Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Bò là món ẩm thực khoái khẩu của không ít người, đặc biệt là bò xào tái. Tuy nhiên, những món ăn này nếu không được nấu chín kỹ có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán dây bò - căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Sán dây bò là gì?
Sán dây bò (Taenia saginata) là một trong 3 loại sán thuộc chi Taenia ở Việt Nam. Sán dây bò lưỡng tính, sống ký sinh ở ruột người. Về hình thể, sán dây bò có thể ở dạng: sán dây bò trưởng thành, trứng, nang ấu trùng.
Khi trâu, bò ăn phải trứng sán, nó sẽ đi vào ruột, nở ra ấu trùng, sau đó xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim. Ấu trùng theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là “Gạo bò” (cysticercus bovis). Nang ấu trùng sán bò thường hay xuất hiện nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu, bò.
2. Bệnh sán dây bò gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?
Khi người ăn thịt có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống, nang ấu trùng vào ruột người. Sau đó, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.
Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hoá...
Một số trường hợp có các triệu chứng như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu hoặc thậm chí là hạ huyết áp... Đặc biệt, sán gây ra cảm giác ghê sợ khi người bệnh nhìn thấy đốt sán chui ra khỏi hậu môn, bò ra ngoài.
3. Sán dây bò thường trú ngụ trong những món khoái khẩu nào?
Bệnh sán dây bò là bệnh ký sinh trùng phổ biến ở nước ta. Bệnh truyền sang người chủ yếu do ăn uống. Không thể phủ nhận rằng cách chế biến chưa kỹ, đặc biệt là các món tái thường giữ được độ mềm, ngọt đậm đà và hương vị nguyên bản của thịt bò, từ lâu đã trở thành những món ăn khoái khẩu của không ít người. Thế nhưng, nếu nhìn theo góc độ khoa học thì điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ sán dây bò rất cao.
Dưới đây là một số món khoái khẩu tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm sán dây bò mà chúng ta nên chú ý.
3.1. Phở bò tái
Phở bò tái là một trong những món ăn làm lây truyền bệnh sán nhiều nhất. Về cơ bản, cách chế biến này không nguy hiểm bằng tiết canh bò, hay gỏi bò nhưng lại là món ăn được ưa thích, xuất hiện nhiều ở khắp các hàng quán.
Thịt bò cũng được chần tái trong một nồi nước to đang sôi. Một số nơi chỉ xếp thịt bò thái mỏng lên bát rồi cho nước dùng đang sôi già lên. Với cách chế biến này, thịt tái qua không thể diệt được nang ấu trùng sán dây bò và từ đó tạo điều kiện để sán đi vào hệ tiêu hóa của con người.
3.2. Các món lẩu và nhúng từ bò
Từ lẩu bò, lẩu bò nhúng dấm hay ngay cả “lẩu thập cẩm” thì thịt bò vẫn là thành phần không thể thiếu trong thực đơn. Thế nhưng, có rất nhiều người khi nhúng bò thì chỉ nhúng tái cho thịt mềm và ngọt, cũng bởi sợ để lâu thì thịt sẽ dai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm lây truyền bệnh sán dây bò.
3.3. Các món gỏi, nộm và salad bò
Về cơ bản, trong những món ăn này, thịt bò tuy được tẩm ướp lâu hoặc xào qua, nhưng chưa thể đảm bảo chín kỹ và an toàn tuyệt đối.
- Gỏi bò nướng
- Bò tái chanh
- Salad thịt bò
- Nộm thịt bò rau muống
3.4. Bò bít tết tái
Thực tế cho thấy, dù chọn lọc kỹ càng như thế nào, nguy cơ nhiễm sán và một số bệnh khác vẫn luôn tiềm ẩn. Vì vậy, thay vì món tái khoái khẩu, chúng ta vẫn có thể chọn bít tết chín vừa hoặc chín kỹ.
3.5. Các món bò xào rau củ quả được ưa thích
Các món xào từ bò ngon miệng, đầy đủ chất dinh dưỡng, chỉ cần người nấu xào cho thịt bò chín kỹ là có thể hoàn toàn đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, phòng tránh nguy cơ nhiễm sán.
4. Phòng bệnh sán dây bò
Một số chỉ dẫn của Bộ Y tế sẽ giúp phòng tránh căn bệnh này:
- Vệ sinh ăn uống, không ăn thịt bò, thịt trâu sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm bệnh.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Phát hiện và tẩy sán kịp thời nếu bị nhiễm bệnh.
- Đối với cơ quan chuyên môn: Tiếp nhận bệnh nhân tới cơ sở Y tế để điều trị, tiêu diệt mầm bệnh; kiểm soát trâu, bò vùng có dịch; tuyên truyền người dân không ăn thịt trâu/bò chưa được nấu chín dưới bất kì hình thức nào.
- Quản lý nguồn phân: Không phóng uế bừa bãi, sử dụng hố xí tự hoại, không tưới rau bằng phân người chưa xử lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.