Rách cổ tử cung, âm đạo có nguy hiểm không

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Rách cổ tử cung âm đạo là một chấn thương đường sinh dục dưới, tương đối hay gặp. Rách cổ tử cung, âm đạo thường gặp trong những trường hợp đẻ khó, phải can thiệp bằng forcep hoặc sản phụ rặn đẻ sớm khi cổ tử cung chưa mở hết, đôi khi do nạo phá thai to.

1. Hậu quả của rách cổ tử cung, âm đạo

Nguyên nhân rách cổ tử cung, xơ cứng do rách cũ, sau phẫu thuật cắt cụt cổ tử cung, sau khi đốt điện cổ tử cung; cổ tử cung và âm đạo bị viêm hoặc bị phù nề do chuyển dạ lâu; rặn non làm rách; sinh thai to, giác hút; nạo phá thai đặc biệt nạo phá thai to..

Rách cổ tử cung, âm đạo là thương tổn thường gặp có thể đi kèm nhau, có thể tổn thương đơn độc chỉ rách cổ tử cung hoặc chỉ rách âm đạo. Tùy theo tổn thương để phân loại độ rách. Biểu hiện của rách cổ tử cung, âm đạo có thể dễ dàng nhận thấy đó là ra máu trước hoặc sau khi sổ thai; sau khi sổ rau máu vẫn ra. Ra máu tươi, tử cung vẫn co hồi tốt.


Rách cổ tử cung và âm đạo có thể đi kèm nhau
Rách cổ tử cung và âm đạo có thể đi kèm nhau

Việc thăm khám bằng đặt van và dùng kìm kéo cổ tử cung thẳng ra, di chuyển kìm quanh cổ tử cung xem từng đoạn ngắn cổ tử cung để từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác mức độ rách cổ tử cung. Tùy theo mức độ và vị trí rách gây ra mức độ chảy máu nhiều hay ít và từ đó đưa ra cách xử lý đúng. Rách cổ tử cung dưới chỗ bám của thành âm đạo: tổn thương thường ít,nhẹ, chảy máu thường ít. Có thể máu tự cầm không cần xử trí gì. Rách cổ tử cung trên chỗ bám của thành âm đạo: chảy máu ít, nhiều tùy theo vị trí và mức độ rách.

Trường hợp cổ tử cung rách nhỏ có thể tự cầm máu sau sổ thai.

Trường hợp cổ tử cung, âm đạo rách lớn gây chảy máu nhiều, nếu không được phát hiện kịp thời và xử trí đúng có thể gây choáng giảm thể tích và gây đau, thậm chí có thể gây tử vong. Rách cổ tử cung đặc biệt rách cao có thể là nguyên nhân gây sẩy thai và hở eo tử cung của những lần mang thai sau.

Cổ tử cung bị rách cũ khi sinh không làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, tuy nhiên rách cổ tử cung có thể là nguyên nhân lớn gây sảy thai. Thường với những trường hợp rách cổ tử cung khi sinh nhỏ hầu như không gây ảnh hưởng gì, nhưng nếu rách lớn (rách cao) lên đến phần eo tử cung (lỗ trong) thì rất có thể là nguyên nhân gây sảy thai ở lần sau do hở eo tử cung.


Rách cổ tử cung là một trong những nguyên nhân lớn gây sảy thai
Rách cổ tử cung là một trong những nguyên nhân lớn gây sảy thai

2. Cách khắc phục

Khi có rách cổ tử cung âm đạo thì phương pháp tốt là khâu vết rách.

2.1 Chuẩn bị

  • Người thực hiện: Một bác sĩ sản khoa đã được đào tạo khâu rách cổ tử cung, âm đạo, 1 nữ hộ sinh có kinh nghiệm phụ.
  • Phương tiện: Van âm đạo, Pen hình tim, Pen sát trùng, Kéo thẳng đầu tù (sắc), Pen kẹp kim, Nhíp, Chỉ vicryl số 1, 1 bơm tiêm 10ml, Dung dịch sát khuẩn.
  • Người bệnh: Người bệnh phải được đánh giá toàn diện về lượng máu mất, mạch, huyết áp, toàn trạng, mức độ co hồi tử cung sau sinh (nếu co kém cần dùng thuốc co tử cung); các bệnh của người mẹ đặc biệt các bệnh có liên quan đến đông cầm máu như giảm tiểu cầu, APTT kéo dài, giảm fibrinogen...; Bác sĩ cần hỏi người bệnh và kiểm tra bệnh án để không bỏ sót các ca dị ứng với các thuốc gây tê, giảm đau, kháng sinh.

2.2 Các bước tiến hành

  • Bước 1: Giảm đau cho sản phụ (nếu chưa có gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong và sau sinh).
  • Bước 2: Chỉ khâu vết rách cổ tử cung và chú ý quan sát rõ hai mép rách để khâu và tránh khâu nhầm môi dưới và môi trên ở hai bên. Khâu bằng chỉ tự tiêu.
  • Bước 3: Khâu lại vết rách ngoài tử cung (cùng đồ nếu có) và vết rách thành âm đạo bằng chỉ tiêu mũi rời.

Khâu là biện pháp xử lý hiệu quả nhất khi bệnh nhân bị rách cổ tử cung âm đạo
Khâu là biện pháp xử lý hiệu quả nhất khi bệnh nhân bị rách cổ tử cung âm đạo

2.3 Theo dõi tình hình người bệnh

  • Theo dõi dấu hiệu sinh tồn: toàn trạng, mạch, huyết áp.
  • Theo dõi chảy máu: Nếu chảy máu thì phải kiểm tra kỹ và khâu lại.
  • Theo dõi lượng máu mất, các xét nghiệm hồng cầu, hemoglobin, khi cần thiết phải truyền máu.
  • Dùng kháng sinh 5 ngày sau khi khâu.

Rách cổ tử cung khi sinh không chỉ khiến sản phụ đau đớn mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Để quá trình vượt cạn trở nên nhẹ nhàng hơn, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có các phương pháp “Đẻ không đau” - giúp mẹ vượt cạn nhẹ nhàng, con khỏe mạnh, giảm tối đa các chấn thương đường sinh dục khi sinh. Đồng thời hệ thống bệnh viện có các đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng lành nghề với các Phương tiện y học hiện đại trong thực hiện kĩ thuật khâu rách cổ tử cung, âm đạo khi sinh và khâu vòng cổ tử cung trong điều trị sinh non...giúp các bà mẹ yên tâm khi sinh đẻ tại đây

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe