Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Thái - Bác sĩ Ngoại tổng hợp, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Đối với các u trực tràng rất thấp, không thể bảo tồn được cơ thắt thì cần sử dụng phẫu thuật cắt bỏ đại tràng, trực tràng và cả hậu môn. Như vậy sau mổ bệnh nhân sẽ mang hậu môn nhân tạo suốt đời.
1. Sơ lược chức năng đại tràng- trực tràng
Thức ăn sau khi đi qua thực quản, dạ dày, ruột non sẽ đi tới đại tràng, trực tràng và bài tiết qua hậu môn. Đại tràng và trực tràng có nhiều chức năng quan trọng cho cơ thể trong đó có thể kể đến như:
- Tái hấp thu nước và các chất dinh dưỡng và hỗ trợ cân bằng nước điện giải: nhờ quá trình lên men với sự góp sức của các vi trùng tại chỗ có lợi và khả năng xuất tiết của đại tràng. Đại tràng phải hấp thu phần nước trong phân, làm cô đặc phân. Bình thường dịch tiêu hóa đi tới đại tràng phải chứa khoảng 1000-1500ml nước, nhưng trong phân chỉ có 100-150ml nước là nhờ chức năng này của đại tràng.
- Túi chứa phân và bài tiết: sau khi đã cô đặc thì phân được chứa trong đại tràng trái, trực tràng, sau đó được bài tiết ra ngoài.
2. Phẫu thuật cắt đại tràng – trực tràng dùng trong trường hợp nào
Chỉ định cắt đại tràng – trực tràng thường dùng nhất là trong điều trị ung thư đại trực tràng, với nguyên tắc là lấy bỏ đoạn ruột có u, với bờ cắt đảm bảo an toàn không còn tế bào ác tính và nạo hạch.
Ngoài ra, phẫu thuật cắt đại tràng – trực tràng còn sử dụng trong điều trị bệnh lý túi thừa đại tràng, bệnh Crohn, đa polyp...
Tùy vào vị trí thương tổn mà có thể cắt bỏ phần ruột bệnh như trong hình dưới đây, với phần màu xanh là phần bỏ đi:
3. Các rối loạn chức năng sau cắt đại tràng- trực tràng
Các rối loạn này tùy thuộc vào vị trí – tương ứng với chức năng đoạn ruột cắt và chiều dài đoạn ruột cắt.
Ví dụ: đại tràng phải có chức năng hấp thu nước, thì sau khi cắt đại tràng bệnh nhân hay tiêu lỏng do nước không được hấp thu và vẫn còn nhiều trong phân được bài tiết. Tuy nhiên, may mắn là cơ thể có khả năng thích nghi và thường bệnh nhân sẽ hồi phục lại đi tiêu bình thường sau vài tuần.
Tương tự như vậy, bệnh nhân được cắt toàn bộ đại tràng, nối đại tràng - ống hậu môn thì cũng sẽ có biểu hiện tiêu chảy.
Khi cắt đại tràng trái, cắt đại - trực tràng, bệnh nhân hay có các rối loạn chức năng do không còn túi chứa như: tiêu gấp (không thể nhịn đi tiêu lâu như trước mổ), tiêu nhiều lần, tiêu không tự chủ.
Đối với cắt đại - trực tràng miệng nối thấp ở thời điểm 1 năm sau mổ, thống kê có khoảng 6-53% bệnh nhân có tiêu gấp, số lần đi tiêu trung bình 2.5-4 lần/ ngày, 12.6-26% bệnh nhân mất tự chủ trung tiện, 7-29% mất tự chủ phân lỏng, 5.8-16% mất tự chủ phân đặc, 13.8-35% phải dùng băng vệ sinh thường xuyên.
Hiện nay, điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, trong đó hóa xạ trước mổ đóng vai trò rất quan trọng đối với các u trực tràng thấp, có thể giúp làm nhỏ kích thước u (hạ giai đoạn bệnh), và giúp nhiều trường hợp bệnh nhân được phẫu thuật bảo toàn cơ thắt hậu môn mà vẫn đảm bảo nguyên tắc điều trị ung thư.
Tính toán liều xạ, trường chiếu xạ chính xác, và các biện pháp vật lý trị liệu sau mổ có thể giúp giảm các rối loạn chức năng sau phẫu thuật cắt đoạn đại - trực tràng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.