Rò luân nhĩ là bệnh gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Rò luân nhĩ là một bất thường bẩm sinh xuất hiện trong giai đoạn đầu thai kỳ, có thể đi kèm với các dị tật bẩm sinh khác. Lỗ rò luân nhĩ có thể gây ra những biến chứng như viêm nhiễm, nặng hơn có thể hình thành ổ áp-xe nếu không biết cách điều trị và chăm sóc cho trẻ đúng.

1. Rò luân nhĩ là gì?

Rò luân nhĩ là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tai và thường được phát hiện khi trẻ vừa chào đời.

Đặc điểm rò luân nhĩ: Lỗ rò có kích thước nhỏ bằng đầu tăm, xuất hiện ở vùng trước vành tai, chỗ sụn của vành tai tiếp giáp với mặt, rò luân nhĩ thường đi sâu vào trong đế bám vào màng sụn. Trong lòng đường rò này là 1 ống được lát bởi biểu mô có khả năng chế tiết dịch. Khi tiết dịch nếu không được điều trị có thể ứ đọng dịch, gây tình trạng viêm nhiễm, sưng đau, rỉ dịch...

Nguyên nhân hình thành rò luân nhĩ: Rò luân nhĩ được hình thành do sự kết hợp không hoàn chỉnh giữa cung mang thứ nhất và cung mang thứ 2 để tạo ra ống tai ngoài ở tuần thứ 6 của thai kỳ. Thường thấy nữ có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn so với nam

Bệnh này thường không được quan tâm vì nhiều người không hiểu rõ tình trạng bệnh, nên nhiều khi bệnh không được vệ sinh đúng cách, gây ra nhiều biến chứng nhiễm khuẩn nguy hiểm.


Rò luân nhĩ là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến
Rò luân nhĩ là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến

2. Dấu hiệu nhận biết

Thông thường trẻ bị rò luân nhĩ ngoài việc xuất hiện một lỗ nhỏ có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở phía trước vành tai của một hoặc hai bên tai thì không xuất hiện triệu chứng gì bất thường nếu không bị nhiễm khuẩn. Khi lỗ rò luân nhĩ nhiễm trùng sẽ gây ra các dấu hiệu bất thường cho trẻ như:

  • Trẻ sốt, đau nhức, ngứa vùng tai làm trẻ quấy khóc, bỏ bú, ngủ kém.
  • Chỗ miệng ống rò có thể chảy dịch, dịch thường màu trắng, vàng có mùi hôi.
  • Chỗ rò có thể phình ra một nang nhỏ làm tăng nguy cơ tạo thành ổ áp-xe từ nang này.
  • Có thể xuất hiện tình trạng nang bị bội nhiễm sẽ tạo ra áp-xe rò luân nhĩ.

3. Cách điều trị rò luân nhĩ

Khi rò luân nhĩ không có tình trạng nhiễm khuẩn thì không cần điều trị gì, chỉ cần áp dụng các phương pháp chăm sóc và theo dõi đề phòng nhiễm trùng cho trẻ.

Tuy nhiên khi trẻ có các dấu hiệu nhiễm trùng, hình thành ổ áp-xe ở đường rò luân nhĩ cần phải tiến hành điều trị.

Điều trị nội khoa

  • Trường hợp nếu nhiễm khuẩn nhẹ trẻ có thể điều trị bằng nội khoa, sử dụng thuốc kháng sinhchống viêm, giảm đau, vệ sinh tại vùng viêm đúng cách.
  • Nếu hình thành ổ áp cần tiền hành điều trị bằng thuốc kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ, chống viêm, giảm đau. Chọc hút và dẫn lưu ổ áp-xe hoặc rạch dẫn lưu mủ nếu chọc hút không đạt hiệu quả.

Điều trị ngoại khoa: Trong các trường hợp viêm nhiễm tái lại nhiều lần, viêm nhiễm nặng hoặc có hình thành ổ áp-xe thì nên điều trị bằng phẫu thuật nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn và biến chứng.

  • Trước khi phẫu thuật nếu như bệnh nhân đang viêm, hoặc có ổ áp-xe cần điều trị ổn định mới tiến hành phẫu thuật.
  • Phẫu thuật với mục đích cắt bỏ toàn bộ đường rò cho các lỗ dễ bị nhiễm trùng và tái phát nhiều lần. Thực hiện phẫu thuật sau khi nhiễm trùng và viêm không còn nữa. Các lỗ rò nếu ở vị trí phía sau ống tai ngoài đòi hỏi hai vết mổ để tháo đường hoàn toàn.
  • Phẫu thuật rò luân nhĩ tương đối đơn giản, người bệnh có thể phục hồi sớm, thời gian nằm viện ngắn. Nếu trẻ lớn hợp tác chỉ cần gây tê, nếu trẻ còn nhỏ chứa hợp tác thì có thể cần gây mê toàn thân.
  • Sau phẫu thuật trẻ nên chú ý nằm đầu cao khoảng 1 tuần và tránh để nước bẩn vào vùng phẫu thuật của trẻ, sử dụng thuốc kháng sinh phòng bội nhiễm theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị.

Trường hợp nếu nhiễm khuẩn nhẹ trẻ có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh
Trường hợp nếu nhiễm khuẩn nhẹ trẻ có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh

4. Biện pháp phòng nhiễm khuẩn

Trẻ có thể chung sống cả đời với dị tật rò luân nhĩ mà không cần điều trị gì nhưng để làm vậy thì việc chăm sóc và theo dõi rất quan trọng, chăm sóc mục đích để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn xuất hiện.Các biện pháp phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn gồm:

  • Vệ sinh vùng rò luân nhĩ sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
  • Không được bóp hay nặn vào lỗ rò của trẻ và không dùng tăm bông đưa sâu vào đường rò vì có thể đưa vi khuẩn vào gây nhiễm khuẩn cho trẻ.
  • Khi có dịch nhầy tiết ra bên ngoài lỗ rò, chỉ được dùng bông thấm nước muối sinh lý, nhẹ nhàng vệ sinh bên ngoài.
  • Không nên tự điều trị cho trẻ ở nhà khi lỗ rò đã bị viêm.
  • Khi xuất hiện các dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm lỗ rò luân nhĩ như trẻ sốt, đau, ngứa, dịch chảy ra khỏi lỗ rò có mùi hôi cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

Khi thấy trẻ xuất hiện một lỗ nhỏ bất thường trên vành tai một hoặc cả hai bên bố mẹ nên cho trẻ đi khám để xác định bệnh lý bất thường như rò luân nhĩ. Khi phát hiện bệnh nếu trẻ không bị viêm nhiễm nên có biện pháp chăm sóc đúng cách và theo dõi những dấu hiệu bất thường xảy ra kịp thời tránh để lâu gây ra biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe