Selen giúp tăng cường miễn dịch như thế nào?

Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất là cách tăng cường miễn dịch hiệu quả nhất. Trong đó, Selen là khoáng chất vi lượng đóng vai trò rất quan trọng đối với khả năng đề kháng của cơ thể. Vì vậy, bổ sung Selen là một biện pháp hữu hiệu để tăng cường hệ miễn dịch.

1. Vai trò của Selen đối với tăng cường hệ miễn dịch

Một chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như cân bằng giữa những yếu tố đa lượng và vi lượng là cách tăng cường miễn dịch hiệu quả nhất. Trong đó, Selen là nguyên tố vi lượng đóng vai trò quan trọng.

Selen (Selenium) là một vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể, nhất là ở trẻ em. Selen là thành phần cấu trúc của hơn 20 Selenoprotein, góp phần quan trọng trong tổng hợp ADN, chuyển hóa hormon tuyến giáp và sinh sản. Trong đó, Selen đóng vai trò không thể thiếu đối với enzyme Glutathione Peroxidase (GPx) và Thioredoxin reductase – các enzym chống oxy hóa quan trọng nhất. Đặc biệt, Selen tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân nhiễm trùng, tránh những tổn thương gây ra bởi quá trình oxy hóa.

Selen ảnh hưởng tới mọi thành phần của hệ thống miễn dịch, đặc biệt là quá trình hình thành, phát triển và sự hoạt động của bạch cầu. Selen kích thích miễn dịch tế bào, giúp bảo vệ các tế bào miễn dịch như bạch cầu đa nhân trung tính, tế bào lympho và đại thực bào. Đồng thời, Selen cũng tăng cường miễn dịch dịch thể và tham gia vào cấu tạo của các kháng thể - gọi là các Globulin miễn dịch (IgA, IgM, IgG) – giúp cơ thể tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, Selen còn kích hoạt một số enzyme khác trong hệ thống miễn dịch, phục hồi cấu trúc di truyền và giải độc kim loại nặng.

Selen là vi chất dinh dưỡng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch rất tốt. Cơ thể khi được bổ sung Selen đầy đủ thì hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động hiệu quả, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng, ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như như vi khuẩn, virus. Ngược lại, thiếu Selen sẽ bị suy giảm chức năng miễn dịch, suy giảm chức năng bạch cầu và tuyến ức nên khả năng đề kháng để chống lại nhiễm trùng rất kém. Điều này dẫn đến hậu quả là trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi,... và các bệnh nhiễm trùng đường ruột.

Selen là tham gia cấu tạo nên enzym iodothyronine deiodinase cần cho chuyển hóa iod và tổng hợp hormon tuyến giáp. Hormon tuyến giáp đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng, cần thiết cho cơ thể tăng trưởng, phát triển cả về thể chất và trí tuệ.


Selen tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể trẻ khỏi các tác nhân nhiễm trùng
Selen tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể trẻ khỏi các tác nhân nhiễm trùng

2. Cách bổ sung Selen giúp tăng cường miễn dịch

Selen tuy được mệnh danh là vi chất vàng cho hệ miễn dịch của trẻ nhưng thiếu Selen lại ít được quan tâm đến. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo về nhu cầu Selen cho trẻ em như sau:

  • Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi: nhu cầu Selen là 6 mcg/ ngày.
  • Đối với trẻ 7 – 12 tháng tuổi: nhu cầu Selen là 10 mcg/ ngày.
  • Đối với trẻ 1 – 3 tuổi: nhu cầu Selen là 17 mcg/ ngày
  • Đối với trẻ 4 – 9 tuổi: nhu cầu Selen khoảng 20 mcg/ ngày
  • Đối với thanh thiếu niên 10 – 18 tuổi nhu cầu Selen ở nữ là 26 mcg/ ngày và 32 mcg/ ngày ở nam.

Mặc dù Selen tăng cường hệ miễn dịch và rất cần thiết cho quá trình phát triển nhưng cơ thể không tự tổng hợp được mà cần bổ sung Selen từ bên ngoài thông qua thức ăn và các sản phẩm bổ sung dưới dạng cốm hoặc siro.

Những loại thực phẩm chứa nhiều Selen như:

  • Ở động vật: hàm lượng Selen có nhiều trong các loại cá ( cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá cơm, cá trích, cá chỉ vàng, cá mòi), tôm, cua, hàu, sò điệp, thịt bò, thịt lợn... Đặc biệt, phủ tạng như thận, gan bổ sung Selen nhiều nhất từ 0,4 mcg/g đến 1,5 mcg/g. Cá và hải sản cũng rất giàu Selen (20,8 - 40,5 mcg/ 100 gram). Tiếp đến là lòng đỏ trứng và thịt (từ 0,1 mcg/g tới 0,4 mcg/g).
  • Ở thực vật: Selen có chứa nhiều trong đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau bina, bông cải xanh, bắp cải, nấm, rong biển, tỏi, táo,... Đặc biệt, đậu xanh nảy mầm rất giàu Selen dễ hấp thu.
  • Sữa mẹ, sữa bò
  • Các sản phẩm bổ sung dưới dạng cốm hoặc siro có chứa Selen tổng hợp sẽ cung cấp cho trẻ lượng Selen cần thiết. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cho trẻ, bố mẹ nên được bác sĩ tư vấn.

Tình trạng thiếu selen có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ, do đó, cha mẹ cần quan sát và bổ sung kịp thời nguồn vitamin quan trọng này.

Ngoài bổ sung qua chế độ ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm hỗ trợ có chứa selen và các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, ... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe