Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Để đánh giá tình trạng thông khí phổi ở một số bệnh nhân mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, viêm phế quản tắc nghẽn, ... Thì các bác sĩ thường chỉ định chụp cộng hưởng từ thông khi phổi. Quy trình thực hiện cộng hưởng từ thông khí phổi cho thấy hình ảnh của lồng ngực, từ đó có thể đánh giá chức năng cũng như các bệnh lý về phổi.
1. Mục đích chụp cộng hưởng từ thông khí phổi
Chụp cộng hưởng từ thông khí phổi là kỹ thuật được thực hiện nhằm mục đích xem hình ảnh của lồng ngực, dựa trên kết quả hình ảnh để đánh giá thăm dò chức năng thông khí của phổi.
Máy chụp cộng hưởng từ được sử dụng là máy có từ lực cao 1.5T – 3T, dùng khí X129 hoặc khí Helium-3, có độ phân cực cao 3H-MRI.
2. Chỉ định/ chống chỉ định chụp cộng hưởng từ thông khí phổi với trường hợp nào?
- Chụp cộng hưởng từ thông khí phổi được chỉ định ở bệnh nhân mắc hen phế quản, viêm phế quản tắc nghẽn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi, ... để đánh giá chức năng thông khí của phổi.
- Chụp cộng hưởng từ thông khí phổi chống chỉ định tương đối với bệnh nhân đã từng kẹp phẫu thuật bằng kim loại ( trên 6 tháng) hoặc mắc chứng sợ bóng tối. Chống chỉ định tuyệt đối trên những bệnh nhân có sử dụng các thiết bị điện tử trên người như Neurostimulator, cấy ghép ốc tai, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da, máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung, ...; hoặc bệnh nhân đã từng kẹp phẫu thuật bằng kim loại mạch máu, nội sọ, hốc mắt (dưới 6 tháng), hoặc mắc bệnh nặng phải sử dụng thiết bị hồi sức.
3. Quy trình thực hiện chụp cộng hưởng từ thông khí phổi
Đối với chụp cộng hưởng từ thông khí phổi, người bệnh không cần phải nhịn ăn. Tuy nhiên, cần lưu ý kiểm tra tất cả các chống chỉ định trước khi chụp.
Quy trình thực hiện cộng hưởng từ thông khí phổi gồm các bước sau:
- Bước 1: Đặt người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp, lựa chọn và xác định vị trí cuộn thu tín hiệu, sau đó, tiến hành di chuyển bàn chụp đi vào khoang máy có từ trường và định vị vùng để chụp.
- Bước 2: Đặt bao cát ở dưới chân, đặt cuộn dây chụp toàn thân lồng ngực, đặt điện cực để theo dõi ECG. Trường hợp bệnh nhân bị hồi hộp, tim đập nhanh, đặt Nitromint dưới lưỡi, đưa nút gọi cấp cứu và hướng dẫn người bệnh sử dụng.
- Bước 3: Đặt bộ điều khiển, tiến hành chụp theo nhịp thở và lưu ý giảm nhiễu ảnh trong quá trình chụp cộng hưởng từ thông khí phổi. Đặt người bệnh nằm nghiêng theo hướng tổn thương nếu có tổn thương ở thành ngực, nhằm hạn chế nhiễu ảnh do thở.
- Bước 4: Chụp định vị toàn bộ lồng ngực trong trường từ nền cổ cho đến hết cơ hoành theo 3 hướng. Thực hiện chụp các chuỗi xung bao gồm: chuỗi xung T2W - chụp đứng ngang và cắt ngang, thu hình ảnh từ đỉnh phổi đến góc sườn hoành, trường chụp (FOV) 380-400, pha chênh từ trái sang phải (LR), độ dày lớp cắt là 6 - 8 mm, khoảng cách 10-20% lớp cắt, nếu cần có thể đặt chắn từ; chuỗi xung T1W - chụp cắt ngang tương tự chuỗi xung T2W cắt ngang.
- Bước 5: Chụp nhanh đánh giá thông khí phổi bằng các chuỗi xung bSSFP, FLASH, HASTE, trong khoảng thời gian 3 - 20 giây, mỗi lần hít vào - thở ra với hỗn hợp khí bao gồm Heli (Xenon), Nito, Oxy và khí tự do (theo tỉ lệ được tính trước). Chụp theo hướng ngang, cắt ngang và đứng ngang. Kết quả là hình ảnh được mã hoá màu. Đánh giá chức năng thông khí của từng vùng phổi, tính tỉ lệ thông khí mỗi lần hít vào - thở ra.
- Bước 6: Kỹ thuật viên tiến hành in phim, chuyển hình ảnh thu được cho bác sĩ. Dựa vào hình ảnh và các thông số, bác sĩ sẽ phân tích, đánh giá mức độ thông khí của phổi và đưa ra chẩn đoán.
Chụp cộng hưởng từ thông khí phổi là kỹ thuật cho phép đánh giá chức năng thông khí của phổi ở một số bệnh nhân mắc các bệnh lý phổi như xơ phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản, ...