Quy trình kỹ thuật siêu âm khoang màng phổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Siêu âm khoang màng phổi là kỹ thuật hình ảnh nhằm mục đích chẩn đoán các bệnh lý tại thành ngực, tràn dịch màng phổi, u màng phổi, tràn khí màng phổi... Siêu âm màng phổi luôn mang lại sự tiện lợi và nhanh chóng trong quá trình thực hiện.

1. Siêu âm màng phổi là gì?

Siêu âm màng phổi là kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, thường được bác sĩ sử dụng trong chẩn đoán, thăm khám thành ngực, màng phổi, các tổn thương phổi tiếp giáp với thành ngực.

Siêu âm màng phổi được sử dụng nhiều trong chẩn đoán các ca tràn dịch màng phổi, hướng dẫn chọc dò, tràn khí màng phổi, dày màng phổi...

1.1 Ưu điểm của siêu âm màng phổi

Siêu âm khoang màng phổi có nhiều ưu điểm như:

  • Không sử dụng tia chiếu xạ để thực hiện, tránh được những ảnh hưởng nhất định của phóng xạ.
  • Thiết bị siêu âm nhỏ gọn, bác sĩ có thể trực tiếp tiến hành siêu âm ở trên giường bệnh đối với những bệnh nhân nặng không thể di chuyển.
  • Giá thành rẻ và thời gian thăm khám nhanh chóng.

Siêu âm màng phổi có nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp chẩn đoán thông thường
Siêu âm màng phổi có nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp chẩn đoán thông thường

1.2 Nhược điểm của siêu âm màng phổi

Bên cạnh những ưu điểm của siêu âm khoang màng phổi, phương pháp này vẫn có những hạn chế nhất định như: Độ phân giải của ảnh phụ thuộc vào thiết bị thực hiện, hình ảnh siêu âm không khách quan, nhiều khi phải phụ thuộc vào người thực hiện. Bác sĩ nhiều khi gặp khó khăn trong việc chẩn đoán hình ảnh siêu âm, cần phải kết hợp với chụp x-quang để có được chẩn đoán chính xác hơn.

2. Những trường hợp nào bác sĩ chỉ định thực hiện siêu âm màng phổi

Trong những trường hợp sau đây, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện siêu âm khoang màng phổi:

  • Giúp bác sĩ khảo sát tình trạng tràn dịch màng phổi nếu có hiện tượng tràn dịch hoặc nghi ngờ tràn dịch.
  • Làm rõ bản chất tổn thương mờ thành ngực hoặc màng phổi do khối u hay dịch.
  • Giúp chẩn đoán phân biệt tràn dịch màng phổi với dịch khu trú dưới cơ hoành, đánh giá sự di động của cơ hoành.
  • Kiểm tra độ dày của màng phổi, các khối u trên màng phổi hoặc đã xâm lấn vào thành ngực.
  • Siêu âm khoang màng phổi hỗ trợ theo dõi hoặc phát hiện sớm các tai biến do tràn dịch màng phổi gây ra

Bệnh nhân được chỉ định thực hiện siêu âm khi nghi ngờ bị tràn dịch màng phổi
Bệnh nhân được chỉ định thực hiện siêu âm khi nghi ngờ bị tràn dịch màng phổi

3. Quy trình kỹ thuật siêu âm khoang màng phổi

Quy trình thực hiện kỹ thuật siêu âm khoang màng phổi diễn ra như sau:

  • Bệnh nhân không cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện siêu âm.
  • Có thể thay trang phục bệnh viện nếu được yêu cầu.
  • Bệnh nhân được siêu âm ở hai tư thế nằm và ngồi, tùy theo yêu cầu của bác sĩ. Ở tư thế nằm, bác sĩ dễ dàng kiểm tra được màng phổi ở góc sườn hoành bên và đằng sau, nhu mô phổi phần đáy, đánh giá được cơ hoành và màng phổi thông qua gan. Khi thực hiện tư thế ngồi sẽ giúp bác sĩ thăm khám các bệnh ở thành ngực, màng phổi, tìm kiếm tràn dịch màng phổi với số lượng ít.
  • Chuẩn bị đầu dò siêu âm với hai đầu dò cong với tần số 3,5-5 MHz, đầu dò phẳng có tần số 5-10 MHz.
  • Bác sẽ thực hiện sẽ bôi một lớp gel lên trên đầu dò với mục đích giúp hình ảnh siêu âm rõ nét hơn.
  • Bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò dọc vị trí liên sườn từ đỉnh phổi xuống vòm hoành, so sánh với bên đối diện và sự thay đổi của các thì hô hấp nếu phát hiện có tổn thương.
  • Khi đầu dò di chuyển đến vị trí giữa màng phổi thành và màng phổi tạng nếu có khoảng trống âm thì đây là dấu hiệu của tràn dịch màng phổi. Bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò với tần số 3.5 MHz để xác định tương đối mức độ tràn dịch.
  • Đối với trường hợp tràn khí màng phổi thì hình ảnh siêu âm sẽ không thấy hình ảnh phổi trượt, hình ảnh đuôi sao chổi và đường màng phổi sẽ rộng ra.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe