Quy trình chụp cộng hưởng từ phần mềm chi không tiêm thuốc đối quang từ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Chụp MRI không tiêm thuốc đối quang từ là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán cao do hình ảnh có độ phân giải sắc nét giúp các bác sĩ quan sát và đưa ra đánh giá chính xác về các cấu trúc phần mềm chi.

1. Chụp cộng hưởng từ MRI phần mềm là gì?

Chụp cộng hưởng từ MRI phần mềm là kỹ thuật được ưu tiên lựa chọn trong chẩn đoán các bệnh lý xương và mô mềm. Qua hình ảnh chụp MRI, các mô mềm được hiển thị rõ nét, giúp các bác sĩ phát hiện các tổn thương ác tính, đồng thời đánh giá mức độ lan rộng của các tổn thương nhằm đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp.

2. Chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI phần mềm chi

Chụp cộng hưởng từ MRI phần mềm chi không tiêm thuốc đối quang từ được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Khối u mô mềm: Phát hiện, mô tả các đặc tính và loại trừ khối u; Sinh thiết, đánh giá khối u; Điều trị và theo dõi sau điều trị.
  • Viêm nhiễm mô mềm: Chỉ định chụp MRI trong các trường hợp viêm và áp xe phần mềm, viêm cân mạc nông và sâu, viêm huyết khối tĩnh mạch nông và sâu, biến chứng nhiễm trùng mô mềm.

Một số người xuất hiện khối u mô mềm cần được chụp MRI phầm mềm chi
Một số người xuất hiện khối u mô mềm cần được chụp MRI phầm mềm chi

3. Chuẩn bị gì trước khi chụp MRI phần mềm chi?

Người bệnh không cần nhịn ăn trước khi chụp MRI phần mềm chi. Khi đến phòng thủ thuật, bạn sẽ được bác sĩ giải thích đầy đủ quy trình thực hiện. Tiếp đến là được kỹ thuật viên hướng dẫn thay quần áo và tháo bỏ các vật dụng không cần thiết trước khi nằm lên bàn chụp MRI.

4. Quy trình chụp cộng hưởng từ MRI phần mềm chi không tiêm thuốc đối quang từ

4.1 Chuẩn bị người bệnh

  • Đặt người bệnh ở tư thế nằm ngửa
  • Tiến hành lựa chọn và định vị cuộn thu tín hiệu
  • Di chuyển bàn chụp vào vùng có từ trường và định vị vùng chụp

4.2 Tiến hành chụp phim

  • Chụp để định vị đúng vị trí cần chụp
  • Chụp trên nhiều chuỗi xung khác nhau T1W, T2W, PD, v.v. Các mặt phẳng chụp được chỉ định bởi bác sĩ điện quang nhằm phù hợp với vị trí giải phẫu và chẩn đoán điều trị
  • Sau khi chụp xong, đưa người bệnh ra khỏi buồng chụp MRI
  • Tiến hành phân tích hình ảnh, in phim hoặc lưu trữ vào đĩa CD-ROM, mạng PACS

Kết quả cho thấy vôi hóa ngoại biên chiếm ưu thế (mũi tên) nhìn thấy với khối máu tụ mạn tính hoặc viêm cơ
Kết quả cho thấy vôi hóa ngoại biên chiếm ưu thế (mũi tên) nhìn thấy với khối máu tụ mạn tính hoặc viêm cơ

5. Tai biến và xử trí

Các tai biến trong chụp cộng hưởng từ phần mềm chi rất hiếm khi xảy ra. Nếu có thì chỉ là trạng thái sợ hãi, kích động khi đẩy bàn chụp vào vùng có từ trường. Điều này có thể giải quyết được bằng cách động viên, giải thích rõ về quy trình để người bệnh yên tâm hơn. Trường hợp nghiêm trọng, có thể cần sử dụng thuốc an thần.

Chụp MRI phần mềm chi không tiêm thuốc đối quang từ là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hữu ích vì đem lại hình ảnh sắc nét cao, giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán được giai đoạn bệnh, từ đó có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.


Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent tại Vinmec
Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent tại Vinmec

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe