Sai lầm khi chữa trị bong gân sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn trong tương lai. Vì vậy, người bệnh nên đi gặp bác sĩ để được khám và điều trị nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra, cũng như giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Biểu hiện bong gân, trật khớp không thể chủ quan
Các biểu hiện của bong gân có sự thay đổi rõ rệt phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Đau đớn, sưng tấy, bầm tím và tụ máu tại khu vực khớp kèm theo giảm khả năng vận động của khớp cũng như chi bị tổn thương thường là các triệu chứng của bong gân. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bong gân có thể gây ra sự lỏng lẻo và làm mất đi chức năng của khớp.
2. Sai lầm khi chữa trị bong gân khiến tình trạng nặng hơn
2.1 Bong gân, trật khớp là tình trạng nhẹ tự điều trị được
Nhiều người thường có xu hướng chủ quan với bong gân hay trật khớp, nghĩ rằng đây là những chấn thương nhẹ có thể tự chữa trị tại nhà nên không muốn đến bệnh viện để khám.
Một số khác thậm chí tiếp tục vận động mà không tuân theo yêu cầu cố định - một sai lầm khi chữa trị bong gân. Điều này có thể dẫn đến đau dây chằng mạn tính khiến tổn thương khớp ngày một nghiêm trọng hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị sau này.
2.2 Xoa bóp vùng bong gân bằng dầu nóng
Việc bôi các chất có tính nóng như mật gấu, rượu, cao hoặc dầu nóng…lên vùng bị chấn thương được nhiều người cho là phương pháp giúp cải thiện tình trạng.
Tuy nhiên, phương pháp này hoàn toàn là sai lầm khi chữa trị bong gân. Tổn thương dây chằng không nên tiếp xúc với các chất nóng vì sẽ gây chảy máu nhiều hơn, cứng khớp và teo cơ trong tương lai. Thay vào đó, các tổn thương như vậy nên được điều trị bằng các chất có tác dụng làm lạnh và giảm đau tại chỗ như gel lạnh hay salonpas lạnh.
2.3 Đắp thuốc lá vào vị trí bong gân
Nếu người bệnh tự điều trị trật khớp hoặc bong gân bằng thuốc lá hoặc các loại thuốc dân gian chưa được kiểm chứng, sai lầm khi chữa trị bong gân này có thể gây ra những biến chứng không lường trước được như kéo dài bệnh, teo cơ, cứng khớp và làm giảm dần chức năng khớp.
Ngoài ra, việc chữa trị không đúng cách hoặc quá muộn sẽ dẫn đến tình trạng khớp bị lỏng và đau khớp mạn tính.
3. Chữa trị bong gân như thế nào là đúng?
Trong trường hợp bong gân nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà. Ngược lại, nếu bị bong gân nặng, người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị thích hợp, tránh sai lầm khi chữa trị bong gân. Khi cần xử lý cấp cứu cho bong gân nghiêm trọng, người bệnh hãy làm theo các nguyên tắc dưới đây:
3.1. Chườm lạnh
Để giảm sưng tấy, người bệnh hãy sử dụng túi chườm lạnh và áp lên vùng khớp bị chấn thương. Phương pháp này cần được thực hiện ngay sau chấn thương, mỗi lần trong 15-30 phút và từ 4-8 lần mỗi ngày trong vòng 48 giờ đầu hoặc cho đến khi tình trạng sưng giảm.
Nhiệt độ của túi chườm nên ở mức vừa phải và không nên để túi chườm ở một chỗ quá lâu để tránh gây bỏng lạnh cho phần mềm.
3.2. Để chi bị tổn thương nghỉ ngơi
Đối với bong gân nhẹ, việc hạn chế vận động và cử động khớp bị tổn thương là cần thiết. Khi khớp chi dưới bị tổn thương, người bệnh nên hạn chế đi lại hoặc sử dụng nạng để hỗ trợ di chuyển.
Trong trường hợp tổn thương ở khớp chi trên, người bệnh cần tránh các động tác gây đau cho khớp. Khi cơn đau giảm, người bệnh có thể bắt đầu tập vận động nhẹ nhàng.
Đối với bong gân nặng, khớp bị thương nên được giữ ở trạng thái cơ năng (nghĩa là nghỉ ngơi hoàn toàn). Người bệnh nên bó bột hoặc nẹp bột để cố định khớp. Sau khoảng 4 - 6 tuần, người bệnh có thể bắt đầu tập luyện lại.
3.3. Băng ép, cố định khớp tổn thương
Khi điều trị bong gân và tổn thương dây chằng, phương pháp bảo tồn thường được ưu tiên. Lúc này, người bệnh cần phải giữ cho khớp bị tổn thương không di chuyển đủ lâu để dây chằng có thể hồi phục. Tùy thuộc vào mức độ bong gân hoặc trật khớp, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng nẹp y tế, băng chun ép hoặc đắp bột.
Thời gian cần cố định, bất động thường là 4-6 tuần. Đối với những người cao tuổi, thời gian này có thể kéo dài hơn một chút. Sau khoảng thời gian đó, người bệnh có khả năng bắt đầu tập vận động nhẹ nhàng và trở lại các hoạt động thể thao và vận động bình thường sau 8 tuần.
3.4. Nâng cao vị trí bị tổn thương
Nhằm giảm nguy cơ sưng phù nề và tạo điều kiện cho máu trở về tim dễ dàng, nếu bị tổn thương ở chi trên, người bệnh hãy nâng cao vùng ngọn chi (như bàn tay hoặc bàn chân) so với vùng gốc chi (như gối hoặc khuỷu) hoặc nâng cao vị trí khớp bị thương trên mức tim.
3.5. Kết hợp dùng thuốc
Ngoài sử dụng thuốc giảm đau chống viêm (NSAIDs) như Paracetamol và Ibuprofen, người bệnh còn có thể được chỉ định dùng thuốc giảm viêm và phù nề như Alphachoay. Trong trường hợp tổn thương dây chằng lớn và thâm tím do đứt nhiều dây chằng, việc dùng kháng sinh theo chỉ định là cần thiết để phòng chống nhiễm khuẩn.
3.6. Phẫu thuật
Đối với những trường hợp bị bong gân nghiêm trọng, khi dây chằng bị đứt hoàn toàn làm cho khớp trở nên lỏng lẻo hoặc khi dây chằng bị xơ hóa gây ra đau mạn tính và khó khăn trong vận động, giải pháp phẫu thuật tạo hình dây chằng có thể được áp dụng.
Khi cảm giác đau đớn giảm bớt, dù chọn phương pháp chữa trị bong gân nào, người bệnh cũng cần kết hợp việc tập phục hồi chức năng và vận động khớp. Bắt đầu từ những động tác đơn giản, nhẹ nhàng và tiến dần đến những bài tập phức tạp hơn. Nếu kiên trì thực hiện, người bệnh có khả năng phục hồi sớm khả năng vận động như bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.