Sau nhổ răng làm sao cầm máu nhanh?

Tình trạng chảy máu trong khoảng 8 giờ sau khi nhổ răng là hoàn toàn bình thường, đặc biệt đối với răng số 8 (răng khôn). Do răng gắn liền với rất nhiều mạch máu và dây thần kinh nên việc nhổ bỏ sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu. Vậy sau nhổ răng làm sao cầm máu?

1. Nguyên nhân chảy máu sau khi nhổ răng

Các nguyên nhân sau khi nhổ răng bị chảy máu đó là do:

  • Mạch máu ở gần trước răng bị nhổ sẽ bị tổn thương dẫn đến tình trạng răng chảy máu sau khi nhổ bỏ. Ngoài ra, sau khi nhổ răng máu cũng có thể chảy từ màng xương hoặc mạch máu lớn hơn bị đứt gây chảy máu;
  • Ở một số bệnh nhân thiếu vitamin C, nữ giới đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc uống thuốc chống đông máu có thể bị chảy máu kéo dài sau khi nhổ răng;
  • Một số bệnh nhân mắc bệnh về máu như giảm tiểu cầu, hemophilia... cũng dễ bị chảy máu lâu và khó cầm hơn các đối tượng khác;
  • Đôi khi tình trạng máu chảy kéo dài còn do bạn vận động mạnh vùng miệng hoặc đang bị u máu xương hàm.

2. Sau khi nhổ răng làm sao cầm máu?

Dưới đây là một số mẹo cầm máu sau khi nhổ răng mà bạn có thể áp dụng:

2.1. Cố định băng gạc ở đúng vị trí

Đây được xem là một trong số các mẹo cầm máu sau khi nhổ răng hiệu quả và nhanh nhất.

Để cầm máu khi nhổ răng, nha sĩ sẽ đặt một miếng băng gạc vô trùng vào vị trí vừa nhổ và hướng dẫn bạn cắn chặt vào miếng băng gạc đó. Máu ở vết thương sẽ được thấm từ từ ở miếng gạc và đông lại nhanh hơn. Sau khi về đến nhà, bạn cũng thực hiện cách này như sau:

  • Lấy 1 miếng gạch sạch rồi cuộn tròn hoặc gấp thành hình vuông sao cho vừa khít với ổ răng;
  • Đặt miếng gạc bạn đã chuẩn bị vào vị trí răng vừa nhổ, sau đó cố định chắc chắn bằng cách cắn giữ trong khoảng 45 - 60 phút. Việc làm này sẽ tạo áp lực lên ổ răng để ngăn chặn chảy máu ở các mao mạch nhỏ.

Bạn cũng có thể làm tương tự với túi lọc trà để nhanh chóng tạo cục máu đông, giảm thiểu tình trạng chảy máu.

2.2. Uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ

Sau khi nhổ răng, xuất hiện tình trạng chảy máu tại vị trí nhổ, bác sĩ sẽ kê thuốc cầm máu sau nhổ răng theo đúng liều lượng và cách dùng. Bạn chỉ cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

2.3. Không tác động đến cục máu đông

Trong 24 giờ đầu sau khi nhổ răng, bạn cần phải hạn chế tác động đến cục máu đông. Cục máu đông có vai trò quan trọng trong việc cầm máu và hồi phục vết thương. Vì vậy bạn cần phải loại bỏ những thói quen dưới đây:

  • Khạc nhổ hoặc súc miệng quá mạnh;
  • Vận động mạnh hay ăn đồ cứng;
  • Sử dụng ống hút hoặc tay, lưỡi để chạm vào vị trí vừa nhổ răng;
  • Chơi các loại nhạc cụ như kèn hay sáo,...

2.4. Nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý để nhanh chóng lành thương

Khi bạn có một tinh thần thoải mái, nhiều thời gian để nghỉ ngơi thì vết thương sẽ nhanh lành hơn. Để cầm máu nhanh chóng, bạn nên tránh làm việc nặng nhọc ít nhất 1 - 2 ngày sau khi nhổ răng, kê cao đầu khi ngủ để kiểm soát tình trạng chảy máu.

Ngoài ra, thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần giúp bạn hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Nên ăn thức ăn dạng lỏng, mềm như cháo, súp,... Nhai nhẹ nhàng và chậm rãi, tránh ăn những loại thức ăn cứng, dai vì nó có thể khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.

Bạn cũng có thể tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung thêm các loại sinh tố trái cây. Tuy nhiên, cần lưu ý là trong thời điểm này bạn không nên uống nhiều rượu bia để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng sau khi mới nhổ răng.

2.5. Không hút thuốc sau khi nhổ răng

Để vết thương sau khi nhổ răng nhanh lành, bạn không nên hút thuốc. Việc hút thuốc sẽ khiến cho vết thương chảy máu khó cầm và xuất hiện nhiều biến chứng hơn. Vì vậy nếu có thói quen hút thuốc, bạn hãy tránh hút thuốc ít nhất 48 giờ sau khi nhổ răng.

2.6. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Vệ sinh răng miệng đúng phương pháp là bước rất quan trọng trong việc cầm máu sau khi nhổ răng. Trong khoảng 1 - 2 ngày sau nhổ răng, bạn nên súc miệng bằng nước muối sinh lý để làm sạch khoang miệng và giúp vết thương nhanh lành hơn.

Vào những ngày tiếp theo, bạn nên đánh răng bằng bàn chải mềm, đánh nhẹ nhàng và tránh chạm vào vị trí vừa nhổ răng.

2.7. Thăm khám bác sĩ

Khi đã áp dụng những biện pháp trên mà máu tại vị trí nhổ răng vẫn chảy kéo dài thì bạn nên tìm gặp bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và có phương pháp xử lý phù hợp:

  • Trường hợp chảy máu sau nhổ răng do rách nướu, vỡ ổ xương thì bác sĩ sẽ giúp bạn rửa sạch, khâu miệng vết thương;
  • Nếu sót chân răng, tổ chức viêm thì nạo bỏ hết những phần này, rửa sạch và cắn gạc tẩm oxy già để phòng ngừa nhiễm trùng;
  • Đối với tình trạng chảy máu do đứt mạch, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện tiểu phẫu để thắt lại mạch máu đó.

Nhìn chung, việc cầm máu khi nhổ răng rất quan trọng, nếu thực hiện không đúng cách sẽ dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng. Hy vọng với các mẹo cầm máu sau khi nhổ răng nêu trên sẽ giúp bạn cầm máu nhanh chóng và hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe