Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Tiến Đạt, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có hơn 14 năm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Tiểu khung là khu vực dưới rốn của bụng khi có dấu hiệu đau vùng tiểu khung, người bệnh có thể còn đang mắc bệnh khác, có thể là dấu hiệu vô hại, có thể là bệnh liên quan tới đường tiêu hóa hoặc cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm có thể đe dọa đến sinh mạng. Để kiểm tra đánh giá ban đầu, bác sĩ thường sẽ cho chỉ định siêu âm vùng tiểu khung.
1. Siêu âm tiểu khung là gì?
Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng cách sử dụng sóng âm tần số cao (sóng siêu âm) để định hình và tái tạo hình ảnh, cấu trúc bên trong cơ thể. Đây là một trong những phương pháp cận lâm sàng nhằm chẩn đoán, theo dõi, điều trị bệnh phổ biến, được áp dụng tại hầu hết các cơ sở y tế.
Siêu âm là kỹ thuật thăm khám không xâm lấn, không gây đau và là phương pháp tiện dụng, chi phí thấp nhưng có giá trị chẩn đoán cao, cho đến nay về cơ bản vẫn chưa thấy những tác dụng có hại của siêu âm trên con người. Vì vậy nó có thể được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần để chẩn đoán, theo dõi và kết hợp làm các thủ thuật điều trị bệnh. Vì vậy, siêu âm vùng tiểu khung cũng là kỹ thuật siêu âm để bác sĩ có thể chẩn đoán , phát hiện bệnh lý tổn thương ở vùng tiểu khung.
2. Siêu âm tiểu khung khảo sát những gì?
Vùng tiểu khung chứa nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể, đặc biệt liên quan tới cơ quan sinh sản. Do đó, nguyên nhân gây đau hoặc viêm nhiễm vùng tiểu khung rất đa dạng, vì vậy khi có dấu hiệu đau, người bệnh cần nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân và nhanh chóng điều trị.
3. Dấu hiệu bệnh liên quan gây đau vùng tiểu khung
Khi có dấu hiệu đau ở vùng tiểu khung, chỉ định siêu âm tiểu khung có thể giúp bác sĩ phát hiện ra những dấu hiệu của những bệnh sau:
- Chửa ngoài tử cung
- U nang buồng trứng có thể có xoắn
- Viêm, áp xe tuyến tiền liệt
- Ung thư tạng tiểu khung
- Bệnh lý sỏi đường niệu đoạn thấp
- Một số nhiễm trùng đường tiêu hóa
- Viêm ruột thừa
Triệu chứng viêm ruột thừa bao gồm đau ở vùng hố chậu phải (phần dưới bụng, bên phải), bị nôn, sốt cao.
Khi có dấu hiệu của viêm ruột thừa như ở trên, cần phải được can thiệp ngoại khoa, nếu chậm trễ sẽ bị vỡ và nhiễm khuẩn sẽ lan tràn khắp ổ bụng dẫn đến viêm phúc mạc. Biến chứng này đe dọa tính mạng.
- Hội chứng ruột dễ bị kích thích
Là một rối loạn ở đường tiêu hóa mạn tính gây đau bụng tái diễn, cơn đau quặn ruột, trướng bụng, tiêu chảy hay táo bón. Nguyên nhân còn chưa rõ ràng nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng như thay đổi chế độ ăn, kiểm soát các stress trong đời sống, dùng thuốc để chữa tiêu chảy hay táo bón.
- Cơn đau bụng kinh
Hàng tháng, ở tử cung có lớp nội mạc mới mọc lên để phôi có thể làm tổ và phát triển. Khi không có thai, lớp nội mạc đó bong ra khi người phụ nữ hành kinh. Cơn đau quặn bụng xảy ra khi tử cung co bóp để đẩy máu kinh ra ngoài.
Cơn đau bụng kinh thường ở vùng bụng dưới hay vùng thắt lưng và chỉ kéo dài từ 1-3 ngày. Đôi khi chỉ cần chườm nóng và dùng các thuốc giảm đau thông thường.
- Lạc nội mạc tử cung
Ở một số phụ nữ, mô nội mạc tử cung phát triển ra ngoài tử cung. Có thể phát triển trên buồng trứng, vòi trứng, bàng quang và các bộ phận khác của cơ thể. Mỗi khi hành kinh, những mô lạc này vỡ nhưng không mất đi, hiếm khi nguy hiểm nhưng có thể gây đau và tạo thành mô sẹo gây khó có thai. Có nhiều cách để chữa lạc nội mạc tử cung theo sự đánh giá của thầy thuốc.
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Đau vùng tiểu khung là dấu hiệu cảnh báo bị một bệnh lây truyền qua đường tình dục nào đó. Hai bệnh hay gặp nhất là bệnh do Chlamydia và bệnh lậu, thường phối hợp cả hai.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục không phải bao giờ cũng bộc lộ triệu chứng nhưng nếu có thì có thể gây đau vùng tiểu khung, tiểu buốt, ra máu giữa 2 kỳ kinh và xuất tiết âm đạo bất thường.
- Hội chứng sung huyết vùng tiểu khung
Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở cẳng chân, đôi khi có thể giãn cả tĩnh mạch vùng tiểu khung. Máu bị dồn về các tĩnh mạch tiểu khung, gây sưng nề và đau. Như thế gọi là hội chứng sung huyết tiểu khung. Đau có xu hướng nặng hơn khi ngồi hoặc đứng, nằm thì giảm bớt. Ít có can thiệp lớn nào đối với hội chứng này.
- Đau mạn tính vùng tiểu khung
Khi đau ở vùng dưới rốn và kéo dài ít nhất 6 tháng. Có thể đau nặng đến mức ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc hay các mối quan hệ. Phần lớn các bệnh đã bàn ở trên có thể giúp vào việc điều trị.
- Mô sẹo sau mổ ổ bụng
Nếu đã từng bị can thiệp ngoại khoa ở vùng tiểu khung hay bụng dưới như mổ viêm ruột thừa, mổ lấy thai hay nhiễm khuẩn khu vực thì có thể bị đau do mô bị sẹo hóa. Dính là kiểu sẹo hóa mô bên trong làm cho các cơ quan hoặc các cấu trúc dính với nhau. Dính trong ổ bụng có thể gây đau và nhiều vấn đề khác, phụ thuộc vào vị trí dính, một số trường hợp phải can thiệp ngoại khoa để gỡ dính.
Ngoài ra, chứng đau tiểu khung còn gặp trong nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm bàng quang cấp và mạn tính. Khi có dấu hiệu đau ở vùng tiểu khung không rõ nguyên nhân nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.