Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trường Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Vôi hóa mạch vành là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý mạch vành. Chụp cắt lớp vi tính (CT) đánh giá vôi hóa mạch vành là kỹ thuật hiện đại cho phép phát hiện những điểm vôi hóa trên thành mạch vành. Quy trình chụp CT đánh giá vôi hóa mạch vành đơn giản, không tiêm thuốc cản quang và không xâm lấn.
1. Chụp CT scan đánh giá vôi hóa mạch vành là gì?
Chụp cắt lớp vi tính đánh giá vôi hóa mạch vành hay còn gọi là chụp CT scan tìm vôi hóa, có các danh pháp trong tiếng Anh là Heart scan hoặc coronary calcium scan hoặc Coronary artery calcium (CAC) scoring là kỹ thuật chụp động mạch vành bằng máy chụp cắt lớp vi tính nhưng không tiêm thuốc cản quang iod nhằm mục đích phát hiện các điểm vôi hóa trên hệ thống mạch vành.
Bằng cách tái hiện hình ảnh các điểm vôi hóa trên hệ thống động mạch vành, kỹ thuật này cho phép đánh giá mức độ vôi hóa của động mạch vành.
Vôi hóa mạch vành là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý mạch vành. Do đó, chụp CT scan đánh giá vôi hóa mạch vành cho phép dự đoán các vấn đề, bệnh lý tim mạch, cơn đau tim trước khi các triệu chứng do bệnh gây ra.
2. Chỉ định chụp CT đánh giá vôi hóa mạch vành
Chụp CT đánh giá vôi hóa mạch vành được chỉ định trong trường hợp khám sàng lọc đánh giá vôi hóa động mạch vành trên những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch như:
● Gia đình có người mắc bệnh tim mạch
● Bệnh nhân tiểu đường.
● Béo phì.
Vôi hóa mạch vành là dấu hiệu cảnh báo xơ vữa động mạch gây đau tim
3. Quy trình chụp CT đánh giá vôi hóa mạch vành
Người bệnh cần lưu ý không hút thuốc hoặc uống cafe trước khi chụp khoảng 4 giờ. Quy trình chụp CT đánh giá vôi hóa mạch vành bao gồm các bước sau:
● Bước 1: Tháo bỏ vòng cổ, quần áo cá nhân và mặc bộ áo choàng y tế. Được nhân viên y tế giải thích và hướng dẫn để phối hợp tốt trong quá trình chụp. Đặt người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp.
● Bước 2: Kỹ thuật viên tiến hành dán các điện cực và lắp cổng điện tâm đồ, kiểm tra nhịp tim của người bệnh trên màn hình của máy chụp.
● Bước 3: Chụp định vị mạch vành với trường chụp từ vùng chạc ba phế quản đến hết mỏm tim, độ dày lớp cắt là 3mm.
● Bước 4: Kỹ thuật viên xử lý tái tạo hình ảnh trên máy chụp tại phòng chụp. Lượng canxi được phát hiện trên thành mạch vành và đánh giá theo thang điểm Agatston sẽ cho biết kết quả vôi hóa mạch vành tương ứng. Kết quả âm tính nếu máy chụp không phát hiện được vôi hóa trên thành mạch vành và người bệnh có nguy cơ đau tim thấp. Ngược lại, kết quả dương tính nếu máy chụp phát hiện được vôi hóa trên thành mạch vành. Kết quả càng cao, nguy cơ bị xơ vữa động mạch và dẫn đến các cơn đau tim càng cao.
Chụp CT đánh giá vôi hóa mạch vành là kỹ thuật không xâm lấn, không sử dụng thuốc cản quang và nguy cơ nhiễm bức xạ là rất thấp. Do đó, đây là một kỹ thuật an toàn giúp phát hiện và đánh giá mạch vành bị vôi hóa, phòng ngừa xơ vữa động mạch gây đau tim.