Khi nào có thể tiến hành phẫu thuật rò luân nhĩ ở trẻ?

Hỏi

Xin chào bác sĩ! Tôi có một bé gái 3 tuổi và mắc bệnh rò luân nhĩ. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi có thể tiến hành phẫu thuật cho bé thời điểm này hay phải đợi khi bé nhà tôi lớn hơn? Hiện tại bé không bị viêm và tôi cũng vệ sinh sạch sẽ hàng ngày nhưng tai của bé vẫn có mùi. Mong được bác sĩ tư vấn và giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu hỏi khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn! Bệnh rò luân nhĩ là một dị tật bẩm sinh ở trẻ em, khi vùng trước vành tai xuất hiện một lỗ nhỏ, thông vào bên trong vùng chân sụn vành tai, lỗ rò đi sâu vào bên trong và bám vào phần sụn. Điều trị rò luân nhĩ cũng như những biến chứng rò luân nhĩ bị viêm, sưng cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, vì quá trình điều trị có thể thay đổi tùy thuộc vào một nhóm các yếu tố tương đối phức tạp. Ngoài ra, nếu đường rò dài và xoắn, người bệnh cần phải loại bỏ bằng phẫu thuật, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn và giàu kinh nghiệm về điều trị bệnh lý Tai - Mũi - Họng.

Theo đó, nếu bệnh rò luân nhĩ không xảy ra tình trạng nhiễm trùng, viêm lỗ rò luân nhĩ thì việc điều trị có thể không cần thiết. Một số phương án tiếp cận điều trị rò luân nhĩ bao gồm:

  • Kê toa thuốc kháng sinh đường uống cho trẻ nếu lỗ rò có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ;
  • Tiến hành chọc và hút dịch từ ổ nhiễm trùng nặng (áp-xe) nếu bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể lấy mẫu và cho thực hiện nuôi cấy hoặc kiểm tra vi khuẩn có trong ​​mủ để xác định loại kháng sinh phù hợp;
  • Rạch và thoát mủ nếu áp-xe luân nhĩ không đáp ứng với kim hút;
  • Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đường rò đối với những trường hợp lỗ rò dễ bị nhiễm trùng tái phát. Thủ thuật này được thực hiện sau khi gây mê toàn thân cho trẻ và có thể kéo dài khoảng một giờ. Phẫu thuật thường chỉ được thực hiện sau khi tình trạng nhiễm trùng và viêm lỗ rò luân nhĩ không còn.

Nếu bạn muốn bé thực hiện phẫu thuật rò luân nhĩ có thể đưa bé đến cơ sở Y tế hoặc bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để làm thủ thuật này và có thể về nhà trong cùng một ngày. Tại đây các bác sĩ và y tá sẽ hướng dẫn bạn chăm sóc vết thương cho khu vực điều trị, kê toa thuốc kháng sinh và lên lịch hẹn khám theo dõi. Chỉ khâu phẫu thuật sẽ tự tan, vì thế mẹ cần để trẻ nằm cao đầu trong 1 tuần và tránh tắm cho đến khi tháo băng. Trẻ thường có thể trở lại trường học trong tuần nhưng cần tránh các hoạt động nặng trong một thời gian.

Để đảm bảo sức khỏe, các bậc cha mẹ thấy trẻ hay đưa tay gãi hoặc lỗ rò có những triệu chứng bất thường như rỉ dịch nhờn, sưng đau, phình lớn thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám, từ đó các bác sĩ sẽ nhận định thời gian phẫu thuật phù hợp. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định mổ sớm để giữ thẩm mỹ và bảo toàn sức khỏe thính lực về sau.

Được giải đáp bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nội trú Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe