Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Làm mẹ và chăm sóc em bé là một trong những khoảng thời gian vui vẻ nhất trong cuộc đời của một phụ nữ. Tuy nhiên đối với nhiều người, trải nghiệm này không phải lúc nào cũng tuyệt vời như vậy. Phụ nữ có thể mắc chứng “baby blues”, bệnh trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần sau sinh.
1. Baby Blues hay Trầm cảm sau sinh?
Trên thực tế, hầu hết những người mới làm mẹ sẽ gặp hội chứng “baby blues” - khi những thay đổi nội tiết tố gây ra lo lắng, khóc lóc và bồn chồn trong vòng 2 tuần đầu sau sinh. Có tới 85% bà mẹ mới sinh trải qua cảm giác buồn chán. Họ có thể cảm thấy hạnh phúc trong một chốc, tiếp đến là cảm xúc vỡ òa, rồi lại khóc ngay sau đó. Các chuyên gia cho biết, không có người mẹ nào luôn hạnh phúc. Việc bực bội, cô đơn và rối loạn lo âu, thậm chí cần đặt em bé xuống một lát là điều bình thường. Còn được gọi là rối loạn tâm trạng phụ nữ sau sinh, đây thực sự là một dạng trầm cảm nhẹ và tạm thời, sẽ biến mất sau khi nội tiết tố của phụ nữ quay về mức bình thường.
Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 2 tuần, phụ nữ giai đoạn hậu sản nên cẩn thận về chứng rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như trầm cảm sau sinh. Cứ 5 người mẹ mới sinh thì có 1 người mắc phải chứng trầm cảm sau sinh, đây là một dạng rối loạn tâm trạng nặng và dai dẳng hơn nhưng có thể điều trị được. Các nghiên cứu gần đây đã xác định được sự khác biệt trong hoạt động của một số gen nhất định. Dấu ấn sinh học này giúp dự đoán người nào có nguy cơ bị bệnh trầm cảm sau sinh cao nhất. Những phụ nữ từng lo lắng quá mức hoặc trầm cảm trước khi sinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi em bé chào đời.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm ở phụ nữ sau sinh bao gồm:
- Lo lắng
- Buồn rầu
- Giận dữ và cáu kỉnh
- Khó ngủ
- Giảm khả năng tập trung
- Mất trí nhớ
- Bơ phờ
- Có suy nghĩ lạ thâm nhập (có thể là làm hại em bé, cảm thấy bản thân không xứng đáng kéo dài, có lỗi khi không thể gắn bó với em bé...)
Mọi người có xu hướng coi bệnh trầm cảm ở phụ nữ là nỗi buồn, nhưng các chuyên gia khẳng định điều này không hoàn toàn đúng. Cảm giác có thể tương tự như baby blues, nhưng mãnh liệt hơn. Bệnh trầm cảm hay rối loạn lo âu không chỉ xảy ra với đứa trẻ đầu tiên được sinh ra, mà còn là những đứa trẻ tiếp theo, khi các hoạt động hàng ngày của phụ nữ mới sinh bị ảnh hưởng.
Đặc biệt trong giai đoạn chăm sóc trẻ chu sinh, phụ nữ có rất nhiều lo lắng và bực bội, cộng với việc thiếu ngủ, sự thay đổi nồng độ hormone và vấn đề về tuyến giáp, đã trở thành yếu tố nguy cơ rất lớn dẫn đến trầm cảm sau sinh. Mặc dù mất ngủ ở bà mẹ mới sinh không nhất thiết là một triệu chứng trầm cảm, nhưng có thể khiến hội chứng này trở nên tồi tệ hơn.
2. Nhận biết chứng rối loạn tâm thần ở phụ nữ sau sinh
Trong khi baby blues và bệnh trầm cảm ở phụ nữ sau sinh tương đối phổ biến, thì rối loạn tâm thần sau sinh lại cực kỳ hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng đến 0,1% các bà mẹ mới sinh. Con số này tăng lên 30% ở những phụ nữ đã từng mắc chứng rối loạn lưỡng cực trước đây. Rối loạn tâm thần sau sinh là hiện tượng hậu sản thứ ba cần xem xét, với các triệu chứng bao gồm:
- Lú lẫn và suy giảm nhận thức bất chợt
- Thỉnh thoảng bị mất ý thức
- Hành vi cực kỳ khó hiểu, vô tổ chức
- Ảo giác hoặc ảo tưởng
Tình trạng này xảy ra trong vòng vài ngày đến 3 tuần, lâu nhất là 3 tháng sau khi sinh. Điều quan trọng là không được bỏ qua những triệu chứng này, ngay cả khi bạn không có tiền sử rối loạn tâm trạng. Các chuyên gia cho biết rối loạn tâm thần sau sinh cũng có khả năng xảy ra ở những phụ nữ không có tiền sử bệnh tâm thần. Đây là một cấp cứu tâm thần cần được chăm sóc y tế ngay lập tức vì có tỷ lệ tự tử và gây hại cho em bé rất đáng lo ngại.
3. Điều trị rối loạn tâm trạng sau sinh
Việc được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm trạng sau sinh có thể lấy mất đi khoảng thời gian hạnh phúc của gia đình mới chào đón thành viên nhỏ. Nhưng điều quan trọng nhất là chứng rối loạn tâm trạng phụ nữ sau sinh có thể điều trị được. Hơn nữa, người mẹ mới sinh không cần phải cảm thấy xấu hổ khi mắc phải. Ngay cả trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, một nghiên cứu gần đây cho thấy 98% bệnh nhân đã khá hơn khi được điều trị.
Những cảm giác vui buồn thất thường của baby blues có thể chỉ kéo dài vài giờ hoặc trong 1 -2 tuần sau khi sinh, do đó không cần điều trị.
Để điều trị bệnh trầm cảm ở phụ nữ sau sinh, bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc chống trầm cảm an toàn khi cho con bú. Trong khi đó, phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho chứng rối loạn tâm thần sau sinh là sử dụng cả lithium (chất ổn định tâm trạng) và thuốc chống loạn thần. Với những loại thuốc này, điều quan trọng là bác sĩ phải theo dõi luôn cả em bé và đảm bảo việc cho con bú được an toàn.
4. Ngăn ngừa rối loạn tâm trạng sau sinh
Không có đủ nghiên cứu về phương pháp ngăn ngừa rối loạn tâm trạng phụ nữ sau sinh, mặc dù tình trạng này đang trở nên phổ biến hơn. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy những bà mẹ học được các phương pháp dỗ và ru con ngủ khoa học sẽ có tỷ lệ trầm cảm sau sinh thấp hơn. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng uống thuốc chống trầm cảm ngay trong thời kỳ hậu sản có thể giúp phòng tránh rối loạn lo âu ở phụ nữ có tiền sử bệnh trầm cảm sau sinh.
Giấc ngủ của người mẹ cũng là một yếu tố quan trọng, cần được chăm sóc và chú ý hậu sản để giúp ngăn ngừa rối loạn tâm trạng. Nếu thấy một phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh, bác sĩ sẽ mời cả hai vợ chồng đến phòng khám để chủ động lên kế hoạch cho giấc ngủ. Ngủ đúng và đủ có thể tạo ra sự khác biệt trong việc phòng tránh rối loạn lo âu. Phụ nữ cần ngủ ít nhất 4 giờ liên tục và được thay ca chăm sóc bé, hoặc để người chồng làm mọi việc trừ thời gian cho con bú.
Thông điệp chính mà các bác sĩ muốn nhắn nhủ là phụ nữ không nên sợ hãi khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân và chuyên gia y tế. Chúng ta cần phải phá bỏ sự kỳ thị về bệnh trầm cảm và tâm thần, đặc biệt là đối với các bà mẹ mới sinh con, mới có hy vọng điều trị hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: hopkinsmedicine.org, stanfordchildrens.org