Bài viết được viết bởi ThS.BS Trần Thị Huyền Trang - Bác sĩ xét nghiệm, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Ung thư biểu mô tế bào vảy rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vọng tuy nhiên ung thư biểu mô tế bào vảy vẫn có thể loại bỏ bằng các phương pháp điều trị hiện nay nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực.
1. Tế bào vảy - Một loại đặc biệt của tế bào biểu mô
- Lớp duy nhất của tế bào phẳng tiếp xúc với màng đáy của biểu mô
- Đây là loại biểu mô có tính thấm cao nhanh chóng cho các phân tử nhỏ qua màng thông qua lọc hoặc khuếch tán
- Tìm thấy trong các mao mạch, phế nang, tiểu cầu, và các mô khác, nơi cần khuếch tán nhanh (ví dụ: da, phổi, môi, miệng, thực quản)
2. Ung thư biểu mô tế bào vảy là gì?
Ung thư biểu mô tế bào vảy là tình trạng tăng trưởng mất kiểm soát của các tế bào bất thường, phát sinh trong các tế bào vảy. Tế bào vảy không chỉ có ở trên da mà nó còn có ở các bộ phận khác như hệ thống đường tiêu hóa, môi, miệng, âm đạo, cổ tử cung, bàng quang,... Vì vậy rất nhiều cơ quan trong cơ thể có khả năng bị ung thư biểu mô tế bào vảy.
Ung thư biểu mô tế bào vảy có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, song loại ung thư này thường không có biểu hiện rõ ràng và phát triển chậm nên bệnh nhân rất khó phát hiện.
Nguyên nhân của ung thư biểu mô tế bào vảy thường gặp như:
- Lỗi DNA (các tế bào ung thư bị lỗi DNA sẽ phá vỡ trật tự thông thường của da khiến các tế bào tăng sinh mất kiểm soát dẫn tới ung thư biểu mô tế bào vảy)
- Các trị liệu bức xạ: điều trị vẩy nến bằng Psoralen cộng với tia cực tím (PUVA) hoặc X-quang vùng đầu cổ
- Các hóa chất độc tố như Asen, kim loại độc hại trong môi trường thông qua các tiếp xúc với thực phẩm hoặc nguồn nước nhiễm độc
- Human papillomavirus (HPV)
- Thuốc ức chế miễn dịch: Người cấy ghép cơ quan có đến 80% nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy, đặc biệt là ở những người cấy ghép tim do phải dùng liều thuốc cao hơn các loại cấy ghép khác
3. Xét nghiệm SCC trong chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy
SCC (squamous cell carcinoma antigen) là kháng nguyên biểu mô ung thư tế bào vảy, do các tế bào vảy tiết ra dưới dạng glycoprotein, có thời gian bán phân hủy trong máu khoảng 2,2 giờ, thuộc nhóm ức chế serine/cysteine protease.
Nồng độ SCC trong huyết tương được đo bằng đơn vị ng/mL, đối với người bình thường chỉ số nồng độ SCC ở mức < 1.5 ng/mL (khoảng này có thể thay đổi tùy loại máy và phương pháp xét nghiệm). Khi chỉ số SCC trong huyết tương có những biến đổi thất thường chứng tỏ người bệnh có các dấu hiệu của bệnh lý ung thư tế bào vảy hoặc các bệnh lành tính khác.
Có hai loại kháng nguyên SCC: SCC antigen 1 là phần trung tính chiếm ưu thế trong các tế bào biểu mô bình thường và SCC antige 2 mang tính acid là dạng chính ở bệnh nhân ung thư.
Nồng độ kháng nguyên SCC trong huyết thanh tại thời điểm chẩn đoán tăng cao gợi ý nguy cơ tái phát ung thư, đây là yếu tố độc lập với đường kính khối u, mức độ hay sự hiện diện của di căn hạch. Trong thời gian hậu phẫu theo dõi bệnh nhân ung thư cổ tử cung, xét nghiệm SCC đã được chứng minh có thể phát hiện sớm tái phát, theo dõi đáp ứng với xạ trị và giúp đánh giá hiệu quả của hóa trị liệu.
Xét nghiệm kháng nguyên SCC trong huyết thanh là công cụ nhạy, đặc hiệu, hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho theo dõi trong và sau quá trình điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.