Ăn rau bắp cải có tác dụng gì?

Bắp cải cùng thuộc họ với bông cải xanh, cải Brussels, súp lơ trắng và cải xoăn. Loại rau này đã được trồng trên khắp thế giới từ hàng nghìn năm nay và có thể được tìm thấy trong nhiều món ăn khác nhau. Ngoài ra, bắp cải chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Vậy ăn rau bắp cải có tác dụng gì và ở cữ ăn rau bắp cải được không?

1. Thành phần dinh dưỡng của bắp cải

Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Hoa Kỳ, 1 nửa chén bắp cải nấu chín cắt nhỏ (75 gram) chứa:

  • 17 calo
  • Bốn gam carbohydrate (trong đó có chứa 2 gam đường và 1 gam chất xơ)
  • Một gam protein

Ăn nửa chén bắp cải nấu chín sẽ cung cấp 30-35% nhu cầu vitamin C hàng ngày và:

  • 81,5 microgam vitamin K
  • 11 miligam magiê
  • 22 microgam folate
  • Thêm vào đó, lượng vitamin B-6, canxi, kali và thiamin nhưng ít hơn.

Ngoài ra, bắp cải có nhiều chất xơ và chứa chất chống oxy hóa mạnh, bao gồm polyphenol và các hợp chất lưu huỳnh. Khi so sánh màu sắc của cải bắp, các chuyên gia nhận thấy rằng loại bắp cải có màu đỏ có chứa nhiều hợp chất này hơn so với bắp cải màu xanh. Chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị tổn thương do các gốc tự do gây ra. Gốc tự do là các phân tử có số electron lẻ, làm cho chúng không ổn định. Khi các gốc tự do này quá nhiều và hoạt động không ổn định, chúng có thể làm hỏng các tế bào của bạn.

Như bạn có thể thấy trong danh sách trên, bắp cải có chứa vitamin B6 và folate, cả hai đều rất cần thiết cho nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể, như quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể và hoạt động bình thường của hệ thần kinh.

Bắp cải đặc biệt chứa nhiều vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh có thể bảo vệ chống lại bệnh tim, một số bệnh ung thư và giảm thị lực.


Bắp cải chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất.
Bắp cải chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất.

2. Ăn bắp cải có tác dụng gì?

Từ lâu, ăn trái cây và rau quả có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh có hại cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc tăng cường tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc thực vật như bắp cải làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh tim và tỷ lệ tử vong chung. Nó cũng có thể giúp xây dựng làn da khỏe mạnh, tăng cường năng lượng và giảm trọng lượng tổng thể.

2.1. Bảo vệ cơ thể khi xạ trị

Hợp chất 3,3′-diindolylmethane (DIM) có trong bắp cải đã được chứng minh là làm tăng tỷ lệ sống sót ngắn hạn trong một số nghiên cứu trên động vật về bức xạ.

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Georgetown, những con chuột đã được tiêm một liều phóng xạ gây chết người. Một số không được điều trị và những con chuột khác được điều trị bằng tiêm DIM hàng ngày trong 2 tuần.

Tất cả những con chuột không được điều trị đều chết, nhưng hơn 50% số chuột nhận được DIM vẫn sống sau 30 ngày.

Họ có thể xác định rằng những con chuột được điều trị bằng DIM có số lượng tế bào hồng cầu và bạch cầu và tiểu cầu trong máu cao hơn, điều mà xạ trị thường làm giảm đi.

Người ta cho rằng DIM có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư, do đó, nghiên cứu này cho thấy có hy vọng cho người mắc bệnh ung thư được chỉ định phác đồ có DIM trong tương lai như một lá chắn sinh học để bảo vệ các mô khỏe mạnh trong quá trình điều trị bệnh ung thư.


Hợp chất 3,3′-diindolylmethane (DIM) có trong bắp cải đã được chứng minh là làm tăng tỷ lệ sống sót ngắn hạn trong một số nghiên cứu trên động vật về bức xạ.
Hợp chất 3,3′-diindolylmethane (DIM) có trong bắp cải đã được chứng minh là làm tăng tỷ lệ sống sót ngắn hạn trong một số nghiên cứu trên động vật về bức xạ.

2.2. Phòng chống ung thư

Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện sulforaphane, đây cũng là một hợp chất chống ung thư tiềm năng khác được tìm thấy trong bắp cải lá. Nghiên cứu trong 30 năm qua đã liên tục chỉ ra rằng, tiêu thụ các loại rau họ cải có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư.

Gần đây hơn, các nhà nghiên cứu đã có thể xác định rằng, hợp chất chứa lưu huỳnh khiến cho các loại rau họ cải có vị đắng có tên là sulforaphane cũng là chất dường như mang lại tác dụng chống ung thư.

Ở cấp độ phân tử, các nhà nghiên cứu phát hiện tác dụng của sulforaphane bao gồm khả năng trì hoãn hoặc ngăn chặn ung thư với nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm khối u ác tính, thực quản, tuyến tiền liệttuyến tụy.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sulforaphane có khả năng ức chế enzym histone deacetylase (HDAC) có hại, được biết đến có liên quan đến sự tiến triển của tế bào ung thư. Khả năng ngăn chặn các enzym HDAC có thể làm cho thực phẩm chứa sulforaphane trở thành nhân tố tiềm năng trong phác đồ điều trị ung thư.

Một nghiên cứu khác, được thực hiện tại Đại học Missouri, đã xem xét một hóa chất khác được tìm thấy trong bắp cải, mùi tây và cần tây, được gọi là apigenin. Nó được phát hiện làm giảm kích thước khối u khi các tế bào ung thư vú được cấy vào chuột. Các nhà nghiên cứu tuyên bố phát hiện của họ cho thấy apigenin có tiềm năng được sử dụng như một phương pháp điều trị ung thư không độc hại trong tương lai.

Bắp cải đỏ có chứa chất chống oxy hóa mạnh anthocyanin, đây là hợp chất mang lại màu sắc rực rỡ cho các loại rau quả màu đỏ và tím khác. Trong phòng thí nghiệm, anthocyanin đã được chứng minh làm chậm sự tăng sinh tế bào ung thư, tiêu diệt các tế bào ung thư đã hình thành và ngăn chặn hình thành các khối u mới. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xác định liệu những tác dụng này có được chuyển sang phòng ngừa hoặc điều trị ung thư trên người hay không.


Nghiên cứu trong 30 năm qua đã liên tục chỉ ra rằng, tiêu thụ các loại rau họ cải có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư.
Nghiên cứu trong 30 năm qua đã liên tục chỉ ra rằng, tiêu thụ các loại rau họ cải có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư.

2.3. Sức khỏe tim mạch

Chất anthocyanins tương tự trong bắp cải đỏ giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư đã được chứng minh có tác dụng ngăn chặn tình trạng viêm dẫn đến bệnh tim mạch.

Một báo cáo gần đây trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy, có mối liên quan giữa việc ăn các thực phẩm giàu flavonoid với tỷ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch thấp hơn và tuyên bố rằng, ngay cả một lượng nhỏ thực phẩm giàu flavonoid cũng có thể có lợi. Hàm lượng polyphenol cao trong bắp cải cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách ngăn ngừa tích tụ tiểu cầu và giảm huyết áp.

2.4. Miễn dịch và tiêu hóa

Món dưa cải bắp và kim chi là hai phương pháp chế biến rất thông dụng. Thực phẩm lên men chứa đầy men vi sinh, các vi khuẩn lành mạnh tạo ra một môi trường axit để bảo quản và tạo ra hương vị; các enzym được tạo ra trong quá trình lên men làm cho vitamin và khoáng chất dễ hấp thụ hơn.

Trong bắp cải có hàm lượng chất xơ và nước cao nên giúp ngăn ngừa táo bón và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Ăn đầy đủ chất xơ thúc đẩy sự đi vệ sinh đều đặn, điều này rất quan trọng cho việc bài tiết chất độc qua mật và phân.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng chất xơ thực phẩm thậm chí có thể đóng vai trò trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch và tình trạng viêm, do đó làm dẫn đến giảm nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và béo phì.

3. Những điều lưu ý khi sử dụng bắp cải

  • Dùng bằng đường ăn: Bắp cải an toàn tuyệt đối khi ăn bằng đường miệng.
  • Khi thoa lên da: Bắp cải có thể an toàn cho hầu hết mọi người khi thoa lên da, trong thời gian ngắn. Một số người cho biết có cảm giác đau và bỏng rát khi đắp bắp cải lên da, nhưng hiện tượng này không phổ biến.
  • Mang thai và cho con bú: Không có đủ thông tin đáng tin cậy để biết liệu bắp cải có an toàn để sử dụng làm thuốc khi mang thai hay không. Do đó, để đảm bảo an toàn, những đối tượng này chỉ sử dụng bắp cải làm thực phẩm.

Bắp cải an toàn tuyệt đối khi thoa lên da trong thời gian ngắn khi cho con bú. Đắp lá bắp cải lên ngực để giảm sưng và đau do cho con bú an toàn khi thực hiện nhiều lần trong ngày trong một hoặc hai ngày. Nhưng không có đủ thông tin đáng tin cậy để biết liệu các loại thuốc hay thực phẩm chức năng chiết xuất từ bắp cải có an toàn dùng bằng đường uống khi cho con bú hay không. Do đó, bà mẹ chỉ nên sử dụng bắp cải làm thực phẩm.

Một số bà mẹ lo lắng về ăn rau bắp cải có mất sữa không. Mặc dù chườm lạnh hoặc lá bắp cải lạnh giúp giảm sưng vú và căng sữa, nhưng nó cũng có thể làm giảm nguồn sữa của bạn. Nếu bạn tiếp tục sử dụng lá bắp cải lạnh trên ngực sau khi giảm sưng và căng sữa, thì nguồn sữa mẹ của bạn có thể sẽ giảm nhiều hơn bạn mong đợi.

  • Dị ứng với các loại rau thuộc họ Brassicaceae/Cruciferae: Có một số lo ngại những người bị dị ứng với họ hàng của bắp cải thuộc họ Brassicaceae / Cruciferae, chẳng hạn như bông cải xanh, cải Brussels và súp lơ, cũng có thể bị dị ứng với bắp cải. Nếu bị dị ứng, bạn nên xin ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bắp cải.
  • Bệnh tiểu đường: Bắp cải có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nếu sử dụng bắp cải, bạn nên theo dõi lượng đường trong máu của bạn cẩn thận để phát hiện sớm các dấu hiệu của lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết).
  • Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp): Có một số lo ngại rằng bắp cải có thể làm cho bệnh lý này tồi tệ hơn. Tốt nhất nên tránh ăn bắp cải nếu bạn có suy tuyến giáp.
  • Phẫu thuật: Bắp cải có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và có thể cản trở việc kiểm soát lượng đường trong máu trong và sau quá trình phẫu thuật. Tốt nhất, nếu bạn có lịch phẫu thuật, bạn nên ngừng sử dụng bắp cải ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

NGUỒN THAM KHẢO: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe