Nội dung video được tư vấn chuyên mơn bởi BS Đồng Xuân Hà, Chuyên khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Ruột thừa là một phần trong ống tiêu hóa, nằm ở đáy manh tràng, gần chỗ tiếp nối giữa ruột non và đại tràng bên phải. Ruột thừa là một ống nhỏ hình ngón tay như một con giun dài 3-13cm, lòng ruột thừa rộng chỉ khoảng 6mm. Thông thường, ruột thừa nằm ở bụng dưới bên phải. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể gặp ruột thừa ở những vùng khác như giữa ổ bụng, vùng dưới gan phải, nằm giữa các quai ruột non hoặc hiếm hơn là nằm bên trái bụng dưới.
1. Hiểu về ruột thừa và vai trò của ruột thừa
Ruột thừa giúp tăng khả năng miễn dịch của con người do có chứa các mô đặc biệt liên quan đến hệ thống bạch huyết, chống lại sự nhiễm trùng cho cơ thể. Lớp niêm mạc trong lòng ruột thừa chứa màng sinh học chứa vi khuẩn có lợi, có thể “khởi động lại” hệ tiêu hóa sau khi chúng ta điều trị các bệnh lý nhiễm trùng đường ruột.
Trong suốt cuộc đời con người, ruột thừa phần lớn là “nằm yên”. Tuy nhiên, khi tắc nghẽn bên trong ruột thừa do sỏi phân, mô bạch huyết phì đại, quá trình viêm, u lành hoặc ác tính, chất thải đến ruột già dần bị tích tụ, khiến vi khuẩn sinh sôi phát triển, gây sưng viêm, nhiễm trùng. Hậu quả là viêm ruột thừa, mà triệu chứng điển hình là cơn đau ruột thừa.
2. Dấu hiệu đau ruột thừa
Đau ruột thừa có dấu hiệu gì? Dấu hiệu nhận biết viêm ruột thừa ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng. Nếu phát hiện sớm sẽ điều trị tương đối dễ dàng, để muộn sẽ có nhiều biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt ở phụ nữ mang thai, nếu để diễn tiến hoại tử gây viêm phúc mạc sẽ dễ sẩy thai. Vì thế, viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa. BS Đồng Xuân Hà, Chuyên khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long, khi có những dấu hiệu dưới đây, bạn đừng chần chừ đến bệnh viện ngay.
2.1.Đau bụng
Thường đau ngẫu nhiên, có thể bắt đầu từ nhiều vị trí khác nhau trong ổ bụng, từ 1 - 3h sau sẽ khu trú về hố chậu phải. Hoặc bạn cũng có thể đau vùng thắt lưng phải, có thể lan xuống hông và đùi phải do kích thích thần kinh hông to - đây cũng là viêm ruột thừa sau manh tràng. Cơn đau ruột thừa thường diễn ra âm ỉ, liên tục, tăng dần trong vòng 24h. Khi bị viêm ruột thừa, chỉ cần những cử động nhỏ ảnh hưởng lên vùng bụng cũng có thể khiến chúng ta đau dữ dội, ví dụ như đi bộ, hắt hơi, khuân vác đồ đạc.
2.2. Đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên và đau bàng quang cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo viêm ruột thừa đang tiến triển nặng. Nguyên nhân là do viêm và nhiễm trùng từ ruột thừa, ảnh hưởng lên quá trình bài tiết bình thường của cơ thể.
2.3.Bụng cồn cào kèm theo nôn ói kéo dài
Nôn ói kéo dài, đau bụng, tiêu chảy, cồn cào, khó chịu... là những biểu hiện rối loạn tiêu hóa, trong đó có cả viêm ruột thừa.
2.4. Run và sốt
Bệnh nhân viêm ruột thừa hay có sốt nhẹ từ 38 - 38,5 độ C, kèm theo run, ớn lạnh. Nguyên nhân bắt nguồn từ tình trạng viêm và nhiễm trùng trong cơ thể, cơ thể phải phản ứng lại với viêm, gây ra cảm giác đau cục bộ hoặc toàn thân, chẳng hạn như sốt và run.
2.5.Chán ăn
Những người đang có vấn đề về tiêu hóa thường không muốn bổ sung bất cứ thứ gì vào cơ thể dù họ vẫn biết rằng cơ thể cần phải được cung cấp năng lượng để duy trì sự sống. Đặc biệt đối với bệnh lý viêm ruột thừa, những cơn đau và nỗi ám ảnh do nôn ói kéo dài khiến cho bệnh nhân cảm thấy sợ hãi khi phải ăn uống bất kỳ thứ gì.
2.6.Thành bụng co cứng
Bên cạnh những cơn đau ở vùng bụng dưới bên phải thì tình trạng co cứng thành bụng cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm ruột thừa. Đau ruột thừa bên trái hay bên phải thường bị nhầm lẫn với đau dạ dày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.