Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Trật khớp háng bẩm sinh là căn bệnh có tỷ lệ hiếm gặp, nhưng nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn tới những bất thường về dáng đi, vẹo cột sống, biến dạng khung xương chậu ảnh hưởng tới sinh sản sau này đối với bé gái. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm để chẩn đoán trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh.
1. Trật khớp háng bẩm sinh là căn bệnh hiếm gặp
Trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng chỏm xương đùi và ổ cối 1 bên hoặc 2 bên không nằm đúng vị trí bình thường ngay khi trẻ sinh ra.
Nếu trẻ được chẩn đoán và điều trị trong 1 tháng đầu đời thì trật khớp háng bẩm sinh có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại biến chứng. Tuy nhiên, nếu việc điều trị tiến hành sau 2 tuổi thì mục tiêu chủ yếu là làm chậm quá trình thoái hóa khớp háng.
Những biến chứng thường gặp của trật khớp háng bẩm sinh như: gù, vẹo cột sống, lệch khung chậu, đi khập khiễng, thoái hóa khớp háng gây đau, ảnh hưởng đến vấn đề sinh đẻ ở bé gái...
Tỷ lệ mắc dị tật này khoảng 1/800-1000 trẻ sơ sinh, xảy ra ở nữ nhiều hơn nam, gặp ở khớp háng trái nhiều hơn so với khớp háng bên phải. Người ta nhận thấy 60-70% các trường hợp được chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh tự hồi phục trong 2-4 tuần (Khớp háng chưa trưởng thành).
2. Yếu tố nguy cơ gây trật khớp háng bẩm sinh
Các yếu tố làm tăng nguy cơ trật khớp háng bẩm sinh có thể kể đến như sau:
- Giới nữ (nữ:nam = 8:1)
- Tiền sử gia đình có người đã mắc trật khớp háng
- Thai nhi có ngôi mông
- Thiểu ối
- Tật áp bàn chân trước
XEM THÊM: Phục hồi chức năng trật khớp háng bẩm sinh
3. Chỉ định siêu âm trật khớp háng bẩm sinh trong trường hợp nào?
Trẻ sẽ được chỉ định siêu âm chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh trong các trường hợp sau đây:
- Có tiếng kêu “lục cục" khi cử động khớp háng
- Không đối xứng hai khớp háng
- Tiền sử gia đình có anh chị em bị trật khớp háng bẩm sinh
- Ngôi mông
- Dạng chân kém
- Có dị tật bàn chân
4. Tiến hành siêu âm và X quang trật khớp háng bẩm sinh
Siêu âm một kỹ thuật cho phép chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh, phương pháp này được sử dụng ở trẻ dưới 4 -5 tháng tuổi. Khi trẻ trên 6 tháng, sự cốt hóa xương đùi làm mờ đi các mốc trên siêu âm, lúc này nên thay thế siêu âm bằng chụp X quang.
Trẻ được đặt nằm ngửa, chân bên khảo sát được khép và gấp, bác sỹ tiến hành siêu âm và đo các thông số cần thiết. Sau đó, bác sỹ tiến hành đo đạc trên hình ảnh X quang và kết hợp với nhau để đưa ra chẩn đoán.
5. Kết quả siêu âm chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh
Siêu âm có thể tính được độ che phủ chỏm xương đùi, khoảng cách trần ổ cối và các góc Alpha, Beta theo phương pháp GRAF. Chụp X-quang đánh giá sự cốt hóa đầu xương đùi (đối xứng, theo tuổi?), hình thái học ổ cối, đo các đường Hilgenreiner, Perkin, Shenton.
Kết hợp chụp X-quang và siêu âm phân loại khớp háng thành 4 type:
- Type 1: Bình thường
- Type 2: Loạn sản nhẹ
- Type 3: Loạn sản, bán trật
- Type 4: Trật nặng.
Việc chẩn đoán và điều trị sớm trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ rất quan trọng Cần sử dụng các phương pháp chẩn đoán ngay cả khi chỉ có các yếu tố nguy cơ, không có triệu chứng lâm sàng. Để chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh phải kết hợp nhiều phương pháp đo trên siêu âm và X quang.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có đầy đủ các thiết bị y tế, hệ thống máy siêu âm, máy chụp X-quang hiện đại bậc nhất, cùng với đội ngũ bác sĩ lành nghề, giúp nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị trào trật khớp háng bẩm sinh từ sớm.
Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu trật khớp háng bẩm sinh, cha mẹ cần đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trong thời gian sớm nhất để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.