Uống thuốc xổ giun và ghi nhớ lịch tẩy giun định kỳ sẽ giúp bạn loại bỏ các loại ký sinh trùng có hại, giúp cải thiện hệ tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về thuốc tẩy giun như: Vì sao cần tẩy giun? Uống thuốc xổ giun bao lâu thì đi ngoài? Có đi ngoài ra giun hay không?
1. Vì sao cần tẩy giun?
Giun sán là những loại ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người trú ngụ chủ yếu tại đường ruột, có khả năng sinh tồn và hấp thu chất dinh dưỡng tại vật chủ. Hầu hết các trường hợp nhiễm giun sán xảy ra ở vùng nhiệt đới ẩm thấp gió mùa hoặc các nước đang phát triển do nguồn thức ăn, thức uống có nguy cơ bị ô nhiễm cao.
Ở Việt Nam, các loại giun đường ruột dễ gặp ở người là giun đũa, giun móc và giun tóc. Ở trẻ em còn dễ nhiễm phải giun kim. Người bị nhiễm giun thường bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, suy dinh dưỡng, thiếu máu và gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do vậy theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mọi người nên chủ động uống thuốc xổ giun định kỳ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Hiện nay, thuốc tẩy giun trên thị trường hoạt động dựa trên cơ chế: tiêu diệt hoặc làm tê liệt giun bám vào cơ thể. Sau đó khiến giun đẩy ra ngoài theo phân hay tự tiêu trong cơ thể người. Đây chính là mục đích của việc sử dụng thuốc tẩy giun, hướng tới mục tiêu loại bỏ giun khỏi cơ thể bằng mọi cách.
2. Thời điểm dùng thuốc & triệu chứng sau khi tẩy giun
Các thuốc tẩy giun hiện nay không cần phải uống sau khi nhịn đói hay dùng thuốc nhuận tràng (thuốc xổ) như trước đây. Bạn có thể uống thuốc xổ giun vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày sau khi ăn xong, nhưng tốt nhất là nên uống sau bữa ăn tối 2 tiếng.
Đối với trẻ em, cha mẹ nên nghiền nhỏ viên thuốc và pha với nước cho trẻ dễ uống. Để tăng hiệu quả, khi bạn dùng thuốc nên nhai viên thuốc trước khi uống với nước. Sau khi dùng thuốc, bạn hoàn toàn có thể ăn uống bình thường.
Lưu ý: Thuốc tẩy giun có thể gây ra một số tác dụng phụ như: buồn nôn, chóng mặt đau đầu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy thoáng qua. Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng, vì các triệu chứng này thường nhẹ và dễ tự khỏi. Trong một số trường hợp rất hiếm, trẻ em có thể phản ứng với thuốc và có các triệu chứng như: phát ban, dị ứng, ngứa và nổi mề đay.
3. Sau khi uống thuốc xổ giun bao lâu thì giun chết?
Sau khi uống thuốc xổ giun, thuốc sẽ bắt đầu được hấp thu và phát huy tác dụng ngay nhưng có thể sẽ mất vài ngày để thuốc “ngấm” và tiêu diệt hết giun. Trong trường hợp bạn được bác sĩ chỉ định tẩy giun, hãy dùng đúng liều lượng và dùng đúng theo thời gian được hướng dẫn.
Lưu ý: Thuốc Albendazole và Mebendazole không tiêu diệt được trứng giun nên hãy lưu ý rằng bạn vẫn có nguy cơ tái nhiễm hoặc lây truyền sang cho người khác. Do đó, để đảm bảo hiệu quả tẩy giun và ngăn ngừa tái phát, bạn nên dùng thêm 1 liều thuốc sau 2 tuần.
4. Uống thuốc tẩy giun bao lâu thì đi ngoài? Uống thuốc xổ giun có đi ngoài ra giun không?
Tùy theo mức độ nhiễm giun sán mà thời gian đi ngoài sau khi uống thuốc xổ giun sẽ không giống nhau ở mỗi người. Khi thuốc vào đường ruột, nó sẽ bị phân hủy và cần một thời gian nhất định để làm giun suy yếu. Thông thường, sau khi tẩy giun 2 tiếng nhiều người sẽ thấy buồn đi ngoài. Tuy nhiên, cũng có người 2 - 3 ngày mới muốn đi ngoài hoặc có thêm những biểu hiện như: đau bụng, đi ngoài nhiều lần. Đây đều là tác dụng phụ của thuốc xổ và sẽ biến mất sau 1 - 2 ngày, bạn không cần quá lo lắng.
Uống thuốc xổ giun có đi ngoài ra giun không? Như đã đề cập ở trên, sau khi uống thuốc xổ giun vài giờ hoặc vài ngày, bạn sẽ cảm thấy cần phải đi tiêu (đi ngoài) để tống giun trong phân ra ngoài. Các loại thuốc tẩy giun trước đây loại bỏ những con giun chết hoặc còn nguyên vẹn nên bạn có thể nhìn thấy chúng đào thải theo phân. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các loại thuốc mới đều có cơ chế làm cho giun tan trong phân nên bạn sẽ không gặp tình trạng “đi ngoài ra giun” nữa.
5. Khi nào cần tẩy giun? Trường hợp chống chỉ định
Bạn sẽ biết mình cần uống thuốc xổ giun khi thấy có những dấu hiệu sau:
- Chán ăn, giảm cảm giác thèm ăn;
- Hay bị nôn khi mới ngủ dậy hoặc đau bụng trên rốn, đi ngoài lỏng;
- Ngứa quanh hậu môn (nhất là vào ban đêm);
- Trằn trọc khó ngủ;
- Thường chảy dãi (chảy nước miếng), nghiến răng nhiều khi ngủ;
- Ngứa, nổi mề đay ở tay, chân, mông tái đi tái lại nhiều lần;
- Xanh xao, chậm lớn, mệt mỏi, kém tập trung;
- Sốt đã vài ngày, ho thường xuyên, ho ra máu.
Và cần lưu ý chống chỉ định tẩy giun cho các trường hợp:
- Người mắc bệnh cấp tính, sốt trên 38oC;
- Người mắc một số bệnh mạn tính như suy tim, suy gan, suy thận, hen phế quản;
- Người có tiền sử dị ứng với các thành phần trong thuốc tẩy giun;
- Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu;
- Phụ nữ đang cho con bú;
- Trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
Bài viết đã cung cấp các thông tin cần biết về thuốc tẩy giun, cách uống thuốc xổ giun đúng cách. Hy vọng quý độc giả đã giải đáp được phần nào các thắc mắc: “Uống thuốc xổ giun bao lâu thì đi ngoài? Có đi ngoài ra giun hay không?”. Đừng quên ghi chú ngày tẩy giun vào lịch chung của gia đình để nhớ lịch tẩy giun định kỳ bạn nhé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.