Quy trình chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có tiêm thuốc đối quang từ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có tiêm thuốc đối quang từ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có độ chính xác cao và an toàn, đang được áp dụng rộng rãi hiện nay để chẩn đoán xác định các bệnh lý ở cột sống cổ như ung thư, chấn thương, rối loạn cảm giác,...

1. Đặc điểm của đốt sống cổ

Có 7 đốt sống cổ (từ C1 đến C7). Giữa 2 đốt sống bắt đầu từ C2 trở xuống có các đĩa đệm gian đốt sống. Cấu tạo của đĩa đệm gồm nhân nhầy, mâm sụn, vòng sợi, chiều cao khoảng 3mm. Xung quanh đốt sống có các dây chằng và gân cơ bám vào.

Đĩa đệm của cột sống cổ có nhiệm vụ liên kết các đốt sống. Mâm sụn gắn vào tấm cùng của thân đốt sống, có tác dụng bảo vệ xương, đĩa đệm. Nhân nhầy di chuyển khi cột sống cử động, giúp giảm xóc khi có lực tác động vào đốt sống.

2. Chụp MRI cột sống cổ có tiêm thuốc đối quang từ là gì?

Chụp cộng hưởng từ là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không sử dụng tia X, rất tốt trong việc chẩn đoán các bệnh lý cột sống nói chung, cột sống cổ nói riêng. Các tổn thương ở thân đốt sống, tủy sống, đĩa đệm, dây chằng, dây thần kinh và tổ chức phần mềm quanh cột sống,... đều có thể được chẩn đoán chính xác thông qua chụp cộng hưởng từ không sử dụng thuốc đối quang từ. Còn với trường hợp cần đánh giá khối u, tình trạng viêm,... tại cột sống cổ thì cần phối hợp chụp cộng hưởng từ cột sống cổ với tiêm thuốc đối quang từ đường tĩnh mạch để làm bộc lộ rõ tổn thương, giúp bác sĩ chẩn đoán xác định dễ dàng và chính xác hơn.


Tiêm thuốc đối quang từ đường tĩnh mạch giúp thể hiện rõ tổn thương trên hình ảnh MRI
Tiêm thuốc đối quang từ đường tĩnh mạch giúp thể hiện rõ tổn thương trên hình ảnh MRI

3. Khi nào nên và không nên chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có tiêm thuốc đối quang từ?

Chỉ định thực hiện kỹ thuật:

  • Các trường hợp có triệu chứng đau cổ, đau vai dai dẳng trong thời gian dài, không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị;
  • Người có các rối loạn cảm giác như tê bì, ngứa ran, dị cảm,... ở vùng vai hoặc cổ, tay,...;
  • Người có biểu hiện đau cánh tay nặng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị trong thời gian dài;
  • Cần phát hiện, đánh giá các dị tật bẩm sinh của tủy sống;
  • Cần phát hiện các bệnh lý của đĩa đệm như phồng, thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm;
  • Chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh đa xơ cứng, các bệnh về thần kinh tủy sống;
  • Đánh giá tình trạng nghi ngờ nứt gãy hoặc các vết nứt gãy đốt sống cũ;
  • Đánh giá tình trạng cột sống cổ trước khi thực hiện phẫu thuật;
  • Đánh giá sau phẫu thuật cột sống cổ và phát hiện những vấn đề bất thường xảy ra sau phẫu thuật;
  • Kiểm tra các chấn thương cột sống cổ;
  • Chẩn đoán tình trạng lao tủy sống;
  • Kiểm tra hoặc theo dõi ung thư hay khối u ở cột sống cổ (ung thư cột sống, tủy sống).

Chống chỉ định tuyệt đối việc thực hiện kỹ thuật:

  • Người bệnh mang các thiết bị điện tử trong người như thiết bị bơm thuốc tự động dưới da, máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung hoặc cấy ghép ốc tai,...;
  • Người có các kẹp phẫu thuật bằng kim loại tại nội sọ, mạch máu hoặc hốc mắt dưới 6 tháng;
  • Người mắc bệnh nặng cần phải đặt cạnh người các thiết bị hồi sức.
  • Người bệnh có các chống chỉ định của tiêm thuốc đối quang từChống chỉ định tương đối việc thực hiện kỹ thuật:
  • Người bệnh sợ cô độc hoặc sợ bóng tối;
  • Người bệnh có kẹp phẫu thuật bằng kim loại tại nội sọ, mạch máu hoặc hốc mắt trên 6 tháng.

Người có thiết bị điện tử như cấy ghép ốc tại không thể thực hiện chụp MRI
Người có thiết bị điện tử như cấy ghép ốc tại không thể thực hiện chụp MRI

Chống chỉ định tương đối việc thực hiện kỹ thuật:

  • Người bệnh sợ cô độc hoặc sợ bóng tối;
  • Người bệnh có kẹp phẫu thuật bằng kim loại tại nội sọ, mạch máu hoặc hốc mắt trên 6 tháng.

4. Tiến trình thực hiện kỹ thuật

4.1 Chuẩn bị

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng phụ tá;
  • Thuốc: thuốc đối quang từ;
  • Phương tiện: Máy chụp cộng hưởng từ 1 Tesla trở lên và phim, máy in phim cùng hệ thống lưu trữ hình ảnh;
  • Vật tư y tế thông thường: Gồm bơm tiêm 10ml, găng tay, bông, gạc, băng dính vô trùng, kim luồn chọc tĩnh mạch 18G, hộp thuốc cùng các dụng cụ cần thiết dùng cho việc cấp cứu đối với tai biến thuốc đối quang;
  • Bệnh nhân: Được bác sĩ giải thích chi tiết về thủ thuật để phối hợp tốt nhất theo hướng dẫn của bác sĩ; được kiểm tra các chống chỉ định; thực hiện thay quần áo của phòng chụp cộng hưởng từ, tháo bỏ các vật dụng chống chỉ định.

4.2 Thực hiện chụp MRI

  • Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa trên bàn chụp; lựa chọn - định vị cuộn thu tín hiệu; nhân viên y tế di chuyển bàn chụp vào vùng từ trường của máy cộng hưởng từ và định vị vùng chụp;
  • Chụp định vị;
  • Chụp các chuỗi xung trước tiêm thuốc: T1W đứng dụng, T2W đứng dọc và T2W cắt ngang qua vị trí cần thiết. Có thể chụp Stir đứng dọc nếu cần;
  • Thực hiện tiêm thuốc đối quang từ theo đường tĩnh mạch cho bệnh nhân, liều lượng thuốc sử dụng thông thường là 0.1mmol/kg cân nặng;
  • Chụp các chuỗi xung T1W sau khi tiêm thuốc đối quang theo 3 hướng;
  • Kết thúc quá trình chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có tiêm thuốc đối quang từ, nhân viên y tế tháo cuộn thu tín hiệu và mời người bệnh ra ngoài đợi kết quả;
  • Kỹ thuật viên thực hiện xử lý hình ảnh, in phim và chuyển hình ảnh, dữ liệu cần thiết cho bác sĩ;
  • Bác sĩ thực hiện phân tích hình ảnh và các thông số tưới máu, đưa ra chẩn đoán.

Hệ thống máy chụp MRI cần có trong kỹ thuật chụp cộng hưởng từ cột sống cổ
Hệ thống máy chụp MRI cần có trong kỹ thuật chụp cộng hưởng từ cột sống cổ

4.3 Đánh giá kết quả

  • Hình ảnh thu được từ chụp MRI cột sống cổ cho phép bác sĩ quan sát rõ các cấu trúc giải phẫu của cột sống cổ;
  • Bác sĩ đánh giá được tính chất, mức độ bắt thuốc đối quang từ của các tổn thương nếu có;
  • Bác sĩ đọc tổn thương và tư vấn chuyên môn cho bệnh nhân.

4.4 Một số tai biến và cách xử trí

Sau chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân có thể phải đối diện với một số vấn đề như:

  • Sợ hãi, kích động: Bác sĩ cần an ủi, động viên người bệnh;
  • Lo lắng, sợ hãi quá mức: Có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần dưới sự theo dõi của bác sĩ gây mê;
  • Tai biến liên quan tới thuốc đối quang: Gồm các tình trạng như nổi mề đay, sốc phản vệ, tụt huyết áp, co thắt phế quản, phù nề thanh quản,... Bệnh nhân được can thiệp xử trí đúng theo phác đồ chuẩn.

Chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có tiêm thuốc đối quang từ là kỹ thuật cao, giúp bác sĩ đánh giá chi tiết, rõ ràng các bệnh lý ở cột sống cổ. Đặc biệt, phương pháp này không chứa bức xạ ion hóa nên rất an toàn cho người chụp.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe