Nhận diện dấu hiệu và cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là một tình trạng phổ biến, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được nhận biết và xử lý kịp thời. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về các triệu chứng thường gặp và các bước sơ cứu đúng cách trong trường hợp ngộ độc thực phẩm để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những người xung quanh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Nhận biết dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

Khi gặp các tình huống dưới đây, mọi người có thể nghĩ ngay đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm:

  • Người vừa ăn xong và ngay lập tức xuất hiện các triệu chứng bệnh.  
  • Có từ hai người trở lên có cùng triệu chứng sau khi ăn cùng một loại thực phẩm, trong khi những người không ăn lại không bị ảnh hưởng.
  • Những dấu hiệu ngộ độc do thực phẩm thường bao gồm đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy.
  • Thực phẩm có dấu hiệu đáng ngờ như ôi thiu, có mùi lạ hoặc xuất hiện giun sán.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây ra:

  • Nếu nguyên nhân là do vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố do vi sinh vật tiết ra, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng của bệnh ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Ngoài ra, có thể kèm theo các dấu hiệu mất nước (như khát nước, khô môi) hoặc nhiễm trùng (như sốt và đổ mồ hôi).
  • Nếu nguyên nhân do thực phẩm nhiễm hóa chất, không chứa độc tố tự nhiên, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng phức tạp không chỉ ở hệ tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác, chẳng hạn như hệ thần kinh (đau đầu, chóng mặt) và tim mạch (nhịp tim nhanh, trụy mạch).
  • Nếu nguyên nhân là do thực phẩm vốn có chứa độc tố, bệnh sẽ xuất hiện ngay sau khi ăn các loại thực phẩm này. Những loại thực phẩm trong tự nhiên có thể chứa độc tố bao gồm sắn, măng, cá nóc, cóc,.... 
Khi gặp tình trạng ngộ độc thực phẩm bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như nôn mửa, đau bụng…
Khi gặp tình trạng ngộ độc thực phẩm bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như nôn mửa, đau bụng…

Ngộ độc thực phẩm có thể trở nên rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nghiêm trọng ở hệ tiêu hóa, mất nước (biểu hiện gồm khát nước và khô môi), nhiễm trùng hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng sau:

  • Rối loạn thần kinh: Như nhìn mờ, nhìn đôi, khó nói, giọng ngọng, liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt.
  • Rối loạn tim mạch: Hạ huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.
  • Phân có lẫn máu hoặc chất nhầy, tiểu ít và đau ở các vùng khác ngoài bụng như ngực, cổ, hàm, họng.
  • Sức đề kháng yếu: Đặc biệt ở trẻ em dưới 2 tuổi, người cao tuổi, những người dùng thuốc ức chế miễn dịch (trong điều trị bệnh khớp, ung thư, dị ứng), người suy dinh dưỡng, mắc bệnh dạ dày, gan hoặc rối loạn sắc tố.

Thông thường, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm cấp tính xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1 - 2 ngày sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong, còn ở mức độ nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần. Do đó, việc tự bảo vệ bản thân là điều quan trọng hàng đầu, trong đó, trang bị kiến thức về cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là điều vô cùng cần thiết.

2. Phân biệt ngộ độc thực phẩm và bệnh lý về dạ dày?

Bệnh viêm dạ dày ruột do siêu vi thường bị nhầm lẫn với ngộ độc thực phẩm vì xuất hiện một số triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết hai tình trạng này sẽ dựa vào thời gian phát bệnh.

Đối với bệnh viêm dạ dày ruột do siêu vi, thời gian phát bệnh sẽ trong vòng từ 12 đến 48 giờ, trong khi các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm sẽ phát triển chủ yếu trong vòng 6 giờ. Ngoài ra, bệnh viêm dạ dày ruột tồn tại trong khoảng 1 đến 3 ngày, còn ngộ độc thực phẩm chỉ tồn tại ít hơn 1 ngày hoặc chỉ trong vài giờ.

3. Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm

Khi bản thân, người thân hoặc người xung quanh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc do thực phẩm như đã đề cập ở trên, mọi người hãy giữ bình tĩnh và thực hiện tuần tự các bước sơ cứu sau đây:

3.1 Gây nôn (nếu bệnh nhân chưa có biểu hiện nôn)

Để ngăn chặn độc tố từ thức ăn hấp thụ vào cơ thể, bước sơ cứu đầu tiên là kích thích bệnh nhân nôn ra phần thức ăn còn lại trong dạ dày.  

Có thể rửa sạch tay và đặt ngón tay vào lưỡi người bệnh để kích thích nôn. Bệnh nhân cần nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Trong quá trình gây nôn, đặt người bệnh nằm nghiêng và kê đầu hơi cao để ngăn chất nôn trào ngược vào phổi, không gây kích thích quá mức để tránh gây sặc. Lưu ý, nếu bệnh nhân đã hôn mê, mọi người không nên thực hiện kích thích gây nôn vì dễ gây sặc và ngạt thở. 

Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?

Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.
Kê cao đầu nằm cho người bệnh để kích thích nôn ói.
Kê cao đầu nằm cho người bệnh để kích thích nôn ói.

3.2 Cho bệnh nhân uống nhiều nước và nghỉ ngơi

Sau khi bệnh nhân nôn mửa hoặc đi ngoài liên tục, cơ thể sẽ mất nhiều nước. Do đó, việc bù nước cho bệnh nhân là rất cần thiết. Về việc “ngộ độc thực phẩm nên uống gì”, mọi người có thể sử dụng nước lọc, dung dịch oresol hoặc nước gạo rang để bù lại lượng nước đã mất.

3.3 Gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế nhanh chóng

Mặc dù đã thực hiện sơ cứu ban đầu, việc gọi cấp cứu qua số 115 hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất là rất quan trọng. Vì bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm hoặc biến chứng bất cứ lúc nào. Do đó, người bị ngộ độc cần được hỗ trợ và theo dõi từ nhân viên y tế.

Các biện pháp khác cần thực hiện khi phát hiện và sơ cứu trường hợp ngộ độc gây ra bởi thực phẩm, bao gồm:

  • Giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ, bao gồm thông tin về nhãn mác và thậm chí cả chất nôn của người bệnh để hỗ trợ việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc.
  • Trong trường hợp nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, cơ quan y tế dự phòng hoặc chính quyền địa phương để các cơ sở y tế có thể chuẩn bị đầy đủ nhân lực đối phó với tình huống ngộ độc hàng loạt. Đồng thời, các cơ quan chức năng có thể nhanh chóng thông báo và ngăn chặn tình trạng ngộ độc tiếp tục xảy ra. 
Sau khi thực hiện sơ cứu ban đầu cần đưa bệnh nhân đến cơ sở ý tế để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Sau khi thực hiện sơ cứu ban đầu cần đưa bệnh nhân đến cơ sở ý tế để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Tóm lại, việc nắm rõ các dấu hiệu ngộ độc và biết cách sơ cứu đúng cách rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Đồng thời, nếu gặp phải tình trạng ngộ độc thực phẩm hãy liên hệ bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Phan Thị Minh Hương có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tại các khu vực gần bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec, bệnh nhân có thể được chuyển ngay đến bệnh viện Vinmec, nơi luôn chuẩn bị đầy đủ nhân lực để xử lý kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm và ngăn chặn tình trạng ngộ độc tiếp diễn.

  • Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hoạt động 24/24 vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7 và Chủ nhật cũng như các ngày lễ trong năm.Với các trang thiết bị Chẩn đoán hình ảnh và Xét nghiệm hiện đại, đặc biệt là các xe cấp cứu chuyên dụng hạng nặng với đầy đủ các máy móc hỗ trợ cho bệnh nhân nặng đi đường xa trong lĩnh vực cận lâm sàng cũng như trong vận chuyển các bệnh nhân nặng theo yêu cầu.
  • Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu tại Khoa Cấp cứu – Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được đào tạo chuyên sâu, bài bản, có thể tiếp nhận và xử lý khẩn cấp các trường hợp bệnh nhân, đồng thời luôn có sự phối hợp với tất cả các chuyên khoa của Bệnh viện một cách bài bản và nhanh chóng.
  • Tại Khoa Cấp cứu – Hồi sức Vinmec, người bệnh sẽ được khám, chẩn đoán, nhanh chóng, chính xác và được điều trị theo mức độ ưu tiên cấp cứu đến khi qua khỏi tình trạng nguy kịch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe