Sarcoma đa dạng không biệt hóa là bệnh gì?

Sarcoma đa dạng không biệt hóa là một dạng ung thư hiếm gặp trên cơ thể. Bệnh có nhiều triệu chứng đặc trưng và có thể phát hiện thông qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hoặc sinh thiết. Điều trị sớm và tích cực là biện pháp giúp cải thiện tiên lượng bệnh.

1. Sarcoma đa dạng không biệt hóa là gì?

Sarcoma không biệt hóa từng được gọi là u mô bào sợi ác tính, là một loại ung thư hiếm gặp, xuất phát từ các mô mềm trên cơ thể. Các mô mềm có vai trò kết nối, bao quanh các cấu trúc cơ thể khác nhau. Sarcoma đa dạng không biệt hóa thường xuất hiện ở tay, chân. Nó ít xảy ra ở những khu vực sau phúc mạc (các cơ quan trong ổ bụng).

Tên gọi sarcoma đa dạng không biệt hóa xuất phát từ đặc điểm của các tế bào ung thư dưới kính hiển vi. Không biệt hóa có nghĩa là các tế bào trông không giống như các mô cơ thể mà chúng đang tồn tại. Ung thư được gọi là đa hình vì các tế bào phát triển với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau.

Việc điều trị sarcoma đa dạng không biệt hóa tùy thuộc vị trí ung thư, thường bao gồm phẫu thuật, xạ trị và dùng thuốc.

2. Triệu chứng của bệnh sarcoma đa dạng không biệt hóa

Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí phát triển ung thư. Mặc dù nó thường xảy ra nhất ở tay và chân nhưng nó cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Các triệu chứng điển hình gồm:

  • Phát triển khối u hoặc xuất hiện 1 vùng sưng tấy trên cơ thể;
  • Nếu khối u phát triển, bệnh nhân có thể bị đau, ngứa ran và tê;
  • Nếu sarcoma xảy ra ở tay hoặc chân, người bệnh có thể bị sưng tay hoặc chân;
  • Nếu sarcoma xảy ra ở vùng bụng, bệnh nhân có thể bị đau bụng, chán ăn và táo bón;
  • Sốt, sụt cân.

3. Nguyên nhân gây bệnh sarcoma đa dạng không biệt hóa

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng sarcoma không biệt hóa. Các bác sĩ cho biết căn bệnh này xuất hiện khi 1 tế bào có những thay đổi bất thường trong DNA. Những tế bào bất thường này nhân lên nhanh chóng, hình thành khối u. Các tế bào ung thư có thể xâm nhập, phá hủy các mô lành gần đó. Theo thời gian, các tế bào ung thư có thể di căn tới các bộ phận khác trên cơ thể, tiêu biểu như xương và phổi.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sarcoma đa dạng không biệt hóa gồm:

  • Tuổi tác: Dạng ung thư này có xu hướng xảy ra ở những bệnh nhân trên 50 tuổi (dù nó có thể gặp ở mọi độ tuổi);
  • Từng xạ trị trước đó: Dạng ung thư này có thể phát triển ở vùng cơ thể trước đó đã từng điều trị xạ trị.

4. Phương pháp chẩn đoán bệnh sarcoma đa dạng không biệt hóa

Việc chẩn đoán bệnh sarcoma đa dạng không biệt hóa thường bắt đầu từ việc xem xét các triệu chứng bệnh và khám sức khỏe. Loại ung thư này thường được chẩn đoán sau khi đã loại trừ các bệnh ung thư khác.

Các phương pháp chẩn đoán thường được thực hiện bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về thời điểm xuất hiện các triệu chứng, các triệu chứng có thay đổi theo thời gian không,... Đồng thời, bác sĩ cũng kiểm tra vị trí xuất hiện khối u để nắm được kích thước, độ sâu khối u, khả năng lây lan tới các mô lân cận, có xuất hiện bất kỳ dấu hiệu sưng tấy hoặc tổn thương dây thần kinh nào hay không;
  • Xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để hiểu thêm về tình trạng bệnh nhân. Các phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng gồm chụp X-quang, CT, MRI, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET);
  • Sinh thiết: Để chẩn đoán xác định ung thư, bác sĩ sẽ thu thập 1 mẫu mô khối u, gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Tùy thuộc tình huống cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ có thể lấy mẫu mô bằng kim sinh thiết qua da hoặc lấy trong khi phẫu thuật. Trong phòng thí nghiệm, bác sĩ sẽ kiểm tra mẫu mô để xác định xem tế bào là lành tính hay ác tính.

5. Phương pháp điều trị sarcoma đa dạng không biệt hóa

Việc điều trị sarcoma không biệt hóa thường bao gồm phẫu thuật để loại bỏ những tế bào ung thư. Các lựa chọn khác gồm xạ trị và điều trị bằng thuốc (liệu pháp toàn thân) như hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch. Phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn phụ thuộc vào kích thước, vị trí ung thư.

5.1 Phẫu thuật

Khi có thể, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ sarcoma hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật. Mục đích là giúp loại bỏ ung thư và một phần mô khỏe mạnh quanh nó với phạm vi càng nhỏ càng tốt.

Khi ung thư ảnh hưởng tới cánh tay và chân, các bác sĩ phẫu thuật có thể chỉ định cắt bỏ chi. Trong một số trường hợp, có thể cắt cụt cánh tay hoặc chân bị ảnh hưởng. Các phương pháp điều trị khác như xạ trị và hóa trị có thể được khuyến nghị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u, giúp loại bỏ dễ hơn mà không cần phải cắt cụt chi bị ảnh hưởng.

5.2 Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm năng lượng cao như tia X hoặc proton để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể thực hiện bằng các cách:

  • Bức xạ chùm ngoài: Sử dụng 1 cỗ máy bức xạ di chuyển xung quanh khi bạn nằm trên bàn. Máy sẽ hướng bức xạ tới các điểm chính xác trên cơ thể. Bức xạ có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước sarcoma, giúp loại bỏ khối u dễ dàng hơn. Ngoài ra, xạ trị cũng có thể được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại;
  • Xạ trị trong phẫu thuật: Là phương pháp được sử dụng trong phẫu thuật, ngay sau khi loại bỏ khối u ác tính. Bức xạ hướng đến khu vực xung quanh vị trí từng phát triển khối u. Xạ trị trong phẫu thuật có thể được khuyến nghị nếu ung thư nằm ở khu vực khó loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật.

5.3 Hóa trị

Đây là phương pháp điều trị bằng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc viên đường uống, tiêm tĩnh mạch hoặc cả 2 đường.

Hóa trị thường được sử dụng để điều trị sarcoma đa dạng không biệt hóa tái phát sau khi điều trị ban đầu hoặc khi tế bào ung thư lan ra các vùng khác trên cơ thể. Đôi khi phương pháp này cũng được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u, giúp bác sĩ dễ dàng loại bỏ hơn trong khi phẫu thuật. Ngoài ra, hóa trị cũng có thể được sử dụng kết hợp với xạ trị.

5.4 Liệu pháp miễn dịch

Phương pháp này sử dụng hệ thống miễn dịch của chính cơ thể để chống lại ung thư. Cụ thể, đôi khi hệ thống miễn dịch của cơ thể không tấn công tế bào ung thư vì các tế bào này đã sản xuất ra những loại protein ẩn náu được quá trình rà soát của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, khi sử dụng liệu pháp miễn dịch thì quá trình trên sẽ được can thiệp, tế bào ung thư sẽ bị hệ miễn dịch tấn công, tiêu diệt.

Các phương pháp điều trị miễn dịch thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn.

5.5 Thuốc nhắm mục tiêu

Các phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu giúp tập trung vào những vấn đề bất thường trong tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những điểm bất thường này, thuốc nhắm mục tiêu có thể tiêu diệt tế bào ung thư.

Với sarcoma đa dạng không biệt hóa, thuốc điều trị nhắm mục tiêu có thể kết hợp sử dụng với hóa trị liệu.

Một số liệu pháp nhắm mục tiêu chỉ phát huy hiệu quả đối với những người có một số tế bào ung thư có đột biến gen nhất định. Các bác sĩ sẽ kiểm tra tế bào ung thư của bệnh nhân trong phòng thí nghiệm để đánh giá xem các thuốc nhắm mục tiêu có đạt hiệu quả hay không.

5.6 Các phương pháp điều trị thay thế

Hiện không có phương pháp thay thế nào hữu ích trong điều trị sarcoma không biệt hóa. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế có thể làm giảm triệu chứng mà bạn gặp phải do ung thư hoặc các tác dụng phụ của việc điều trị ung thư.

Các phương pháp điều trị thay thế giúp làm giảm triệu chứng gồ:

  • Châm cứu;
  • Tập thể dục;
  • Thiền;
  • Massage;
  • Âm nhạc trị liệu;
  • Các bài tập thư giãn.

Sarcoma đa dạng không biệt hóa là bệnh ung thư khá hiếm gặp. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì tiên lượng bệnh khá tốt. Vì vậy, khi có triệu chứng cảnh báo căn bệnh này, người bệnh nên đi thăm khám ngay để được chẩn đoán, điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org,parkwaycancercentre.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe