Thuốc Opelan-5 và Opelan 10 thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, được sử dụng để điều trị một số trường hợp mắc bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị trầm cảm. Vậy Opelan 10 là thuốc gì và được sử dụng như thế nào?
1. Thuốc Opelan là thuốc gì?
Thuốc Opelan có chứa thành phần chính là hoạt chất Olanzapine 5mg/10mg và các tá dược khác như bột cellulose vi tinh thể, pharmatose DCL15, povidon, magie stearat, talc vừa đủ trong một viên. Thuốc Opelan được điều chế cho người sử dụng dưới dạng viên nén bao phim. Có hai loại, thuốc Opelan 5 và thuốc Opelan 10, được chia theo hàm lượng Olanzapine. Cả hai loại đều được đóng gói dưới dạng hộp, mỗi hộp 10 vỉ x10 viên.
2. Công dụng của thuốc Opelan
2.1. Công dụng của thuốc
Thuốc Opelan 5 và Opelan 10 có tác dụng:
- Thuốc Opelan có hoạt chất Olanzapine thuộc nhóm thuốc chống loạn thần không điển hình. Tác dụng của thuốc giúp khôi phục sự cân bằng của một số chất tự nhiên có trong não.
- Hoạt chất Olanzapine được sử dụng để điều trị một số bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực. Thuốc cũng có thể được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị bệnh trầm cảm.
2.2 Chỉ định của thuốc Opelan
Một số trường hợp chỉ định của thuốc Opelan:
- Người bị tâm thần phân liệt và các loạn thần khác có biểu hiện rõ rệt của các triệu chứng âm tính hoặc dương tính.
- Người bị những cơn hưng cảm từ trung bình đến nặng.
- Người mắc bệnh trầm cảm.
2.3 Chống chỉ định của thuốc Opelan
Các trường hợp chống chỉ định dùng thuốc Opelan, cụ thể:
- Trường hợp bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với bất cứ hoạt chất nào có trong công thức thuốc
- Tuyệt đối không được dùng Opelan cho bệnh nhân có glaucoma góc hẹp
- Tránh dùng thuốc cho phụ nữ có thai và đang cho con bú
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Opelan
3.1 Cách dùng
Thuốc Opelan là loại thuốc được điều chế dưới dạng viên nén bao phim nên được sử dụng bằng đường uống. Người dùng cần uống thuốc với một lượng nước vừa đủ, không nên bẻ đôi, nhai hay nghiền nát viên thuốc trong khi uống. Thuốc có thể được sử dụng trước hoặc sau bữa ăn, vì thực phẩm không làm giảm tác dụng của thuốc.
3.2 Liều dùng
- Liều dùng thông thường: một lần duy nhất mỗi ngày, không phụ thuộc vào bữa ăn. Liều khởi đầu thông thường khởi là 5 - 10mg, với liều đích là 10mg/ngày, trong vài ngày. Khi cần thiết có thể điều điều chỉnh liều, tuy nhiên nên cách quãng khoảng 1 tuần. Liều lượng thuốc được điều chỉnh sẽ dựa trên đáp ứng lâm sàng của từng cá nhân người dùng, nhưng nằm trong mức 5 - 20mg mỗi ngày. Việc tăng liều cao hơn liều thông thường (10mg/ngày), ví dụ tới 15mg/ngày chỉ được khuyến cáo sử dụng sau khi đã có đánh giá lâm sàng chặt chẽ và thích đáng của bác sĩ điều trị.
- Người cao tuổi: Liều khởi đầu thấp ở mức 5mg/ngày, nhưng nên cân nhắc cho bệnh nhân để bảo đảm về mặt lâm sàng.
- Bệnh nhân suy gan, suy thận: Nên dùng liều khởi đầu thấp với 5mg/ngày
- Người mắc bệnh tâm thần phân liệt: Liều khởi đầu được đề nghị cho đối tượng này là 01 viên/ngày.
- Người mắc bệnh hưng cảm: Liều khởi đầu là 15 mg mỗi ngày có trong phác đồ đơn trị liệu hoặc 10 mg mỗi ngày trong phác đồ phối hợp. Nên lựa chọn dạng bào chế Opelan 5mg (Opelan-5) để có thể dễ chia liều sử dụng hơn opelan-10 khi được chỉ định điều trị với liều 15mg.
- Dùng để ngăn ngừa tái phát trong rối loạn lưỡng cực: Liều khởi đầu được đề nghị là 01 viên/ngày.
- Trong quá trình điều trị bệnh tâm thần phân liệt, giai đoạn hưng cảm và phòng ngừa tái phát trong rối loạn lưỡng cực, liều dùng hàng ngày của bệnh nhân có thể được điều chỉnh dựa trên tình trạng lâm sàng của họ trong phạm vi liều lượng 5-20mg/ngày.
3.3 Cách xử lý khi quên liều - dùng quá liều thuốc Opelan
Trong trường hợp quên liều: Nếu quên 1 liều thuốc mà cách xa với liều tiếp theo thì nên bổ sung liều quên đó. Nhưng nếu thời điểm nhớ ra gần với thời gian sử dụng liều tiếp theo thì dùng liều tiếp theo. Người bệnh không được dùng liều gấp đôi để bổ sung liều quên đó. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh nên cẩn thận lưu ý và ghi nhớ thời gian sử dụng thuốc để có thể phát huy tốt nhất công dụng của thuốc cho cơ thể.
Trong trường hợp quá liều: theo báo cáo nghiên cứu đã ghi nhận, khi người dùng liều cao nhất là 300mg có triệu chứng xuất hiện là buồn ngủ và nói líu ríu. Chưa có báo cáo về các triệu chứng có ảnh hưởng đến tính mạng con người. Tuy nhiên, một số triệu chứng xuất hiện như buồn ngủ, nhìn mờ mắt, suy hô hấp, hạ huyết áp, giãn đồng tử và có thể gây rối loạn ngoại tháp. Thuốc Opelan không có thuốc chống độc đặc hiệu, vì vậy, người bệnh cần được tiến hành điều trị kịp thời. Trước hết cần được điều trị hạ huyết áp và trụy tuần hoàn, có thể sử dụng truyền dịch qua tĩnh mạch hoặc dùng thuốc cường giao cảm.
Lưu ý: cần phải giám sát chặt chẽ và theo dõi tình trạng của người dùng trong suốt thời gian điều trị quá liều cho tới khi bệnh nhân được hồi phục sức khỏe bình thường.
4. Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Opelan
Khi sử dụng thuốc Opelan, người dùng có thể sẽ gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:
- Bị trở nên kích động, mất sức và năng lượng.
- Bị táo bón, khô rát miệng, buồn nôn, tăng cân.
- Cơ thể mệt mỏi nặng, nhức đầu dữ dội, co giật bất thường.
- Thay đổi tâm trạng, hành vi.
- Chóng mặt nghiêm trọng, nhịp tim đập chậm hoặc nhanh hơn bình thường.
- Thay đổi khả năng nhìn của mắt.
- Đau ngực, sưng ở chân hoặc cánh tay.
- Có cảm giác nóng rát hoặc tê liệt.
- Rối loạn chức năng tình dục.
- Xuất hiện hội chứng ác tính thần kinh như sốt, chuột rút hoặc cứng cơ, chóng mặt, nhức đầu dữ dội, nhầm lẫn, hoặc đổ mồ hôi nhiều.
- Rối loạn hệ vận động muộn như không thể kiểm soát các cử động cơ thể, lưỡi, mặt, miệng hoặc hàm nhô ra, mấp máy miệng, hoặc phồng má.
Lưu ý: khi gặp một trong số các tác dụng phụ trên, người dùng cần dừng dùng thuốc ngay lập tức và thông báo với bác sĩ điều trị của mình hoặc tới cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
5. Tương tác thuốc Opelan
Có một số tương tác với thuốc Opelan như sau:
- Các loại thuốc kháng acid (magnesi, nhôm) hoặc cimetidine không làm ảnh hưởng đến tính khả dụng của hoạt chất olanzapine thông qua đường uống.
- Khi dùng đồng thời than hoạt sẽ làm giảm tính khả dụng của hoạt chất olanzapine qua đường uống từ 50 đến 60%.
- Sự chuyển hoá của olanzapine có thể bị ảnh hưởng do người dùng sử dụng hút thuốc lá hoặc do điều trị bằng chất carbamazepin.
- Olanzapin không gây tương tác khi dùng chung với hoạt chất lithium hoặc biperiden
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Opelan
Trước khi sử dụng Opelan, người dùng cần thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ về tiền sử bệnh tật của mình, đặc biệt là các vấn đề về gan, thận, các bệnh lý tâm thần, hô hấp như COPD. Cùng với đó là các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Opelan:
- Không dùng thuốc khi lái xe, sử dụng máy móc vì thuốc có thể gây chóng mặt hoặc buồn ngủ.
- Trường hợp sử dụng là thanh thiếu niên có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc như tăng cân, tăng lượng cholesterol, triglyceride và prolactin khi sử dụng Opelan.
- Trường hợp sử dụng là người lớn cũng có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc, phổ biến như hiện tượng buồn ngủ, nhầm lẫn, chóng mặt, khó tiêu, táo bón.
- Trường hợp là phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú: thuốc chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết và phải được tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị. Thuốc sẽ bài tiết qua sữa mẹ và có thể sẽ gây ảnh hưởng không mong muốn đến trẻ sơ sinh, cần thận trọng hoặc ngưng dùng thuốc khi cho con bú.
- Thuốc cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo và tránh xa tầm tay của trẻ em.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ về công dụng, cách dùng và một số lưu ý cần thiết về thuốc Opelan sẽ giúp cho người dùng hiểu chi tiết hơn và an tâm hơn khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.