Ruột thừa có tác dụng gì vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ruột thừa thường phải đối mặt với nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Vì vậy, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ khi ruột thừa xuất hiện các vấn đề sức khỏe để được theo dõi, phát hiện và điều trị sớm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Đồng Xuân Hà - Trưởng khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Ruột thừa là gì?
Ruột thừa nằm ở vị trí đáy manh tràng gần điểm tiếp nối với ruột non và đại tràng bên phải. Ruột thừa có hình dạng một ống nhỏ hình ngón tay, giống với hình con giun, dài từ 3 đến 13 cm. Thường thì ruột thừa nằm ở phần dưới bên phải của bụng, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như giữa ổ bụng hoặc ở phần dưới bên trái của bụng.
2. Ruột thừa có tác dụng gì?
Cho đến nay, ruột thừa có tác dụng gì vẫn còn mơ hồ và chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, ruột thừa có thể đảm nhiệm hai vai trò chính như sau:
2.1 Duy trì hệ vi khuẩn đường ruột
Ruột thừa là một môi trường cho các vi khuẩn có lợi phát triển và phục hồi sau các vấn đề như tiêu chảy, kiết lị hoặc các bệnh tiêu hóa khác. Một trong những tác dụng của ruột thừa là nơi chứa các vi khuẩn có lợi và điều chỉnh vi khuẩn đường ruột.
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng người đã từng phẫu thuật cắt ruột thừa có nguy cơ tái phát bệnh viêm đại tràng do vi khuẩn Clostridium difficile cao gấp 4 lần so với những người vẫn giữ ruột thừa.
2.2 Hỗ trợ hệ thống miễn dịch và bạch huyết
Khi tìm hiểu ruột thừa có tác dụng gì, có nghiên cứu cho rằng ruột thừa góp phần quan trọng trong hệ miễn dịch niêm mạc ở động vật có vú, bao gồm cả con người, đặc biệt các phản ứng miễn dịch thông qua trung gian - tế bào B và tế bào T - ở ngoài tuyến ức. Cấu trúc này hỗ trợ loại bỏ chất thải và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, các tế bào miễn dịch khác (tế bào lympho bẩm sinh) ở ruột thừa giúp duy trì sức khỏe của hệ tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên quan giữa ruột thừa và nồng độ mô bạch huyết manh tràng.
Nói cách khác, khi được hỏi ruột thừa có tác dụng gì, các nghiên cứu cho biết ruột thừa không chỉ là một phần của hệ thống tiêu hóa mà còn cung cấp khả năng miễn dịch đáng kể.
3. Nguyên nhân dẫn đến viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là hiện tượng ruột thừa bị viêm, do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn.
Sự tắc nghẽn này có thể do việc tích tụ nhiều chất nhầy trong ruột thừa hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Tình trạng này thường xảy ra ở mọi người trong độ tuổi từ 10 đến 30, thậm chỉ trẻ từ 3 - 4 tuổi cũng có khả năng bị viêm ruột thừa. Tuy nhiên, bệnh không lây lan và không có tính di truyền.
Dù nguyên nhân gây viêm ruột thừa chưa được hiểu rõ, nhưng chủ yếu có thể do các yếu tố sau đây:
- Lòng ruột thừa bị tắc nghẽn.
- Nhiễm trùng ruột thừa.
- Tắc nghẽn mạch máu tại ruột thừa.
4. Biểu hiện của bệnh viêm ruột thừa
Người bị đau ruột thừa thường trải qua những dấu hiệu như sau:
- Đau bụng: Thường là những cơn đau ngẫu nhiên và có thể xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau trong ổ bụng, đôi khi cũng có thể đau ở vùng thắt lưng phải.
- Đi tiểu thường xuyên: Viêm và nhiễm trùng ruột thừa có thể ảnh hưởng đến quá trình bài tiết.
- Bụng cồn cào, cảm thấy muốn nôn.
- Sốt và run: Bệnh nhân đau ruột thừa sốt từ 38 độ C trở lên có thể thấy ớn lạnh và run.
- Chán ăn: Người bệnh thường có xu hướng không muốn ăn do gặp vấn đề về tiêu hóa, không muốn bổ sung chất gì vào cơ thể.
- Thành bụng co cứng: Có thể xuất hiện cùng với các cơn đau.

Khi mắc bệnh ruột thừa, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để tránh các biến chứng nguy hiểm. Phẫu thuật nội soi hiện nay được ưa chuộng vì tính thẩm mỹ và có khả năng phục hồi nhanh chóng. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của viêm ruột thừa, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
5. Cách điều trị
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm là một trong những phương pháp chính để điều trị viêm ruột thừa.
Thường có hai phương pháp phẫu thuật được sử dụng: phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Trong trường hợp viêm ruột thừa chưa vỡ, phẫu thuật nội soi thường được ưa chuộng do ít xâm lấn và phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, trong các trường hợp nghiêm trọng hơn - khi ruột thừa đã vỡ hoặc có nguy cơ vỡ - phẫu thuật mở bụng sẽ được thực hiện.
Sau phẫu thuật, nếu ruột thừa không bị vỡ, bệnh nhân có thể xuất viện trong 1-2 ngày. Trong trường hợp ruột thừa đã vỡ, thời gian nằm viện có thể kéo dài từ 4-7 ngày, tùy thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Đối với viêm ruột thừa cấp (mới phát hiện) chưa vỡ, biến chứng sau phẫu thuật thường thấp. Tuy nhiên, đối với viêm phúc mạc do viêm ruột thừa, nguy cơ xảy ra biến chứng như tắc ruột sau phẫu thuật là rất cao. Do đó, người bệnh cần được theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ ngoại khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.