Rối loạn lưỡng cực khác gì trầm cảm?

Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm có nhiều điểm giống nhau nhưng chúng cũng có một số điểm khác biệt chính. Điều quan trọng bạn phải biết sự khác nhau để có cách điều trị phù hợp.

1. Nhận diện trầm cảm

Trầm cảm không chỉ đơn thuần là cảm giác thấp thỏm lo lắng mà đó còn là cảm giác mang tên một nỗi buồn sâu sắc hoặc cảm thấy sự trống rỗng mà bạn không thể rũ bỏ. Bạn có thể cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng và bồn chồn. Bạn cũng có thể mất hứng thú với những thứ mà bạn từng yêu thích. Trầm cảm nặng thường đi đôi với các vấn đề về giấc ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn và khó tập trung. Nó có thể dẫn đến suy nghĩ hoặc hành động tự sát. Người bị trầm cảm nếu không được điều trị thích hợp, tâm trạng họ có xu hướng luôn duy trì ở mức thấp.

2. Nhận diện rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là những thay đổi cực độ trong tâm trạng với các triệu chứng có thể bao gồm một tâm trạng cực kỳ cao được gọi là hưng cảm và chúng cũng có thể bao gồm các giai đoạn trầm cảm. Rối loạn lưỡng cực còn được gọi là bệnh lưỡng cực hoặc hưng trầm cảm. Những người bị rối loạn lưỡng cực có thể gặp khó khăn trong việc quản lý các công việc hàng ngày hoặc khó duy trì các mối quan hệ. Rối loạn lưỡng cực hiện không có cách chữa trị, nhưng có nhiều lựa chọn điều trị nhằm giúp kiểm soát các triệu chứng.

Đặc trưng của rối loạn lưỡng cực là biểu hiện của hiện tượng tâm trạng thất thường, dịch chuyển từ trạng thái trầm cảm đến hưng cảm. Rối loạn lưỡng cực đề cập đến các cực của cảm xúc. Đối với mức cao thì được gọi là hưng cảm và mức thấp thì gọi là trầm cảm. Bạn có thể bị trầm cảm nghiêm trọng trong vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi bước vào giai đoạn hưng cảm. Cơn hưng cảm có thể kéo dài từ vài ngày đến hai tháng hoặc lâu hơn. Bạn cũng có thể mắc một loại rối loạn lưỡng cực, trong đó có các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm xảy ra cùng một lúc. Bạn cảm thấy buồn và tuyệt vọng nhưng cũng rất dễ bị kích động và bồn chồn.

Mức độ cao của rối loạn lưỡng cực có thể cho bạn cảm giác thú vị nhưng chúng cũng có thể gây nguy hiểm vì các hành vi rủi ro về thể chất. Hưng cảm thường được theo sau bởi trầm cảm cực độ. Khoảng 6 triệu người Mỹ trưởng thành mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Trong khi có khoảng hơn 16 triệu người Mỹ trưởng thành mắc chứng trầm cảm.


Rối loạn lưỡng cực dịch chuyển từ trạng thái trầm cảm đến hưng cảm
Rối loạn lưỡng cực dịch chuyển từ trạng thái trầm cảm đến hưng cảm

3. Các biểu hiện của hưng cảm có thể nhận ra

Nếu bạn bị rối loạn lưỡng cực và đang ở giai đoạn hưng cảm, bạn có thể cảm thấy rất sung sức, ngủ rất ít và thấy mình nói nhanh hơn vì các dòng suy nghĩ của bạn xuất hiện rất nhanh chóng. Bạn cảm thấy mình là người đa năng và bạn cũng có thể chấp nhận những rủi ro mà bạn thường không chấp nhận. Ví dụ có thể tiếp tục tiêu xài hoang phí hoặc lái xe một cách thiếu thận trọng. Đôi khi loại hành vi này rất dễ phát hiện nếu ở dạng hưng cảm cao, nhưng lại khó phát hiện nếu ở dạng hưng cảm nhẹ hơn. Bạn có thể cảm thấy tốt, hạnh phúc vì mình tràn đầy năng lượng và nghĩ rằng bản thân đang làm việc hiệu quả nhưng bạn bè và các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng nhận thấy những bất thường.

4. Rối loạn lưỡng cực và trầm cảm khác nhau như thế nào?

Rối loạn lưỡng cực có thể có hai thái cực là tâm trạng lên và xuống. Để được chẩn đoán mắc chứng lưỡng cực, bạn phải trải qua giai đoạn hưng cảm. Mọi người thường cảm thấy tâm trạng lên trong giai đoạn rối loạn này. Khi bạn trải qua một sự thay đổi đi lên trong tâm trạng, bạn có thể cảm thấy tràn đầy sinh lực và dễ bị kích động. Một số người bị rối loạn lưỡng cực cũng sẽ trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng hoặc còn được gọi là tâm trạng đi xuống. Khi trải qua một sự thay đổi đi xuống trong tâm trạng bạn có thể cảm thấy thờ ơ, không có động lực và buồn bã.

Mặc dù rối loạn lưỡng cực có thể khiến bạn cảm thấy chán nản, nhưng nó không giống với tình trạng được gọi là trầm cảm. Rối loạn lưỡng cực thường gây ra mức cao và mức thấp, nhưng trầm cảm khiến tâm trạng và cảm xúc của bạn luôn xuống.

5. Lựa chọn giải pháp điều trị đúng đắn cho từng loại bệnh

Việc chẩn đoán chính xác không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ chỉ đánh giá bạn ở mức hưng cảm thấp nếu sự thay đổi về hành vi của bạn không được giải thích rõ cho họ biết và một số người bị rối loạn lưỡng cực cũng có thể mắc thêm các bệnh lý khác khiến việc chẩn đoán và điều trị trở nên khó khăn hơn, ví dụ như lạm dụng chất kích thích hoặc rối loạn lo âu hoặc ăn uống.

Một khi nghĩ rằng bạn có thể bị rối loạn lưỡng cực, điều quan trọng là phải nêu mối quan tâm của bạn với chuyên gia sức khỏe tâm thần và làm việc chặt chẽ với họ để đưa ra chẩn đoán chính xác. Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng kéo dài suốt đời. Điều trị thích hợp thường là sự kết hợp giữa tư vấn và thuốc. Đó là cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng. Thuốc ổn định tâm trạng như lithium hoặc divalproex thường được sử dụng để kiểm soát rối loạn lưỡng cực.

Một số người thường dùng thuốc chống trầm cảm ngoài thuốc ổn định tâm trạng hoặc thuốc chống loạn thần. Nhưng tự dùng thuốc chống trầm cảm có thể gây ra cơn hưng cảm. Đó là một lý do quan trọng để tìm hiểu xem bạn có bị rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm hay không. Ngoài ra, theo thời gian, tình trạng có thể thay đổi và các loại thuốc của bạn có thể cần được điều chỉnh. Nhân viên chăm sóc sức khỏe sẽ khuyến khích bạn theo dõi các triệu chứng của mình bằng cách ghi lại tâm trạng hàng ngày, cách ngủ, các sự kiện trong cuộc sống và các chi tiết khác để giúp bạn cùng bác sĩ nắm bắt được tình trạng nhằm đảm bảo rằng bạn được điều trị hiệu quả nhất có thể.


Người bệnh tự dùng thuốc chống trầm cảm có thể gây ra cơn hưng cảm ngoài ý muốn
Người bệnh tự dùng thuốc chống trầm cảm có thể gây ra cơn hưng cảm ngoài ý muốn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com- .webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe