Rối loạn lưỡng cực I: Những điều cần biết

Rối loạn lưỡng cực là một trong những biểu hiện của chứng bệnh tâm thần. Triệu chứng phổ biến của bệnh thường là sự biến đổi cực độ trong cảm xúc của người bệnh như hưng phấn quá mức hoặc trầm cảm. Có ba loại rối loạn lưỡng cực là rối loạn lưỡng cực I, II và rối loạn lưỡng cực diễn ra theo chu kỳ. Bài viết này sẽ tập trung về nội dung của rối loạn lưỡng cực I.

1. Rối loạn lưỡng cực I là gì?

Rối loạn lưỡng cực I hay còn được gọi là rối loạn hưng cảm hoặc trầm cảm là một dạng bệnh tâm thần. Người bị ảnh hưởng bởi rối loạn lưỡng cực I sẽ có ít nhất một giai đoạn hưng cảm trong đời. Giai đoạn hưng cảm là giai đoạn tâm trạng tăng cao bất thường hoặc cáu kỉnh, kèm theo những hành vi bất thường làm gián đoạn cuộc sống. Hầu hết những người bị rối loạn lưỡng cực I cũng bị các đợt trầm cảm tấn công nhưng nhiều người bệnh vẫn có thể có một cuộc sống bình thường.

2. Ai sẽ có nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực I?

Hầu như bất kỳ ai cũng có thể phát triển chứng rối loạn lưỡng cực I. Khoảng 2,5% dân số Hoa Kỳ bị rối loạn lưỡng cực, tương đương gần 6 triệu người. Hầu hết đều ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu những năm 20 tuổi khi các triệu chứng rối loạn lưỡng cực lần đầu tiên xuất hiện. Gần như tất cả người mắc chứng rối loạn lưỡng cực I đều phát triển trước 50 tuổi. Những người có thành viên trong gia đình mắc chứng lưỡng cực có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.

3. Các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực I là gì?

Đối với người bị rối loạn lưỡng cực, trong giai đoạn hưng cảm họ thường có tâm trạng tăng cao biểu hiện dưới dạng hưng phấn hoặc cáu kỉnh. Các hành vi bất thường trong giai đoạn hưng cảm bao gồm:

  • Các ý tưởng thay đổi đột ngột từ ý tưởng này sang ý tưởng khác.
  • Giọng nói nhanh, áp lực và lớn
  • Tăng năng lượng, tăng động và giảm nhu cầu ngủ
  • Hình ảnh bản thân bị thổi phồng hoặc phóng đại bản thân
  • Chi tiêu quá mức
  • Mắc chứng cuồng dâm
  • Lạm dụng chất gây nghiện

Lạm dụng chất gây nghiện là một trong các hành vi bất thường do rối loạn lưỡng cực gây ra
Lạm dụng chất gây nghiện là một trong các hành vi bất thường do rối loạn lưỡng cực gây ra

Những người trong giai đoạn hưng cảm có thể tiêu tiền vượt quá khả năng, quan hệ tình dục với những người mà họ không muốn hoặc theo đuổi những kế hoạch phi thực tế. Trong những giai đoạn hưng cảm nghiêm trọng, họ có thể xa rời với thực tế và có thể trở nên ảo tưởng dẫn đến cư xử kỳ quái.

Nếu không được điều trị, giai đoạn hưng cảm có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng. Nhiều người bị rối loạn lưỡng cực I trải qua thời gian dài mà không có triệu chứng. Một số ít người có các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm theo chu kỳ, trong đó họ có thể có các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm riêng biệt từ 4 lần trở lên trong vòng một năm.

Các giai đoạn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực tương tự như trầm cảm lâm sàng thông thường, với các biểu hiện như tâm trạng chán nản, mất niềm vui, mất năng lượng và hoạt động thấp, cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng, có ý định tự tử. Các triệu chứng trầm cảm của rối loạn lưỡng cực có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng nhưng hiếm khi kéo dài hơn một năm.

4. Các phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực I là gì?

Các giai đoạn hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực I yêu cầu phải được điều trị bằng các loại thuốc như thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống loạn thần và đôi khi thuốc an thần gây ngủ bao gồm benzodiazepine như clonazepam (Klonopin) hoặc lorazepam (Ativan).

4.1 Thuốc ổn định tâm trạng

Lithium (Eskalith, Lithobid) là thuốc kim loại đơn giản ở dạng viên đặc biệt hiệu quả trong việc kiểm soát chứng hưng cảm liên quan đến hưng phấn cổ điển hơn là hỗn hợp hưng cảm và trầm cảm đồng thời. Lithium đã được sử dụng trong hơn 60 năm để điều trị rối loạn lưỡng cực. Lithium có thể mất vài tuần để phát huy tác dụng hoàn toàn. Bệnh nhân dùng lithium phải theo dõi nồng độ lithi trong máu cũng như các xét nghiệm đo chức năng của thận và tuyến giáp để tránh tác dụng phụ.

Valproate (Depakote) là thuốc chống co giật dùng để làm dịu tâm trạng, có tác dụng nhanh hơn lithium trong việc điều trị các giai đoạn hưng cảm cấp tính và ngăn ngừa các đợt hưng cảm mới. Valproate là một chất ổn định tâm trạng có thể được sử dụng bắt đầu với liều rất cao để phát huy tốt tác dụng và đẩy nhanh khả năng cải thiện tâm trạng chỉ trong vòng bốn đến năm ngày dùng thuốc.

Một số loại thuốc chống động kinh khác, đặc biệt là carbamazepine (Tegretol) và lamotrigine (Lamictal) cũng có thể có giá trị trong việc điều trị hoặc ngăn ngừa chứng cuồng hoặc trầm cảm. Các loại thuốc chống động kinh khác ít được sử dụng hơn nhưng đôi khi vẫn được dùng trong thực nghiệm để điều trị rối loạn lưỡng cực, chẳng hạn như oxcarbazepine (Trileptal).

4.2 Thuốc chống loạn thần

Đối với các giai đoạn hưng cảm nghiêm trọng thì thuốc chống loạn thần truyền thống như Haldol, Loxapine hoặc Thorazine cũng như các thuốc chống loạn thần mới hơn (còn được gọi là thuốc chống loạn thần không điển hình) có thể cần thiết. Cariprazine (Vraylar) là thuốc chống loạn thần mới được phê duyệt để điều trị các cơn hưng cảm hoặc hỗn hợp. Aripiprazole (Abilify), asenapine (Saphris), clozapine (Clozaril), olanzapine (Zyprexa), quetiapine (Seroquel), risperidone (Risperdal), ziprasidone (Geodon) cũng thường được sử dụng trong những trường hợp này. Thuốc lurasidone chống loạn thần (Latuda) được cho phép sử dụng một mình hoặc với lithium hoặc valproate (Depakote), trong các trường hợp trầm cảm lưỡng cực I. Thuốc chống loạn thần đôi khi cũng được sử dụng để điều trị dự phòng.


Thuốc chống loạn thần cần được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ
Thuốc chống loạn thần cần được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ

4.3 Benzodiazepines

Nhóm thuốc này được gọi là thuốc an thần nhỏ, bao gồm alprazolam (Xanax), diazepam (Valium) và lorazepam (Ativan). Chúng đôi khi được sử dụng để kiểm soát ngắn hạn các triệu chứng cấp tính liên quan đến hưng cảm như kích động hoặc mất ngủ nhưng không dùng để điều trị các triệu chứng tâm trạng cốt lõi như hưng phấn hoặc trầm cảm. Bệnh nhân có thể bị phụ thuộc vào thuốc nên cần được theo dõi chặt chẽ khi sử dụng

4.4 Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm thông thường như fluoxetine (Prozac), paroxetine (Paxil) và sertraline (Zoloft) đã được chứng minh là không có hiệu quả khi điều trị trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực I. Ở một số ít người, chúng cũng có thể làm trầm trọng thêm giai đoạn hưng cảm ở người bị rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đối với trầm cảm lưỡng cực II, một số thuốc chống trầm cảm như Prozac và Zoloft có thể an toàn và hữu ích hơn so với trầm cảm lưỡng cực I. Bốn phương pháp điều trị được FDA chấp thuận cho chứng trầm cảm lưỡng cực là lurasidone (Latuda), kết hợp olanzapine-fluoxetine (Symbyax), quetiapine (Seroquel) hoặc quetiapine fumarate (Seroquel XR) và cariprazine (Vraylar). Các phương pháp điều trị ổn định tâm trạng khác đôi khi được khuyến nghị để điều trị trầm cảm lưỡng cực cấp tính bao gồm lithium, Depakote và lamotrigine (Lamictal). Nếu những cách này không thành công, bệnh nhân có thể được bổ sung thêm thuốc chống trầm cảm truyền thống hoặc thuốc khác sau vài tuần. Các liệu pháp tâm lý cũng có thể hữu ích trong trường hợp này.

Những người bị rối loạn lưỡng cực I có nguy cơ tái phát cao và thường được khuyên dùng thuốc liên tục để phòng ngừa.

4.5 Liệu pháp điện giật (ECT)

Liệu pháp điện giật (ECT) là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho cả các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm. ECT thường được sử dụng để điều trị các dạng trầm cảm hoặc hưng cảm nghiêm trọng trong rối loạn lưỡng cực I khi thuốc có thể không hiệu quả hoặc có thuốc không có khả năng hoạt động đủ nhanh để giảm triệu chứng.

4.6 Các phương pháp trị liệu tâm lý

Các phương pháp ổn định tâm lý bằng trị liệu cũng được xem là một trong những phương pháp hỗ trợ hiệu quả cho người mắc chứng rối loạn lưỡng cực I. Tùy theo từng trường hợp, bệnh nhân có thể hưởng lợi từ các liệu pháp điều trị tâm lý nhóm hoặc trị liệu tâm lý cá nhân hoặc các nhóm hỗ trợ.

5. Rối loạn lưỡng cực I có thể ngăn ngừa được không?

Nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực chưa được hiểu rõ và không biết liệu rối loạn lưỡng cực I có thể được ngăn chặn hoàn toàn hay không. Nhưng chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm khi rối loạn lưỡng cực đã phát triển. Thông qua các buổi trị liệu thường xuyên với nhà tâm lý học hoặc nhân viên xã hội có thể giúp bệnh nhân xác định các yếu tố có thể làm mất ổn định tâm trạng, chẳng hạn như tuân thủ thuốc kém, thiếu ngủ, lạm dụng ma túy hoặc rượu và quản lý căng thẳng kém,vv... Dùng thuốc thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm trong tương lai.


Những buổi trị liệu thường xuyên với nhà tâm lý học sẽ giúp giảm nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực I
Những buổi trị liệu thường xuyên với nhà tâm lý học sẽ giúp giảm nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực I

6. Rối loạn lưỡng cực I khác với các loại rối loạn lưỡng cực khác như thế nào?

Những người bị rối loạn lưỡng cực I trải qua toàn bộ giai đoạn hưng cảm. Tâm trạng và hành vi của họ tăng cao bất thường nghiêm trọng. Những triệu chứng hưng cảm này có thể dẫn đến những gián đoạn nghiêm trọng trong cuộc sống, ví dụ như tiêu xài quá mức hoặc mang thai ngoài ý muốn. Trong rối loạn lưỡng cực II, các triệu chứng của tâm trạng cao không bao giờ đạt đến hưng cảm hoàn toàn. Rối loạn lưỡng cực II thường kéo theo những giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng kéo dài và thường khó điều trị hơn so với những cơn hưng cảm chưa từng xảy ra.

Đối với rối loạn cưỡng lực, bên cạnh việc dùng thuốc thì trị liệu tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng, khi hương pháp này gần như luôn được sử dụng ở mọi giai đoạn của bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe