Các bệnh lý rối loạn tâm thần thường gặp ở người già hơn là người trẻ tuổi. Các triệu chứng rối loạn tâm thần ở người cao tuổi có thể gặp ở nhiều thể trạng. Hiện nay có rất nhiều chiến lược điều trị, cả dùng thuốc và không dùng thuốc đối với các bệnh như tâm thần phân liệt và rối loạn thoái hóa thần kinh trong nhóm tuổi này.
1. Nguyên nhân gây rối loạn tâm thần ở người cao tuổi
Rối loạn tâm thần theo định nghĩa là sự suy giảm khả năng trải nghiệm thực tế, gây rối loạn nhận thức, hành vi và thường biểu hiện dưới dạng ảo tưởng (suy nghĩ bất thường) hoặc ảo giác (bất thường về giác quan). Trong thực hành lâm sàng, từ 'rối loạn tâm thần' thường được sử dụng để mô tả một bệnh tâm thần nặng, trong đó có ảo tưởng và ảo giác là đặc điểm nổi bật.
Khởi phát cấp tính thường thấy trong mê sảng thứ phát do các bệnh lý, lạm dụng thuốc và rối loạn tâm thần do thuốc. Các triệu chứng loạn thần kinh niên và dai dẳng có thể là do rối loạn loạn thần nguyên phát (tâm thần phân liệt mãn tính, tâm thần phân liệt khởi phát muộn, rối loạn ảo tưởng, rối loạn tâm trạng) và loạn thần do rối loạn thoái hóa thần kinh (sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson) và các tình trạng bệnh mãn tính. Điều quan trọng là nhận biết các triệu chứng rối loạn tâm thần và điều trị kịp thời, vì chúng có thể dẫn đến hành vi hung hăng và gây rối. Đây cũng thường là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi cho người chăm sóc. Các triệu chứng dai dẳng làm giảm chất lượng cuộc sống, dẫn đến bệnh nhân phải nhập viện. Trong một số trường hợp, người lớn tuổi có thể bị bỏ rơi và lạm dụng khi không thể kiểm soát hành vi của mình.
- Bệnh tâm thần phân liệt: Những người cao tuổi mắc bệnh tâm thần phân liệt được chia thành hai nhóm chính, những người phát bệnh khi về già và những người mắc bệnh từ khi còn nhỏ. Sự khởi phát muộn có thể được chia thành những người mắc bệnh sau 40 tuổi và những người sau 60 tuổi (tâm thần phân liệt khởi phát rất muộn). Hiện có những điểm tương đồng nhất định giữa tâm thần phân liệt khởi phát sớm và muộn, đáng chú ý là cả hai đều có nguy cơ di truyền, biểu hiện với sự thay đổi tinh vi trong não như được phát hiện qua hình ảnh chụp cắt lớp, bệnh nhân có ảo giác và ảo tưởng. Tâm thần phân liệt khởi phát muộn khác với khởi phát sớm ở chỗ bệnh nhân có phản ứng tốt hơn với thuốc và họ có chức năng nhận thức tổng thể tốt hơn.
- Sa sút trí tuệ: Tỷ lệ loạn thần ở những người bị sa sút trí tuệ từ 30-50% trong bệnh Alzheimer’s và sa sút trí tuệ mạch máu. Sa sút trí tuệ thể Lewy và sa sút trí tuệ bệnh Parkinson được cho là những rối loạn cần được quản lý điều trị cẩn thận vì chúng phức tạp, nhạy cảm với thuốc chống loạn thần hơn những bệnh khác và biểu hiện khó khăn về hành vi.
- Các nguyên nhân khác của rối loạn tâm thần người già: Mê sảng có biểu hiện ảo giác và hoang tưởng, trong 30 - 40% trường hợp là do thuốc, tình trạng bệnh lý có từ trước hoặc do cơ thể kém hydrat hóa. Hoang tưởng và ảo giác cũng được thấy ở bệnh nhân lạm dụng rượu, mắc rối loạn tâm trạng (trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực) và rối loạn nhân cách ở người lớn tuổi.
2. Các vấn đề gặp phải khi dùng thuốc điều trị rối loạn tâm thần ở người già
Thuốc tác động tâm thần là những chất tác động tới hành vi, cảm xúc, suy nghĩ, hoặc nhận thức, có 5 nhóm thuốc chính, bao gồm: giải lo âu, chống trầm cảm, chống loạn thần, chỉnh khí sắc, kích thích. Mục đích kê đơn các thuốc tác động tâm thần: điều trị lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, các rối loạn giấc ngủ và nhiều rối loạn tâm thần khác nhờ cơ chế tác dụng trên các chất dẫn truyền thần kinh để cải thiện những triệu chứng bệnh.
Người lớn tuổi có đáp ứng thuốc khác với người trẻ tuổi và tăng nhạy cảm với thuốc nói chung và thuốc chống loạn thần nói riêng. Những thay đổi cơ thể liên quan đến tuổi tác ảnh hưởng đến dược động học và dược lực học của thuốc chống rối loạn tâm thần, có nhiều tác dụng phụ có thể dai dẳng hơn và thậm chí gây tàn phế ở người lớn tuổi. Với người cao tuổi, việc thải trừ toàn bộ thuốc ra khỏi cơ thể mất nhiều thời gian hơn, nhất là với những người có chức năng gan, thận kém.Bên cạnh đó, người già thường phải điều trị nhiều bệnh lý mắc kèm nên phải dùng đồng thời nhiều thuốc, làm tăng nguy cơ gặp tương tác thuốc, có thể gây tăng độc tính hoặc các tác dụng phụ của thuốc. Người già có trí nhớ kém nên dễ dẫn đến quên thuốc, nhầm thuốc, với các tác dụng không mong muốn như buồn ngủ, lú lẫn, chóng mặt có thể dễ gây nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.
3. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị rối loạn tâm thần ở người lớn tuổi
Một vài lưu ý quan trọng khi dùng thuốc điều trị rối loạn tâm thần ở người lớn tuổi:
- Áp dụng các can thiệp điều trị không dùng thuốc: Thay đổi hành vi, điều chỉnh môi trường (ví dụ: tiếng ồn, nhiệt độ, sự gián đoạn), liệu pháp nhóm, liệu pháp tâm lý hỗ trợ và các hoạt động giải trí (ví dụ: liệu pháp âm nhạc, làm vườn), có thể hữu ích trong việc giảm hoặc loại bỏ cần sự can thiệp của dược lý.
- Đánh giá tình trạng bệnh chính xác: Điều này nên được thực hiện kỹ lưỡng vì các triệu chứng tâm lý ở bệnh nhân lão khoa có thể do các bệnh lý khác gây ra hoặc làm cho trầm trọng hơn. Điều này sẽ giúp loại bỏ sai lầm rằng các triệu chứng là hoàn toàn do các bệnh lý tâm thần gây ra và cần bắt đầu điều trị bằng thuốc hướng thần. Việc xác định đúng các nguyên nhân cơ bản của rối loạn tâm thần và kích động liên quan đến sa sút trí tuệ giúp bác sĩ điều trị tích cực các nguyên nhân bằng cách can thiệp dược lý và không dùng thuốc phù hợp nhất.
- Điều trị thuốc theo nguyên tắc “bắt đầu liều thấp, chậm và theo dõi thường xuyên”: Ở người cao tuổi, liều ban đầu nên dựa trên hướng dẫn dùng thuốc dành cho người già với chuẩn độ từ từ và theo dõi chặt chẽ, thường xuyên.
- Đánh giá liên tục để điều chỉnh thích hợp liệu pháp thuốc hướng thần là điều cần thiết. Bác sĩ sẽ cần quan sát để phát hiện đáp ứng của bệnh nhân đối với liệu pháp được chỉ định. Điều này cần đến sự hỗ trợ quan sát của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
- Bệnh nhân và người nhà cần thông báo cho bác sĩ tất cả những bệnh lý đang mắc và những loại thuốc đang dùng kể cả thuốc không kê đơn, đông y, thực phẩm chức năng,... Nên giữ lại vỏ hộp thuốc để bác sĩ biết chính xác loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng. Trong quá trình điều trị, nếu gặp bất kỳ vấn đề hay triệu chứng bất thường nào, nên báo ngay với bác sĩ điều trị, không nên tự ý đổi thuốc, ngừng thuốc hay thay đổi liều lượng của thuốc.
Tóm lại, thuốc điều trị rối loạn tâm thần được sử dụng phổ biến và thành công. Thuốc vẫn là phương pháp điều trị chính cho bệnh tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần liên quan ở người cao tuổi. Tuy nhiên, đó không phải là lựa chọn duy nhất cho các triệu chứng loạn thần, trong một số trường hợp có thể áp dụng điều trị không dùng thuốc. Để chăm sóc tối ưu cho người cao niên có rối loạn tâm thần, nên tiếp cận một cách toàn diện, nhiều mặt trong quá trình tìm kiếm các loại thuốc an toàn hơn và hiệu quả hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.