Theo thống kê, ung thư tinh hoàn đứng thứ 24 trong các loại ung thư ở nam giới với tỉ lệ mắc cao nhất trong độ tuổi từ 25-35. Ung thư tinh hoàn gây giảm sức khỏe, giảm chất lượng sống, hiếm muộn và có thể dẫn đến tử vong. Sàng lọc và chẩn đoán ung thư tinh hoàn sớm giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh.
1. Ung thư tinh hoàn là gì?
Tinh hoàn là bộ phận của tuyến sinh dục nam nằm ở bìu. Nó có vai trò sản xuất và dự trữ tinh trùng, đồng thời cũng tham gia vào hệ nội tiết với vai trò sản xuất ra hormone testosterone.
Ung thư tinh hoàn là sự phát triển khối u ác tính xuất phát từ một trong hai tinh hoàn. Đây là bệnh ít gặp, chiếm khoảng 1% ung thư ở nam giới, chiếm 5% ung thư đường sinh dục - tiết niệu. Điều may mắn là ung thư tinh hoàn là bệnh ung thư có khả năng chữa khỏi rất cao, tỉ lệ sống thêm cho tất cả các giai đoạn là 92%, chỉ riêng giai đoạn di căn là có 70% có khả năng chữa khỏi.
Tỷ lệ chữa lành bệnh còn phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ di căn của ung thư:
- Giai đoạn I: Ung thư chỉ khu trú ở tinh hoàn;
- Giai đoạn II: Bệnh đã lan rộng tới những hạch bạch huyết phụ cận;
- Giai đoạn III: Bệnh đã lan xa khỏi tinh hoàn.
2. Nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn
Nguyên nhân chủ yếu của ung thư tinh hoàn chính là tinh hoàn ẩn. Ở những người có tinh hoàn ẩn thì có đến 80 - 85% trong số họ bị ung thư tinh hoàn ẩn và 15 - 20% xảy ra ở tinh hoàn đối bên. Những nguyên nhân khác gây ung thư tinh hoàn bao gồm tiền sử quai bị, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn, tiền sử đã bị ung thư tinh hoàn.
Theo mô bệnh học của ung thư tinh hoàn thì u tế bào mầm chiếm tới 96%, trong đó chia ra thành hai loại là u tinh (40%) và u không phải dòng tinh (60%). U tinh là loại không liên quan tới Alpha-fetoprotein (AFP) còn u không phải dòng tinh thì có hàm lượng HCG và AFP cao.
3. Dấu hiệu nhận biết ung thư tinh hoàn
Triệu chứng thường gặp nhất của ung thư tinh hoàn là bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau. Các triệu chứng khác có thể gặp là: đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau hông khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác. Vì vậy, nếu gặp triệu chứng này thì đi khám ngay, không nên chủ quan, xem nhẹ.
Các bước tự khám tinh hoàn:
- Đứng trước gương để quan sát xem có sưng ở vùng tinh hoàn không;
- Kiểm tra tinh hoàn bằng hai tay, ngón giữa ở dưới và ngón cái ở trên tinh hoàn;
- Nhẹ nhàng nắn hai bên tinh hoàn, đừng quá lo lắng nếu thấy tinh hoàn hai bên không đều nhau vì đó là bình thường;
- Kiểm tra mào tinh hoàn (mào tinh là một ống mềm nằm phía sau tinh hoàn có nhiệm vụ chứa tinh trùng);
- Vị trí phổ biến nhất của u tinh hoàn là phía hai bên, cũng có thể ở phía trước;
- Có thể kiểm tra bất cứ lúc nào cảm thấy thuận lợi, đơn giản nhất là kiểm tra sau mỗi lần tắm;
Nếu phát hiện điều gì bất thường thì nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám phát hiện sớm ung thư, tránh để bệnh quá muộn. Ung thư tinh hoàn ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi.
4. Sàng lọc ung thư tinh hoàn
Tiên lượng của ung thư tinh hoàn giai đoạn muộn đã cải thiện rõ rệt trong nhiều năm trở lại đây nhờ vào những phác đồ điều trị mới. Có tới 80% bệnh nhân ở giai đoạn này sống trên 5 năm.
Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm thì có thể chữa khỏi hoàn toàn, chi phí điều trị giảm và ít biến chứng xảy ra. Tỉ lệ sống thêm 5 năm của u tinh bào ở giai đoạn I là 97%.
Đối với trường hợp tinh hoàn ẩn, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy có khoảng 2% trong số các trường hợp này là ung thư tại chỗ. Nguy cơ tiến triển thành ung thư xâm nhập tới 50%. Các chuyên gia khuyên nên phẫu thuật cắt bỏ đối với những trường hợp tinh hoàn ẩn để phòng ngừa mắc ung thư tinh hoàn.
5. Chẩn đoán ung thư tinh hoàn
5.1 Lâm sàng
- Bệnh nhân ung thư tinh hoàn thường thấy tăng kích thước của bìu, có thể co kéo thừng tinh hoặc có cảm giác nặng bìu;
- Sờ thấy khối u tinh hoàn, không đau;
- Đau bụng đối với những bệnh nhân có tinh hoàn ẩn;
- Nổi hạch bất thường vùng bẹn, hạch cổ...;
- Thăm khám tinh hoàn, so sánh hai bên.
5.2 Cận lâm sàng
- Siêu âm bìu có thể phát hiện 75% các trường hợp khối u hoặc tràn dịch màng tinh hoàn;
- Siêu âm ổ bụng phát hiện tinh hoàn lạc chỗ, các tổn thương bất thường khác trong ổ bụng;
- Chụp X-quang phổi phát hiện di căn phổi;
- Xét nghiệm tế bào học: Chọc hút khối u;
- Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u.
Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, nam giới nhất là những người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi, nên tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần/tháng. Đây là phương pháp theo dõi đơn giản và dễ áp dụng.
Tiên lượng ung thư tinh hoàn tương đối khả quan, tuy nhiên hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Khi phát hiện có một khối đặc bất thường trong bìu, cho dù không gây đau bạn cũng cần đến bệnh viện có chuyên khoa về nam học gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
XEM THÊM: