Quy trình chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang từ

Bài viết được thực hiện bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt khi không thể đánh giá tổn thương hoặc nghi ngờ tổn thương mà khi chụp cộng hưởng từ sọ não không tiêm thuốc đối quang từ không thể phát hiện được. Đây là một kỹ thuật hình ảnh hiện đại, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nên rất có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý thần kinh.

1. Tìm hiểu về phương pháp chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang từ

  • Cộng hưởng từ (MRI) sọ não tiêm thuốc đối quang là phương pháp dùng thuốc đối quang (contrast media) đưa vào cơ thể nhằm tăng sự tương phản của các cấu trúc giải phẫu mà bình thường khó thấy được hoặc khó phân biệt được với các cấu trúc xung quanh, sau đó sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh cắt ngang rõ ràng và chi tiết và rõ nét về sọ não, nhất là u não do vậy giúp đánh giá và phát hiện những tổn thương, bất thường của sọ não từ rất sớm.
  • Thuốc đối quang trong chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý, rõ nét, chi tiết đặc biệt các khối u. Bên cạnh những lợi ích mà thuốc đối quang mang lại, có thể gặp các tai biến liên quan đến thuốc đối quang từ nhẹ đến nặng, nặng nhất là tình trạng sốc phản vệ, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Tuy nhiên tỷ lệ này rất hiếm xảy ra, cần trang bị hộp thuốc chống sốc tại phòng chụp.
  • Chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang từ được chỉ định trong các trường hợp nào?
  • Nghi ngờ u não (bao gồm tất cả các loại u não). Bệnh nhân bị đau đầu kéo dài không đáp ứng với các thuốc giảm đau, có dấu hiệu liệt thần kinh khu trú, buồn nôn, nôn, mất thăng bằng,... không tìm được nguyên nhân đau đầu cần tiến hành chụp cộng hưởng sọ não
  • Nghi ngờ bệnh lý viêm não, màng não, áp xe não, sán não,.. bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, sốt, nôn, trên lâm sàng khám thấy dấu hiệu cứng gáy.
  • Phát hiện dị dạng mạch máu não.
  • Bệnh động kinh
  • Đột quỵ não: Nhồi máu não đặc biệt nhồi máu não giai đoạn sớm, chảy máu não các giai đoạn, nhồi máu động mạch tĩnh mạch. Đặc biệt có thể tiêm thuốc trong trường hợp sử dụng chuỗi xung tưới máu

Hình ảnh người bệnh mắc sán não được phát hiện qua MRI
Hình ảnh người bệnh mắc sán não được phát hiện qua MRI

2. Quy trình chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang từ

Chuẩn bị:

Thuốc:

  • Thuốc an thần đối với những người không nằm yên được như trẻ em, bệnh nhân kích thích
  • Thuốc đối quang từ
  • Dung dịch sát khuẩn, bông
  • Hộp thuốc chống sốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang
  • Vật dụng khác: kim luồn, bơm tiêm, găng tay

Người bệnh:

  • Bệnh nhân được giải thích đầy đủ về kỹ thuật, mục đích, các tai biến do thuốc cản quang, đồng ý ký vào đơn cam kết chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc cản quang
  • Bệnh nhân được hướng dẫn thay quần áo, tháo bỏ trang sức, đồng đồ, kim loại trên người
  • Bệnh nhân không cần nhịn ăn, hướng dẫn bệnh nhân nằm yên
  • Có phiếu yêu cầu chụp phim với chẩn đoán nghi ngờ

Người bệnh được giải thích đầy đủ về kỹ thuật chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang từ trước khi thực hiện
Người bệnh được giải thích đầy đủ về kỹ thuật chụp cộng hưởng từ sọ não có tiêm thuốc đối quang từ trước khi thực hiện

Các bước thực hiện

Bước 1: Di chuyển người bệnh vào khoang máy. Người bệnh được di chuyển nhẹ nhàng lên bàn chụp, bệnh nhân nằm ở tư thế nằm ngửa sau đó di chuyển bàn chụp vào khoang máy

Bước 2: Điều khiển máy chụp từ phòng điều khiển

  • Chụp định vị
  • Lựa chọn các chuỗi xung chẩn đoán phù hợp với mục đích thăm khám. Thực hiện các chuỗi xung thông thường: T1, T2, Flair cho tất cả đối tượng ở nhiều hướng cắt khác nhau bao gồm cắt ngang (cắt ngang), đứng ngang (đứng ngang) và đứng dọc (đứng dọc).
  • Lựa chọn các chuỗi xung đặc biệt cho các bệnh lý cần tìm kiếm như chuỗi xung diffusion cho các tổn thương liên quan đến nhồi máu não, u não, áp xe não, chuỗi xung T2* để tìm các tổn thương chảy máu não,...

Bước 3: Xử lý hình ảnh. Kỹ thuật viên tiến hành cho chạy từng xung và xử lý hình ảnh thu được trên màn hình trạm làm việc, lựa chọn các ảnh rõ ràng nhất cần thiết bộc lộ bệnh lý để in phim.

Bước 4: Tiêm thuốc đối quang từ.

  • Tiến hành định vị xung chạy cho quá trình tiêm thuốc (có thể xung T1 cắt 3 hướng), sau đó tiêm tĩnh mạch thuốc đối quang từ và cho chạy các xung đã lựa chọn.

Bước 5. Xử lý hình ảnh, sau đó bác sĩ đọc tổn thương, mô tả trên máy tính kết luận và in kết quả. Hình ảnh hiển thị phải đảm bảo hiển thị được rõ các cấu trúc giải phẫu trong vùng thăm khám, phát hiện được tổn thương, đánh giá tính chất ngấm thuốc.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe