Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và đe dọa đến mạng sống của người bệnh do bệnh còn thường đi kèm với các bệnh đồng mắc.
1. Phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là gì?
Theo thống kê từ Tổ chức y tế Thế giới WHO, trung bình mỗi năm có khoảng 3,2 triệu người trên thế giới tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra. Trong tương lai, con số này sẽ còn tăng lên, dự báo bệnh này sẽ đứng thứ 3 trong các bệnh gây ra tử vong của con người.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là một dạng bệnh gây tắc nghẽn thông khí phổi làm suy giảm thông khí mạn tính. Tắc nghẽn luồng khí tiến triển cùng với sự viêm bất thường của phổi do khí và hạt độc hại. Bệnh sẽ làm suy giảm từ từ chức năng thông khí phổi.
Theo thời gian bệnh sẽ tiến triển xấu dần khiến các hoạt động bình thường hàng ngày như đi bộ, tập thể dục trở nên khó khăn. Ngoài ra người bệnh có các triệu chứng rõ ràng như khó thở, thở khò khè, căng ngực, bị ho thường xuyên, có đờm trong cổ, mệt nhọc.
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD được chia thành 3 mức độ:
1.1 Bộc phát mức độ nhẹ
Bộc phát mức độ nhẹ là người bệnh có một trong các triệu chứng:
- Bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
- Sốt mà không rõ nguyên nhân
- Ho nhiều, khám phổi có khả năng nghe được tiếng ran rít
1.2 Bộc phát mức độ vừa
Người bệnh xuất hiện hai trong ba triệu chứng kể trên
1.3. Bộc phát mức độ nặng
Khi người bệnh có đủ 3 triệu chứng trên.
2. Phổi tắc nghẽn mạn tính copd có nguy hiểm không?
Nếu không kịp thời phát hiện cũng như chữa trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD sẽ gây ra nhiều biến chứng cũng như những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh do chúng sẽ kéo theo bệnh đồng mắc khác.
Bệnh đồng mắc là các bệnh lý khác thường xuất hiện kèm khi bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh đồng mắc có thể dự phòng cũng như điều trị được. Nếu không phát hiện kịp thời, COPD và các bệnh đồng mắc có thể khiến:
- COPD làm tăng nguy cơ gây xuất hiện các biến cố y khoa
- COPD làm tăng nguy cơ người bệnh phải nhập viện vì các bệnh đồng mắc
- COPD tăng nguy cơ gây tử vong vì các bệnh đồng mắc
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường đi kèm bệnh đồng mắc điển hình như bệnh liên quan tới: Tim mạch, loãng xương, đái tháo đường, ung thư phổi, teo cơ, bệnh về mắt, bệnh chuyển hóa, bệnh về huyết học, sụt cân, tâm thần kinh,......
3. Nguyên nhân gây mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Nguyên nhân gây mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD lớn nhất là do hút thuốc lá. Ngoài ra, các yếu tố tác động từ bên ngoài như ô nhiễm không khí, tiếp xúc với các chất độc hại, gien di truyền.
Khi phải tiếp xúc lâu dài với những kích thích tố có hại như thuốc lá, chất độc, không khí ô nhiễm sẽ gây phản ứng viêm tại phổi làm co hẹp các đường dẫn khí nhỏ gây ra sự phá hủy mô phổi, gọi là khí phế thũng.
4. Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD có chữa được không?
Đến nay, người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD không thể chữa trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được phát hiện bệnh sớm, có can thiệp, điều trị COPD sẽ giúp điều trị bệnh có hiệu quả hơn. Giúp làm giảm triệu chứng, nguy cơ xuất hiện bệnh đồng mắc, cải thiện cuộc sống.
Thông thường, các triệu chứng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD có thể được kiểm soát bằng việc sử dụng máy hô hấp và một số loại thuốc uống giúp mở ống thở, giảm viêm và giúp cải thiện khả năng vận động.
5. Làm thế nào để phòng ngừa và cải thiện sức khỏe khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD?
Đối với các bệnh nhân đang mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng:
- Phải tập bài tập thể dục phục hồi chức năng phổi, chúng sẽ giúp người bệnh có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày.
- Thực hiện liệu pháp oxy dài hạn là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo bệnh nhân có thể sống.
- Người mắc bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh như ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm để dễ hấp thu. Chế độ ăn hàng ngày phải đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm nhiều chất xơ như nước hoa quả, trái cây, rau xanh.
- Với người cao tuổi khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD thường cảm thấy mệt mỏi nên chán ăn, vì vậy để tránh bị suy dinh dưỡng, nên chia ra nhiều bữa nhỏ trong ngày cho người bệnh.
- Ăn chậm, nhai kỹ, tránh sử dụng đồ ăn hay thức uống gây đầy hơi hoặc có chất kích thích.
- Tuân thủ việc uống thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ.
- Khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh cũng như sức khỏe.
Phòng ngừa mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD:
- Không hút thuốc lá.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài – đặc biệt với mức ô nhiễm không khí tại Việt Nam, điều là vô cùng quan trọng.
- Tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, đề kháng.
- Khám tổng quát định kỳ để tầm soát sức khỏe cũng như nguy cơ mắc bệnh.