Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Trâm - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh -
Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Nhau thai đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng thai nhi. Để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi, bên cạnh siêu âm, chụp cộng hưởng từ bánh nhau được chỉ định để kiểm tra chẩn đoán, phát hiện một số bệnh lý trước khi sinh.
1. Chụp cộng hưởng từ bánh rau để làm gì?
Siêu âm thai kỳ là phương pháp quan trọng để kiểm tra sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Siêu âm thai kỳ bao gồm cả siêu âm nhau thai. Tuy nhiên, đối với một số bệnh lý, siêu âm không cho phép đánh giá toàn bộ tình trạng đặc điểm của bánh rau. Do đó, chụp cộng hưởng từ được áp dụng để kiểm tra đặc điểm cấu trúc và hình thái của bánh rau, kết quả chụp cộng hưởng từ được sử dụng để bổ sung cho kết quả siêu âm, nhằm chẩn đoán và phát hiện một số bệnh lý trước khi sinh.
2. Chỉ định/ Chống chỉ định chụp cộng hưởng từ đánh giá bánh nhau trong trường hợp nào?
Chụp cộng hưởng từ bánh nhau được chỉ định đối với tất cả các bệnh lý bánh rau bị nghi ngờ phát hiện trên siêu âm. Chống chỉ định tương đối tuyệt đối với trường hợp thai phụ đã từng kẹp phẫu thuật bằng kim loại (trên 6 tháng) hoặc thai phụ mắc chứng sợ bóng tối. Chống chỉ định tuyệt đối với những trường hợp thai phụ có sử dụng các thiết bị điện tử như máy chống rung, cấy ghép ốc tai, ... hoặc đã từng phẫu thuật bằng kim loại mạch máu, hốc mắt, nội sọ (dưới 6 tháng), hoặc thai phụ mắc bệnh nặng phải sử dụng thiết bị hồi sức bên cạnh.
3. Các bước thực hiện chụp cộng hưởng từ đánh giá bánh nhau
Đối với chụp cộng hưởng từ bánh nhau, thai phụ không cần phải nhịn ăn, tuy nhiên, cần lưu ý kiểm tra các chống chỉ định trước khi chụp.
Quy trình chụp gồm các bước như sau:
- Bước 1: Đặt người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp, lựa chọn và xác định vị trí cuộn thu tín hiệu, sau đó di chuyển bàn chụp đi vào vùng từ trường của máy chụp, định vị vùng để chụp.
- Bước 2: Sau khi chụp định vị, kỹ thuật gồm 6 chuỗi xung. Chuỗi xung 1 - HASTE (có nín thở), số lớp cắt thực hiện 24 - 29, độ dày mỗi lớp 4 - 5 mm. Chuỗi xung 2 - chụp cắt ngang T2 Haste và HASTE FS (có nín thở), lấy hình ảnh trong phạm vi từ bờ phải của tử cung đến hết bờ trái của tử cung, số lớp cắt thực hiện 24 - 29, độ dày mỗi lớp 5 - 6 mm. Chuỗi xung 3 - chụp cắt ngang T2 Haste (có nín thở), chụp vuông góc với nhau thai, lấy hình ảnh trong phạm vi từ mép trên của bánh nhau đến mép dưới của bánh nhau, độ dày mỗi lớp 4 mm, có thể chụp thành 2 lần nếu thời gian chụp quá dài. Chuỗi xung 4 - cắt ngang T1 inphase (có nín thở), lấy hình ảnh trong phạm vi tương tự chuỗi xung 3, số lớp cắt thực hiện 24 - 29, độ dày mỗi lớp 4 mm. Chuỗi xung 5 - cắt ngang T1W out of phase (có nín thở), lấy hình trong phạm vi tương tự chuỗi xung 2 HASTE, số lớp cắt thực hiện 24-29, độ dày mỗi lớp 5,5mm. Chuỗi xung 6 - cắt ngang HASTE FS đứng ngang, theo trục tử cung lấy hình ảnh trong phạm vi từ bờ trước đến bờ sau của tử cung, số lớp cắt thực hiện 24 - 29, độ dày mỗi lớp 6mm.
- Bước 3: Kết thúc quy trình chụp cộng hưởng từ bánh nhau, kỹ thuật viên in phim và chuyển kết quả dữ liệu cùng hình ảnh đến bác sĩ. Hình ảnh chụp được phải cho thấy bánh rau và mối liên quan của bánh rau với các cơ tử cung, cũng như bào thai. Dựa vào hình ảnh và các thông số tưới máu, bác sĩ sẽ phân tích và đưa ra chẩn đoán.
Chụp cộng hưởng từ bánh nhau là phương pháp cung cấp kết quả hình ảnh và dữ liệu, bổ sung cho phương pháp siêu âm trong chẩn đoán và phát hiện bệnh lý bánh nhau.