệt đối không được cấp cứu đột quỵ theo các kinh nghiệm tự có, tự học trên mạng xã hội như cạo gió, uống thuốc phòng chống đột quỵ, hay chích máu mười đầu ngón tay ...
  • Nếu người bệnh có liệt chi cần lưu ý tránh di chuyển hay tỳ đè lên chi liệt.
  • Khi xe cấp cứu đến, hãy thực hiện tiếp theo hướng dẫn của nhân viên y tế để có thể hỗ trợ cho người bệnh một cách tối đa.

Phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, khỏe mạnh bình thường để phòng ngừa đột quỵ là tối ưu nhất. Do đó, bất kỳ ai cũng nên tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ để có biện pháp ứng phó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe