Rối loạn lưỡng cực hay còn gọi là rối loạn cảm xúc lưỡng cực, đây là tình trạng rối loạn về mặt tâm thần được nhắc đến nhiều hiện nay. Vậy rối loạn lưỡng cực là gì, rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?
1. Rối loạn lưỡng cực là gì?
Rối loạn lưỡng cực tiếng Anh là bipolar disorder, gọi tắt của rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Đây là chứng bệnh về tâm thần với đặc trưng là tâm trạng bị rối loạn theo một chu kỳ, giai đoạn giữa hưng cảm và trầm cảm. Rối loạn lưỡng cực có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới với tỷ lệ mắc bệnh tương đương nhau.
Chứng rối loạn lưỡng cực có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như sự khác biệt về sinh học trong cơ thể như sự thay đổi vật lý, các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, mất cân bằng nội tiết tố, tiền sử gia đình, môi trường sống và làm việc nhiều áp lực, căng thẳng phải đối mặt thường xuyên, lạm dụng các chất kích thích, ... Một số trường hợp không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.
XEM THÊM: Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
2. Phân loại rối loạn lưỡng cực
2.1 Rối loạn lưỡng cực theo Phân loại quốc tế về bệnh tật phiên bản 10 (ICD-10)
Theo Phân loại quốc tế về bệnh tật (tiếng Anh là International Classification of Diseases) phiên bản 10, viết tắt là ICD-10, rối loạn lưỡng cực được phân loại theo các mức độ sau:
- Rối loạn lưỡng cực hưng cảm nhẹ
- Rối loạn lưỡng cực hưng cảm không có triệu chứng loạn thần
- Rối loạn lưỡng cực hưng cảm có triệu chứng loạn thần
- Rối loạn lưỡng cực trầm cảm nhẹ hoặc vừa
- Rối loạn lưỡng cực trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần
- Rối loạn lưỡng cực trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần
- Rối loạn lưỡng cực hỗn hợp
- Rối loạn lưỡng cực thuyên giảm
- Rối loạn lưỡng cực khác
2.2 Rối loạn lưỡng cực theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần, tái bản lần 5 (DSM-5)
Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần (tiếng Anh là The Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), tái bản lần 5, viết tắt là DSM-5, rối loạn lưỡng cực và những rối loạn liên quan được phân loại theo các mức độ sau:
- Rối loạn lưỡng cực I hiện tại hoặc chủ yếu hiện tại là hưng cảm mức nhẹ, vừa, nặng, có triệu chứng loạn thần, thuyên giảm một phần, thuyên giảm hoàn toàn, không biệt định.
- Rối loạn lưỡng cực I hiện tại hoặc chủ yếu hiện tại là trầm cảm nhẹ, vừa, nặng, có triệu chứng loạn thần, thuyên giảm một phần, thuyên giảm hoàn toàn, không biệt định.
- Rối loạn lưỡng cực II
- Rối loạn khí sắc có chu kỳ
- Rối loạn lưỡng cực do bệnh
- Rối loạn lưỡng cực và rối loạn liên quan biệt định khác
- Rối loạn lưỡng cực và rối loạn liên quan không biệt định
XEM THÊM: Rối loạn lưỡng cực: Ai có nguy cơ mắc bệnh?
3. Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?
Tùy theo thể bệnh, mức độ nặng nhẹ và giai đoạn hiện tại là trầm cảm hay hưng cảm, bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau và gây ra những tổn thương khác nhau. Ở giai đoạn trầm cảm hoặc vừa trầm cảm vừa hưng cảm, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực thường xuyên có ý định và hành vi tự sát, đặc biệt khi có triệu chứng loạn thần kèm theo. Tùy thuộc vào một số yếu tố như giới tính, tuổi tác, tình trạng hôn nhân, ... tỷ lệ thực hiện thành công các ý định và hành vi tự sát sẽ khác nhau.
Tỷ lệ này gia tăng khi người bệnh đang trong giai đoạn thuyên giảm vì người bệnh ở trong trạng thái tỉnh táo hơn để suy nghĩ về hành động tự sát và có đủ năng lượng để thực hiện hành vi hơn, gây nguy hiểm cho bản thân.
Rối loạn lưỡng cực là chứng bệnh tâm thần dễ tái phát. Khi người bệnh có ý định và hành vi tự sát lần đầu thì suy nghĩ và hành động về cái chết có khả năng lặp lại cao.
Trong khi đó, ở giai đoạn hưng cảm mức độ nặng, bệnh nhân thường xuyên có những hành vi bạo lực, ngược đãi những người thân xung quanh (con cái, vợ/chồng, ...), đặc biệt khi kèm theo triệu chứng loạn thần. Khi đó, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực cần được điều trị để hạn chế gây hại cho bản thân và người khác.
Ở cả giai đoạn trầm cảm, hưng cảm và vừa hưng cảm vừa trầm cảm, người bệnh có những bất ổn về mặt tâm lý, cảm xúc nên thường xuyên có những hành vi chống đối xã hội như bỏ học, học kém, tăng động, chán ăn, ly hôn, nghiện rượu, ma túy, lạm dụng chất kích thích, ...
XEM THÊM: Nhận biết bệnh rối loạn lưỡng cực
4. Triệu chứng rối loạn lưỡng cực
Triệu chứng của bệnh rối loạn lưỡng cực biểu hiện rõ ràng hơn khi người bệnh ở giai đoạn tâm trạng thay đổi tột độ.
4.1 Triệu chứng rối loạn lưỡng cực giai đoạn hưng cảm
Ở giai đoạn hưng cảm, người bệnh có thể có những biểu hiện sau:
- Tăng động, nguồn năng lượng cao
- Ngủ ít hơn, có vấn đề về giấc ngủ
- Cảm thấy bản thân quan trọng hơn, ảo tưởng về bản thân
- Hay gây hấn với những người xung quanh
- Suy nghĩ nông cạn
4.2 Triệu chứng rối loạn lưỡng cực giai đoạn trầm cảm
Ở giai đoạn trầm cảm, người bệnh có thể có những biểu hiện sau:
- Buồn bực, chán nản tột độ
- Không có năng lượng, ủ rũ, mệt mỏi
- Thường xuyên cáu gắt
- Cảm thấy xấu hổ, tuyệt vọng, tội lỗi, ...
- Gặp vấn đề đối với giấc ngủ
- Thường xuyên lo lắng, lạm dụng các chất kích thích như rượu, ma túy, ...
5. Chẩn đoán và điều trị rối loạn lưỡng cực
5.1 Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực
Để chẩn đoán rối loạn lưỡng cực, bác sĩ cần chắc chắn những triệu chứng trong giai đoạn trầm cảm và hưng cảm không phải do một bệnh trong cơ thể hoặc tình trạng nào đó gây ra. Người bệnh sẽ được thăm khám toàn diện và thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt và loại trừ, đồng thời sử dụng DSM-5 để chẩn đoán xác định tình trạng bệnh.
Người bệnh được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực khi có những triệu chứng hưng cảm trong khoảng thời gian tối thiểu là 7 ngày và triệu chứng trầm cảm kéo dài tối thiểu 2 tuần, hoặc các triệu chứng ở mức độ nghiêm trọng phải nhập viện.
5.2 Điều trị rối loạn lưỡng cực
Thông thường, người bệnh tìm kiếm sự giúp đỡ và điều trị rối loạn lưỡng cực khi trong giai đoạn trầm cảm. Một số phương pháp sau có thể được chỉ định đơn lẻ hoặc kết hợp giúp người bệnh kiểm soát tình trạng:
- Thuốc: Một số thuốc chống lo âu, loạn thần, trầm cảm có chứa lithium - là chất giúp ổn định tâm trạng giúp cải thiện tâm trạng của bệnh nhân rối loạn lưỡng cực.
- Thay đổi lối sống: Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ngủ đủ giấc và đúng giờ sẽ giúp cải thiện tâm trạng người bệnh. Một số liệu pháp về hành vi, giao tiếp cũng được áp dụng để giúp người bệnh hiểu rõ và kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
- Sốc điện: Khi các phương pháp dùng thuốc hoặc thay đổi lối sống, áp dụng liệu pháp giao tiếp hay một số phương pháp điều trị khác không làm cải thiện triệu chứng, sốc điện có thể được chỉ định đối với bệnh nhân rối loạn lưỡng cực để tạo cú sốc nhẹ đối với não. Tuy nhiên, hiện tính hiệu quả của phương pháp này vẫn đang được kiểm chứng.
Rối loạn lưỡng cực là chứng bệnh về tâm thần gây nguy hiểm cho cả bản thân người bệnh và những người xung quanh khi đang ở trong giai đoạn cảm xúc tột độ của sự hưng cảm và trầm cảm. Vì thế, khi nhận thấy những dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh nên tìm kiếm sự trợ giúp hoặc đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.