Rối loạn phân liệt cảm xúc

Rối loạn phân liệt cảm xúc là một loại rối loạn loạn thần, khi mà người bệnh sẽ có các biểu hiện của triệu chứng tâm thần phân liệt như ảo giác, hoang tưởng cùng với những rối loạn cảm xúc của trầm cảm, hưng cảm.

1. Rối loạn phân liệt cảm xúc là gì?

Rối loạn phân liệt cảm xúc là một dạng bệnh loạn thần, có những triệu chứng của bệnh loạn thần. Trong cùng một khoảng thời gian, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt như ảo giác, hoang tưởng, hành vi, lời nói lộn xộn, sáo rỗng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có lúc sẽ xuất hiện các triệu chứng của hưng cảm hoặc rối loạn trầm cảm. Các loại rối loạn này được chia làm 3 loại chính:

  • Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm.
  • Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp.
  • Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm.

2. Những nguyên nhân gây ra chứng rối loạn phân liệt cảm xúc

Theo các nghiên cứu di truyền học, dịch tễ, thần kinh,... cho thấy cơ chế sinh bệnh thường liên quan đến những yếu tố sau:

  • Do di truyền: đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các rối loạn tâm thần nói chung và chứng rối loạn phân liệt cảm xúc không ổn định nói riêng. Đa số những trường hợp mắc bệnh này thường là do trong gia đình có người bị mắc chứng rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, đến nay các chuyên gia cũng vẫn chưa lý giải được cách thức di truyền của chứng bệnh này, nhưng vẫn có thể khẳng định vai trò của việc di truyền trong cơ chế sinh bệnh của chứng bệnh này.
  • Do rối loạn chất dẫn truyền thần kinh: đây là đặc điểm chung ở những người bị căn bệnh này. Với những người mắc rối loạn phân liệt cảm xúc, các chất nội sinh như dopamin, serotonin, norepinephrine bị mất sự cân bằng. Điều này gây nên các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm và hưng cảm.
  • Do một số nguyên nhân khác như: đối mặt với các sang chấn tâm lý nặng nề, lạm dụng các chất gây nghiện, sử dụng thuốc không đúng cách, rối loạn nội tiết tố,... Tình trạng mắc bệnh này sẽ tăng lên đáng kể khi người phụ nữ đang mang thai gặp các biến chứng sản khoa, nhiễm virus hoặc mất con ngay sau khi sinh.

3. Các triệu chứng của bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc

Các triệu chứng sẽ thường xuất hiện rời rạc theo các giai đoạn nhưng cũng có lúc sẽ xảy ra đồng thời, chồng chéo lên nhau. Dưới đây là một số biểu hiện thường xuất hiện nhất:

  • Hoang tưởng: xuất hiện các suy nghĩ lệch lạc, không phù hợp với thực tế nhưng luôn được người bệnh cho là đúng. Gồm có: hoang tưởng bị chi phối, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng bị hại,...
  • Xuất hiện ảo giác: xuất hiện những hình ảnh không có thật, ảo thanh. Nội dung của ảo giác này thường là đe dọa, nhạo báng, chửi bới, buộc tội bản thân. Qua đó, người bệnh thường phản ứng lại bằng thái độ la hét, chửi bới, bịt tai và phòng vệ trong trạng thái hoảng loạn.
  • Nói những lợi khó hiểu, diễn đạt lung tung, mơ hồ, gây khó hiểu.
  • Xuất hiện những hành vi bất thường, kỳ lạ, không phù hợp với xã hội.
  • Các biểu hiện trầm cảm: chán nản, buồn bã, tự ti, cảm thấy vô dụng, mất hứng thú với tất cả mọi thứ xung quanh.
  • Các phản ứng hưng cảm: phấn khích, vui vẻ quá mức, cơ thể luôn tràn đầy năng lượng, ngủ ít, quá khích, gây hấn,...
  • Suy giảm khả năng học tập, làm việc và các chức năng xã hội.
  • Không quan tâm đến bản thân: không giữ vệ sinh các nhân, bỏ mặc ngoại hình, luộm thuộm,...

4. Ảnh hưởng của bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc

Gây ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngoài ra, sự xen kẽ giữa các biểu hiện hưng cảm, loạn thần, trầm cảm khiến cho cảm xúc và hành vi của người bệnh không được ổn định.

Bệnh nhân có thể thường xuyên gây hấn, có những hành vi bạo lực với người khác khi đang trong giai đoạn hưng cảm và loạn thần. Hoặc bỏ dở học hành, nghề nghiệp và chán nản khi đang ở giai đoạn trầm cảm. Lâu dần, người bệnh sẽ gặp thêm nhiều phiền toái trong cuộc sống, tăng khả năng xung đột với những người xung quanh.

Dần dần, họ sẽ có xu hướng tự cách ly, cô lập với xã hội và chìm đắm vào trong những suy nghĩ hoang tưởng, ảo giác và ảo thanh.

Vì không duy trì được hiệu quả học tập, công việc nên họ sẽ bị sa thải, thất nghiệp và gặp khó khăn về mặt tài chính.

Chính vì vậy có thể thấy, rối loạn phân liệt cảm xúc là căn bệnh gây ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống, từ sức khỏe thể chất đến sức khỏe tâm thần của người bệnh.

5. Cách chẩn đoán bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc

Rối loạn phân liệt cảm xúc thường rất dễ bị nhầm lẫn với rối loạn cảm xúc và tâm thần phân liệt vì nó là sự kết hợp của hai loại bệnh này. Người bệnh sẽ được sử dụng các kỹ thuật dưới đây:

  • Khám sức khỏe tổng quát.
  • Kiểm tra và sàng lọc: chụp CT, MRI não, xét nghiệm tìm các chất gây nghiện,...
  • Đánh giá tâm thần qua ngoại hình, phong thái, tâm trạng, suy nghĩ, ...
  • Sử dụng tiêu chuẩn DSM-5 để chẩn đoán bệnh.

6. Phương pháp điều trị bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc

6.1 Sử dụng thuốc

Có tác dụng làm giảm đi các triệu chứng rối loạn cảm xúc, giúp ổn định tâm trạng và cải thiện triệu chứng loạn thần. Dưới đây là một số loại thuốc được sử dụng phổ biến như:

  • Thuốc chống loạn thần: giúp cải thiện tình trạng ảo giác, ảo thanh, hoang tưởng, hành vi và ngôn ngữ vô tổ chức, ... . Tuy nhiên, khi sử dụng nhóm thuốc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và các tác dụng phụ cần được kiểm soát chặt chẽ. như: bồn chồn, ngủ gà, đau đầu, tăng nhịp tim,...
  • Thuốc ổn định tâm trạng: thường được sử dụng trong giai đoạn rối loạn lưỡng cực, giúp ổn định cảm xúc. Các loại thuốc thường được dùng như: thuốc chứa khoáng chất Liti, thuốc chống co giật Valproate, Lamotrigine, Carbamazepine.
  • Thuốc chống trầm cảm: thường được sử dụng trong giai đoạn trầm cảm, làm giảm các triệu chứng như khó ngủ, tuyệt vọng, buồn bã, chán nản, khó tập trung,...

6.2. Tâm lý trị liệu

Là phương pháp quan trọng bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị. Với phương pháp này, người bệnh sẽ được sử dụng hình thức giao tiếp để điều chỉnh được tư duy, suy nghĩ và hành vi sai lệch. Phương pháp này sẽ giúp người bệnh hiểu rõ được bệnh lý của bản thân, chấp nhận được quá trình trị liệu, từ đó kiểm soát được các vấn đề mà căn bệnh này gây ra. Tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau, người bệnh sẽ được lựa chọn những phương pháp trị liệu phù hợp và cần phải được thực hiện kết hợp với nhóm hoặc gia đình

  • Trị liệu cá nhân: là việc thực hiện điều trị gồm có nhà trị liệu và người bệnh. Hình thức điều trị này sẽ giúp cho nhà trị liệu sẽ hiểu rõ hơn về cảm xúc, suy nghĩ và các vấn đề mà người bệnh đang gặp phải. Qua đó xây dựng được mối quan hệ tin cậy để giúp cho việc giải quyết vấn đề và xây dựng được chiến lược đối phó với người bệnh.
  • Trị liệu gia đình/ nhóm: sau khi trị liệu cá nhân thì bác sĩ sẽ kết hợp với trị liệu nhóm/ gia đình để gia tăng được hiệu quả. Trị liệu gia đình sẽ giúp người bệnh cảm nhận được sự quan tâm, thấu hiểu của những người xung quanh và giảm được tình trạng tự cô lập bản thân. Ngoài ra, trị liệu nhóm còn giúp cho người bị rối loạn phân liệt cảm xúc có được niềm tin đối với người bệnh và cải thiện được các kỹ năng xã hội tốt hơn.

6.3 Đào tạo kỹ năng sống

Người bệnh bị rối loạn phân liệt cảm xúc sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ năng sống như kỹ năng giao tiếp, cách thể hiện cảm xúc, tương tác,... Chính vì vậy, việc đào tạo kỹ năng sống sẽ thường được thực hiện song song với việc sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý. Phương pháp này sẽ giúp cho người bệnh nâng cao thêm được chất lượng cuộc sống. Việc đào tạo kỹ năng sống bao gồm:

  • Cải thiện khả năng giao tiếp, giảm đi tình trạng ngôn ngữ vô tổ chức.
  • Hướng dẫn người bệnh tăng kỹ năng tương tác xã hội, tránh được xu hướng tự cô lập bản thân.
  • Các kỹ năng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày như: chú trọng ngoại hình, vệ sinh cá nhân, nhà cửa,....

6.4 Điều trị nội trú

Nếu người bệnh có các hành vi tự sát, làm tổn thương đến bản thân và những người xung quanh thì cần phải được nhập viện để điều trị và theo dõi ngay lập tức. Tùy theo từng trường hợp mà người bệnh sẽ có thời gian điều trị tại viện, trung tâm khác nhau.

7. Lối sống dành cho những người bị rối loạn phân liệt cảm xúc

Sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý và kiên trì học các kỹ năng sống theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất gây nghiện. Nếu người bệnh không thể thoát khỏi tình trạng hoang tưởng hoặc cảm giác buồn bã quá mức thì người bệnh nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác thay vì sử dụng các chất gây nghiện để giải tỏa.

Tham gia các hoạt động nhóm những người cùng hoàn cảnh để có thể lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm để điều trị bệnh tốt hơn.

Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý để có thể nâng đỡ được thể trạng và hỗ trợ làm giảm đi các rối loạn về mặt cảm xúc.

Tập luyện thể dục thường xuyên, ngủ đúng giờ, đủ giấc, làm việc hiệu quả, dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân,...

Như vậy, rối loạn tâm thần phân liệt cảm xúc là một căn bệnh phức tạp, xen kẽ các triệu chứng, gây rối loạn cảm xúc của người bệnh. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện và điều trị bệnh nhưng hy vọng những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp ích cho người bệnh trở nên tích cực, hợp tác điều trị để giúp cuộc sống ổn định hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe