Sa sút trí tuệ: Các giai đoạn, nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sa sút trí tuệ là một trong những hội chứng thường gặp ở người có tuổi tác cao, hoặc những người gặp phải các chấn thương ảnh hưởng đến chức năng não bộ. Mặc dù chứng sa sút trí tuệ không ảnh hưởng nhiều đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra một số rắc rối không nhỏ cho đời sống hàng ngày của người bệnh.

1. Sa sút trí tuệ là gì?

Sa sút trí tuệ là một nhóm các triệu chứng gây ra các vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ, lý luận, định hướng, khả năng phán đoán và ngôn ngữ. Thực chất, đây không phải là một loại bệnh mà là một hội chứng mãn tính, hay còn được biết đến với tên gọi “Rối loạn nhận thức thần kinh”.

Nó xảy ra khi các phần của não bộ thực hiện những nhiệm vụ dành cho việc học tập, ra quyết định, ghi nhớ và ngôn ngữ bị ảnh hưởng hoặc bị “bệnh”.

2. Các loại sa sút trí tuệ

Có nhiều loại hội chứng sa sút trí tuệ khác nhau, bao gồm:

  • Bệnh Alzheimer: đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sa sút trí tuệ. Theo thống kê từ các chuyên gia cho biết, có khoảng 60%-80% những người mắc chứng mất trí nhớ đều mắc Alzheimer. Khi bị mắc loại sa sút trí tuệ này, bệnh nhân thường biểu hiện ra các triệu chứng từ nhẹ cho tới nặng, chẳng hạn như: mất trí nhớ, khó khăn khi lập kế hoạch hoặc thực hiện các hoạt động quen thuộc, nhầm lẫn ngày tháng, có vấn đề về nói và viết, hay quên đồ, khả năng phán đoán kém, thay đổi tính cách và tâm trạng.
  • Sa sút trí tuệ não mạch: đây là loại sa sút trí tuệ phổ biến thứ hai sau bệnh Alzheimer. Hội chứng này thường xảy ra do đột quỵ nặng hoặc các mạch máu bị tổn thương. Các triệu chứng của sa sút trí tuệ não mạch sẽ phụ thuộc vào phần não bị tổn thương sau đột quỵ. Trong khi bệnh Alzheimer thường bắt đầu với các vấn đề về mất trí nhớ thì hội chứng này lại có điểm xuất phát bằng những khó khăn trong việc lập kế hoạch, phán đoán, tổ chức và đưa ra quyết định. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể bao gồm: khó nói hoặc hiểu lời nói, vấn đề nhận biết âm thanh hoặc địa điểm, bị kích động hoặc bối rối, thay đổi tâm trạng và tính cách, thường xuyên bị ngã.
  • Sa sút trí tuệ thể Lewy (DLB): xảy ra khi xuất hiện những khối rắn siêu nhỏ của một loại protein được hình thành trong phần vỏ não. Các triệu chứng phổ biến nhất của loại sa sút trí tuệ này, bao gồm: suy nghĩ không mạch lạc, khó khăn khi đưa ra quyết định, khó tập trung, gặp các sự cố khi ghi nhớ, ảo giác thị giác (nhìn thấy những thứ không có thật), buồn ngủ bất thường, run rẩy hoặc chậm chạp khi di chuyển.

Ảo giác thị giác là một triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ thể Lewy
Ảo giác thị giác là một triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ thể Lewy
  • Sa sút trí tuệ hỗn hợp: là sự kết hợp của hai loại chứng mất trí nhớ khác, phổ biến nhất là bệnh Alzheimer kết hợp với chứng mất trí nhớ mạch máu.
  • Sa sút trí tuệ trán- thái dương (FTD): xảy ra do sự phát triển của những tổn thương tế bào ở vùng não chuyên thực hiện chức năng kiểm soát việc lập kế hoạch, cảm xúc, phán đoán, lời nói và hành động. Khi bị FTD, người bệnh thường có các triệu chứng như thay đổi hành vi và tính cách, đột nhiên nóng giận, mất kiểm soát bản thân, gặp vấn đề về lựa chọn từ ngữ khi nói, run rẩy hoặc mất thăng bằng khi di chuyển, co thắt cơ bắp.

3. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ

Hội chứng sa sút trí tuệ thường bắt nguồn từ những nguyên nhân sau, bao gồm:

  • Bệnh thoái hóa thần kinh: bao gồm bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, bệnh Huntington và một số loại bệnh đa xơ cứng khác. Những căn bệnh này có xu hướng tiến triển xấu hơn theo thời gian.
  • Rối loạn mạch máu: làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông mạch máu của não bộ, dẫn tới sa sút trí tuệ.
  • Chấn thương sọ não: do tai nạn, chấn động não, hoặc ngã xe,...
  • Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: bao gồm HIV, viêm màng não và bệnh Creutzfeldt-Jakob.
  • Sử dụng các loại chất cấm hoặc chất kích thích trong thời gian dài: bao gồm ma túy hoặc rượu bia.
  • Não úng thủy: tích tụ các chất lỏng trong não có thể dẫn tới sa sút trí tuệ.

Chân thương sọ não là một nguyên nhân khiến sa sút trí tuệ
Chân thương sọ não là một nguyên nhân khiến sa sút trí tuệ

4. Các triệu chứng của sa sút trí tuệ

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của sa sút trí tuệ:

  • Mất trí nhớ
  • Nhầm lẫn về thời gian và địa điểm (không gian)
  • Gặp các vấn đề trong việc giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, hoặc suy nghĩ trừu tượng
  • Khó khăn khi thực hiện các hoạt động quen thuộc hàng ngày
  • Hay đánh mất đồ vật mà không tìm ra được
  • Thay đổi cảm xúc, hành vi và tính cách đột ngột
  • Thờ ơ và mất tính chủ động

Ngoài ra, có một số triệu chứng khác không được đề cập đến mà người bệnh có thể mắc phải. Nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Mất trí nhớ là triệu chứng phổ biến của tình trạng sa sút trí nhớ
Mất trí nhớ là triệu chứng phổ biến của tình trạng sa sút trí nhớ

5. Chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ

5.1 Các phương pháp chẩn đoán sa sút trí tuệ

Việc chẩn đoán và đưa ra kết luận một người có bị sa sút trí tuệ hay không sẽ phụ thuộc vào những thông tin được cung cấp từ người bệnh, cũng như thông qua các xét nghiệm chẩn đoán.

  • Tiền sử bệnh tật: trong gia đình có ai bị mắc sa sút trí tuệ không, hoặc bệnh nhân đang mắc phải các bệnh mãn tính, đã trải qua phẫu thuật, bị chấn thương và sử dụng một số loại thuốc.
  • Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ khám thính lực, thị lực, đo mạch và huyết áp của bệnh nhân.
  • Khám thần kinh: giúp phát hiện các vấn đề về thần kinh và não, chẳng hạn như sự bất thường trong hành vi và suy nghĩ.
  • Các bài test về tâm thần kinh: bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm một số bài kiểm tra đơn giản, ví dụ yêu cầu bệnh nhân gọi tên đồ vật hoặc nhắc lại một số từ ngữ. Điều này giúp bác sĩ phát hiện được tình trạng mà bạn đang gặp phải, đồng thời đánh giá khu vực bị ảnh hưởng.
  • Các xét nghiệm: tùy thuộc vào các triệu chứng và tình trạng bệnh mà mỗi người sẽ được thực hiện một loại xét nghiệm khác nhau. Thông thường, các loại xét nghiệm được sử dụng phổ biến để chẩn đoán sa sút trí tuệ, bao gồm: chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT) hoặc MRI (cộng hưởng từ) sọ não -mạch não, xét nghiệm máu và điện não đồ.

5.2 Điều trị sa sút trí tuệ

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định cụ thể bệnh nhân bị mắc loại sa sút trí tuệ nào. Việc điều trị có thể bắt đầu bằng phương pháp sử dụng thuốc kết hợp với thực hiện các thay đổi lối sống lành mạnh.

Dưới đây là một số loại thuốc và liệu pháp thường được sử dụng để điều trị sa sút trí tuệ, bao gồm:

  • Thuốc kháng cholinesterase: ví dụ như Rivastigmine (Exelon), Donepezil (Aricept) và Galantamine (Razadyne).
  • Các liệu pháp trị liệu: gồm massage, nghe nhạc, thưởng thức nghệ thuật hoặc nuôi thú cưng. Điều này giúp bệnh nhân cải thiện được tình trạng lú lẫn, kiểm soát hành vi và tâm trạng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên thay đổi các thói quen không tốt cho sức khỏe bằng việc thực hiện các biện pháp sau:

  • Tập thể dục: hãy dành ra 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục. Điều này không chỉ giúp bạn cải thiện sức khỏe mà còn bảo vệ các chức năng não bộ.
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: gồm ăn nhiều rau xanh, bổ sung vitamin và chất xơ cho cơ thể, hạn chế tiêu thụ chất béo, đường, caffeine và các loại thực phẩm chế biến sẵn.

Duy trì tập thể dục thường xuyên giúp điều trị sa sút trí tuệ
Duy trì tập thể dục thường xuyên giúp điều trị sa sút trí tuệ
  • Ngủ đủ giấc: bạn nên ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày, đặc biệt không gian nghỉ ngơi cần yên tĩnh, tránh tiếng ồn. Ngoài ra, bạn cũng nên rút ngắn thời gian ngủ trưa và tăng cường hoạt động thể chất nhiều hơn.
  • Giao tiếp với mọi người: bạn nên thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện với người thân hoặc bạn bè xung quanh. Hãy cố gắng sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe