Rối loạn vận động thực quản và những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Rối loạn vận động thực quản là một tổn thương bệnh lý khá phức tạp và mới được phát hiện. Hiện tại việc chẩn đoán và điều trị bệnh đang gặp phải nhiều khó khăn.

1. Triệu chứng rối loạn vận động thực quản

Ở giai đoạn đầu, người bệnh có cảm giác nặng ngực, có tình trạng viêm trào ngược dạ dày – thực quản, nuốt nghẹn với thức ăn cả đặc và lỏng. Các cơn nuốt nghẹn tăng dần lên theo thời gian, thậm chí kèm theo nôn ói trong và sau quá trình ăn uống. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sụt cân ở người bệnh.

Hầu hết, người bị rối loạn vận động thực quản đều có biểu hiện ban đầu là nuốt khó ngay cả khi uống nước, cảm giác nuốt khó thường sau xương ức, lan lên phía hầu họng. Có hiện tượng trào ngược xuất hiện ngay sau bữa ăn, đôi khi là trào ngược muộn hàng giờ sau ăn. Các biểu hiện khác đồng thời như ho, nấc, đau ngực, ợ, viêm phổi trào ngược...

XEM THÊM: Họng vướng, khó nuốt dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?

2. Các rối loạn vận động thực quản thường gặp

Co thắt thực quản lan tỏa, co thắt tâm vị và trào ngược dạ dày thực quản là các rối loạn vận động thực quản thường gặp nhất.


Trào ngược dạ dày là một trong ba rối loạn vận động thực quản thường gặp nhất
Trào ngược dạ dày là một trong ba rối loạn vận động thực quản thường gặp nhất

2.1 Co thắt tâm vị

Diễn ra khi cơ thực quản không giãn ra được. Người bệnh thấy đau khi nuốt thức ăn, khó nuốt. Bệnh tiến triển thì thực quản dần nở ra sẽ giảm đau nhưng tình trạng khó nuốt gia tăng. Người bệnh được điều trị chủ yếu là sử dụng các ống nong hoặc phẫu thuật cắt cơ vòng thực quản. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thuốc có tác dụng làm giãn đoạn dưới cơ thực quản theo chỉ định của bác sĩ ở giai đoạn bệnh sớm.

2.2 Co thắt thực quản lan tỏa

Gây đau ngực ít hơn co thắt tâm vị. Ở đây do mất sự phối hợp vận động của cơ, do đó chỉ có nhu động của lớp cơ đoạn dưới thực quản. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc làm giãn cơ vòng thực quản.

2.3 Trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như nuốt đau, nôn, ợ hơi; khàn tiếng, đau họng, ho; tăng tiết nước bọt; hen phế quản...

Bên cạnh đó, người bệnh thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức, thậm chí lên tận cổ họng, tình trạng tăng lên sau khi ăn, nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước.

Để điều trị tình trạng này, người bệnh có thể sử dụng thuốc ức chế bơm proton, song song duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, lành mạnh sẽ góp phần tăng hiệu quả điều trị trào ngược dạ dày- thực quản.

XEM THÊM: Nuốt nghẹn - Dấu hiệu khối u ung thư thực quản đã phát triển


Người bệnh thường có triệu chứng buồn nôn, ợ hơi khi bị trào ngược
Người bệnh thường có triệu chứng buồn nôn, ợ hơi khi bị trào ngược

3. Chẩn đoán rối loạn vận động thực quản

Khi có các biểu hiện lâm sàng chẩn đoán rối loạn vận động thực quản, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chính xác, tránh nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Cụ thể các xét nghiệm cần làm như:

  • Chụp x quang thực quản có thuốc cản quang
  • Nội soi dạ dày- thực quản để quan sát trực tiếp niêm mạc thực quản, tâm vị và dạ dày. Qua hình ảnh nội soi, bác sĩ sẽ thấy rõ các tổn thương, giúp chẩn đoán phân biệt các tổn thương khác như u, ung thư thực quản, dạ dày. Ngoài ra nội soi còn cho phép lấy mẫu bệnh phẩm trực tiếp để thực hiện các chẩn đoán giải phẫu bệnh học tùy vào tình trạng của người bệnh.

4. Điều trị rối loạn vận động thực quản

Tùy vào tình trạng rối loạn vận động thực quản của người bệnh mà bác sĩ điều trị sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

4.1 Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa với các loại thuốc chẹn kênh canxi như nifedipine và nhóm nitrat như isosorbid dinitrat, nitroglycerin giúp làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới.

Sử dụng nội khoa điều trị được ưu tiên chỉ định với bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân chống chỉ định với thủ thuật, phẫu thuật hoặc bệnh nhân chờ phẫu thuật.

Sử dụng thuốc điều trị rối loạn vận động thực quản thường có tác dụng sau một thời gian điều trị, lại có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt cần chú ý với bệnh nhân có tiền sử hoặc đang mắc bệnh lý tim mạch.


Điều trị bệnh nội khoa bằng thuốc theo đơn của bác sĩ
Điều trị bệnh nội khoa bằng thuốc theo đơn của bác sĩ

4.2 Tiêm

Ngoài ra có thể điều trị rối loạn vận động thực quản bằng các thủ thuật như tiêm độc tố botulinum vào cơ thắt thực quản dưới qua nội soi, botulinum. Phương pháp này giúp giảm co thắt cơ, cân bằng lại quá trình hưng phấn và ức chế điều khiển cơ thắt thực quản dưới.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp điều trị này là có thể gây viêm, xơ hóa cơ gây khó khăn cho phẫu thuật sau này. Bởi vậy, thường chỉ định điều trị cho bệnh nhân tuổi cao không có khả năng phẫu thuật.

4.3 Nong thực quản

Thủ thuật nong thực quản bằng bóng qua nội soi cho tỷ lệ thành công tương đối cao để điều trị rối loạn vận động thực quản.

Đến hiện tại thì phẫu thuật là phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh rối loạn vận động thực quản, tuy nhiên cần dựa vào tình trạng của bệnh nhân để chỉ định điều trị hiệu quả.

Bệnh nhân mắc rối loạn vận động thực quản cũng cần chú ý lối sống lành mạnh, đặc biệt trong thói quen ăn uống, sinh hoạt. Cụ thể, người bệnh cần ăn chậm, nhai kỹ, ăn thức ăn lỏng, tránh ăn xong đi nằm ngay, khi ngủ gối cao đầu. Khi có dấu hiệu bất thường hoặc có tiền sử các bệnh lý tiêu hóa cần đi khám định kỳ, điều trị hiệu quả, hạn chế nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm như ung thư thực quản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe