Hầu hết các sản phẩm chăm sóc cơ thể không kê đơn (OTC) đều khá an toàn, nhưng có một số thành phần vẫn có thể gây hại cho thai nhi. Vì vậy, các mẹ để có một làn da đẹp khi mang thai cũng như để có một thai kỳ khỏe mạnh. Các mẹ nên biết cách chăm sóc da và cách lựa chọn mỹ phẩm cho mẹ bầu an toàn.
1. Những thay đổi về da khi mang thai
Khi mang thai, bạn phải đối mặt với những thay đổi của cơ thể và làn da của bạn cũng không ngoại lệ. Những thay đổi về da khi mang thai xảy ra chủ yếu do nội tiết tố.
Các tình trạng da phổ biến mà bạn phải đối mặt trong thai kỳ là da khô, sạm da (một tình trạng được gọi là nám da hoặc cholasma), và nổi mụn.
Sau khi trải qua 9 tháng mang thai và khi sinh em bé, thì làn da của nhiều phụ nữ lại trở nên đẹp hơn so với thời điểm trước. Nhưng với người khác thì ngược lại, làn da của họ trở nên xấu hơn hoặc xấu hiện tàn nhang. Ngoài vấn đề về da, nhiều phụ nữ sau khi sinh còn phải đối diện với tình trạng rụng tóc.
2. Các thành phần chăm sóc da khi mang thai cần tránh
2.1 Retinoids
Retinol còn được gọi là retin-A hay retinyl palmitate, chất này là một dạng của vitamin A.
Vitamin A là một chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho cơ thể. Vitamin A sau khi được tiêu thụ hoặc hấp thụ qua da, cơ thể sẽ được chuyển hóa thành retinol.
Một số sản phẩm chăm sóc da chống lão hóa sử dụng retinol để điều trị mụn trứng cá, giảm nếp nhăn, giúp khôi phục các tế bào da ở cấp độ bề mặt, tẩy tế bào chết nhanh hơn và thúc đẩy sản xuất collagen để trẻ hóa làn da.
Các sản phẩm không kê đơn có hàm lượng retinoid thấp hơn so với các loại thuốc kê đơn. Các sản phẩm như: Retin-A (tretinoin) và Accutane (isotretinoin) có chứa liều lượng cao hơn nhiều. Lượng retinoid được hấp thụ bởi các sản phẩm bôi ngoài da thường có hàm lượng thấp thì có thể an toàn, nhưng với hàm lượng cao thì có thẻ gây ra các dị tật bẩm sinh.
Do đó, tất cả các retinoid đều được khuyến cáo là không nên sử dụng trong khi mang thai. Các loại retinoid kê đơn như Accutane đã được ghi nhận là có thể gây ra 20 đến 35% nguy cơ khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng và với khoảng 60% trẻ em có vấn đề về nhận thức thần kinh khi tiếp xúc với chúng trong khi trẻ đang ở trong tử cung.
2.2 Axit salicylic liều cao
Axit salicylic là một thành phần phổ biến dùng để điều trị mụn trứng cá. Một nghiên cứu năm 2013 đã kết luận rằng các sản phẩm cung cấp một lượng axit salicylic cao, như thuốc lột da và thuốc uống nên tránh dùng trong khi mang thai.
2.3 Hydroquinone
Hydroquinone là một sản phẩm kê đơn dùng để làm sáng da hoặc giảm sắc tố da xảy ra do nám, sạm da có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai.
Không có mối liên hệ nào được chứng minh giữa các khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng hoặc tác dụng phụ khi dùng hydroquinone. Nhưng vì cơ thể có thể hấp thụ một lượng hydroquinone đáng kể so với các thành phần khác nên hạn chế tiếp xúc (nếu có) trong khi mang thai là cách an toàn nhất.
2.4 Phthalates
Loại phthalate phổ biến nhất được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da là diethyl phthalate (DEP). DEP giúp các sản phẩm như kem dưỡng ẩm và kem dưỡng da thẩm thấu vào da tốt hơn.
Tuy nhiên, phthalate được biết đến là chất gây rối loạn nội tiết. Điều này có nghĩa là khi ở trong cơ thể chúng ta, chúng có thể cản trở các hoạt động bình thường của hormone. Vì vậy, tốt nhất khi mang thai bạn không nên sử dụng những sản phẩm làm đẹp có chứa Phthalates.
2.5 Kem chống nắng hóa học
Trong kem chống nắng có chứa chất oxybenzone được biết đến như là bộ lọc tia cực tím được sử dụng thường xuyên nhất trong kem chống nắng. Nó đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc bảo vệ da nhưng nó cũng có những tác động có hại đến sức khỏe và môi trường.
Tuy nhiên, khi mang thai việc tiếp xúc với oxybenzone lại không tốt, vì nó là tác nhân gây rối loạn nội tiết tố. Nên nếu khi sử dụng trong thai kỳ thì nó có thể phá vỡ nội tiết tố, dẫn đến các vấn đề thần kinh, chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), béo phì ở trẻ.
3. Lựa chọn mỹ phẩm cho bà bầu an toàn
3.1 Mụn trứng cá và tăng sắc tố
Nếu bạn dễ bị nổi mụn hoặc thấy làn da có những biểu hiện sạm, thì có một số lựa chọn sử dụng các sản phẩm có chứa axit glycolic.
Axit glycolic có thể có tác dụng trong việc giảm nếp nhăn, làm sáng da và giảm sắc tố da tăng cường, được xem là an toàn để điều trị mụn trứng cá khi mang thai.
3.2 Chống lão hóa hoặc nếp nhăn
Các chất chống oxy hóa tại chỗ như vitamin C được biết đến có tác động tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn chặn các gốc tự do trong cơ thể, tăng cường sức sống cho làn da một cách an toàn bằng cách bảo vệ da khỏi bị hư hại và duy trì collagen.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa an toàn khác cho bà bầu có thể sử dụng bao gồm: Vitamin E, vitamin K, vitamin B3, trà xanh
3.3 Da khô và rạn da
Để hạn chế việc khô da khi mang bầu thì ngoài việc uống nhiều nước, việc dùng các sản phẩm dưỡng ẩm có dầu dừa, bơ, ca cao, peptide và axit hyaluronic (HA) cũng có tác dụng trong việc cải thiện quá trình hydrat hóa.
3.4 Bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời
Hãy thử các loại kem chống nắng gốc khoáng bao gồm oxit kẽm và titanium dioxide. Ngoài ra, để bảo vệ da khỏi tia UV bạn cũng đừng quên thói quen sử dụng mũ rộng vành khi đi ra ngoài.
4. Lưu ý khi lựa chọn mỹ phẩm cho bà bầu an toàn
Trong biển sản phẩm làm đẹp tràn ngập trên thị trường, có một vài thương hiệu dành riêng cho bà bầu. Dưới đây là các nhãn hiệu bạn có thể cân nhắc là Belli Skincare, Earth Mama Organics, Chăm sóc da hữu cơ Erbavia, BeautyCounter
Để lựa chọn mỹ phẩm cho bà bầu được an toàn thì trước tiên, bạn hãy thảo luận về độ an toàn của các sản phẩm chăm sóc da của bạn với bác sĩ da liễu và bác sĩ sản phụ khoa, đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc theo toa hoặc đang lo lắng về tình trạng da đã có từ trước.
Tiếp theo, bạn có thể rà soát danh sách thành phần sản phẩm của mình để tìm bất kỳ thành phần nào không an toàn. Vì các sản phẩm chăm sóc cá nhân không bị quản lý chặt chẽ nên bạn nên tham khảo các thành phần của mỗi sản phẩm với các thành phần độc tính.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Healthline.com