Quy trình chụp cắt lớp vi tính hàm mặt không tiêm thuốc đối quang theo mặt phẳng axial và coronal

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Những tổn thương tại vùng hàm mặt nếu chụp phim X-quang không thể đưa ra chẩn đoán thì phương pháp chụp cắt lớp vi tính hàm mắt là kỹ thuật đơn giản, không xâm lấn, thời gian thực hiện nhanh chóng giúp đưa ra chẩn đoán chính xác.

1. Chụp cắt lớp vi tính hàm mặt không tiêm thuốc đối quang theo mặt phẳng axial và coronal

Chụp cắt lớp vi tính hàm mặt không tiêm thuốc đối quang theo mặt phẳng axial và coronal là kỹ thuật chụp không sử dụng các thuốc cản quảng, nhằm thăm khám các bệnh lý vùng hàm mặt, vùng mũi xoang, họng...

Đối với chụp cắt lớp vùng hàm mặt có hai hướng chụp là hướng cắt theo mặt phẳng axial (hướng cắt ngang) và coronal (hướng cắt đứng ngang).

2. Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Bệnh lý chấn thương vùng hàm mặt.
  • Bất thường bẩm sinh vùng hàm mặt.
  • Bệnh lý các xoang hàm mặt.

Chống chỉ định:

Phương pháp này không sử dụng thuốc cản quang nên không có chống chỉ định tuyệt đối chỉ có chống chỉ định tương đối.

  • Phụ nữ có thai, đặc biệt trong ba tháng đầu. Khi chụp phải có áo bằng chì để che chắn vùng bụng.
  • Trẻ nhỏ, sử dụng tia X với trẻ nhỏ có thể gây ra một số ảnh hưởng tới sự phát triển ở trẻ. Nên nếu không thực sự cần thiết thì nên chọn phương pháp chẩn đoán khác.

Phương pháp này chỉ định đối với bệnh nhân bị chấn thương vùng hàm mặt
Phương pháp này chỉ định đối với bệnh nhân bị chấn thương vùng hàm mặt

3. Quy trình chụp cắt lớp vi tính hàm mặt

3.1 Chuẩn bị

Người thực hiện: Để chụp phim cắt lớp vi tính vùng hàm mặt cần bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.

Phương tiện dùng để chụp chụp cắt lớp vi tính vùng hàm mặt gồm có:

  • Máy chụp cắt lớp vi tính.
  • Phim chụp, máy in và hệ thống lưu trữ hình ảnh.

Người bệnh:

  • Người bệnh được giải thích rõ ràng, kỹ lưỡng về cách chụp để có thể phối hợp với người chụp.
  • Tháo bỏ các vật dụng có thể gây ra nhiễu ảnh như khuyên tai, vòng cổ, cặp tóc... (nếu có)
  • Người bệnh quá kích thích, không nằm yên, lo lắng và sợ hãi hoặc trường hợp trẻ nhỏ có thể cử động, không phối hợp khi chụp: Cho thuốc an thần trước khi chụp.
  • Người bệnh cần có phiếu chỉ định chụp phim của bác sĩ.

3.2 Các bước tiến hành

Chụp cắt lớp vi tính theo hai hướng cắt ngang (axial) và hướng đứng ngang (coronal). Đối với những cơ sở có máy cắt lớp vi tính đa dãy (từ 16 dãy trở lên) có thể chỉ cần thực hiện hướng cắt cắt ngang(axial), sau đó tái tạo lại theo hướng đứng ngang và các hướng khác mà vẫn đảm bảo được chất lượng hình ảnh giống như chất lượng hình ảnh cắt ngang.

3.2.1 Hướng cắt ngang (axial)

  • Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, giữa yên đầu, người bệnh khi chụp cần phải nằm im, không cử động khi chụp vì gây ra nhiễu ảnh.
  • Thực hiện chụp định vị, theo mặt phẳng song song với khẩu cái cứng.
  • Chụp theo hướng ngang từ vị trí nền sọ cho tới xương móng.
  • Độ dày của mỗi lát cắt 3mm-5mm.
  • Bước nhảy bằng với độ dày lớp cắt, nên cắt xoắn ốc.

3.2.2 Hướng đứng ngang (coronal)

  • Tư thế bệnh nhân: Người bệnh nằm ngửa, đầu ngửa tối đa hoặc nằm sấp đầu ngửa tối đa. Nằm bất động vài phút khi kỹ thuật viên chụp.
  • Thực hiện chụp định vị, theo mặt phẳng cắt vuông góc với mặt phẳng cắt ngang.
  • Chụp theo hướng đứng dọc từ vị trí chóp mũi cho tới gai sau của cột sống cổ.
  • Độ dày của mỗi lớp cắt 3mm-5mm.
  • Bước nhảy bằng với độ dày lớp cắt, nên cắt xoắn ốc.

Sau khi chụp: Xác định hình ảnh đạt chuẩn và in kết quả theo cả hai hướng cắt ngang và đứng ngang, theo cả cửa sổ xương và phần mềm.


Máy chụp cắt lớp vi tính
Máy chụp cắt lớp vi tính

3.3 Nhận định kết quả

  • Bác sĩ đọc kết quả, mô tả tổn thương: Vị trí tổn thương, loại tổn thương, kích thước tổn thương...
  • Đối chiếu hình ảnh cắt lớp vi tính và lâm sàng.
  • Đưa ra các định hướng chẩn đoán. Đồng thời có thể đề nghị các thăm khám khác phối hợp.
  • Bác sĩ có thể tư vấn thêm về chuyên môn cho người bệnh khi có yêu cầu.

4. Tai biến và cách xử lý tai biến khi chụp

Phương pháp chụp cắt lớp vi tính hàm mặt vùng hàm mặt không tiêm thuốc cản quang nên không có tai biến nào xảy ra.

Tuy nhiên đôi khi có thể xảy ra một số trường hợp như:

  • Trẻ nhỏ có thể không hợp tác trong quá trình chụp như khóc, cử động ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh hoặc một số người quá lo lắng hồi hộp, sợ hãi khi chụp. Có thể chụp lúc trẻ ngủ, dùng thuốc an thần hoặc có khi phải gây mê tùy trường hợp.
  • Ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai: Do sử dụng tia X trong quá trình chụp nên có nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Vì vậy nếu mang thai cần khai báo với bác sĩ, để cân nhắc những rủi ro, lợi ích và các biện pháp bảo vệ khi chụp.
  • Trong nhiều trường hợp người bệnh không thể ngửa được để chụp lớp cắt đứng ngang (coronal).

Đối với phương pháp chụp cắt lớp vi tính vùng hàm mắt, không sử dụng thuốc cản quang nên không có những tai biến do thuốc cản quang gây ra. Để có thể chụp chính xác và nhận định đúng tổn thương cần hệ thống trang thiết bị tốt, người thực hiện, người đọc kết quả có chuyên môn và kinh nghiệm.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe