Quản lý rối loạn lưỡng cực tại nơi làm việc

Rối loạn lưỡng cực là một chứng bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của một người. Nó gây ra những biến đổi bất thường trong tâm trạng, chẳng hạn như trầm cảm hoặc hưng cảm. Ngoài ra, căn bệnh này cũng khiến cho hiệu suất công việc của bệnh nhân bị giảm sút đáng kể, đồng thời tác động xấu đến những mối quan hệ xung quanh họ.

1.Rối loạn lưỡng cực và những thách thức trong công việc

Những người mắc rối loạn lưỡng cực có thể phải đối mặt với rất nhiều sự căng thẳng cũng như những thử thách đầy bất ngờ mà công việc hàng ngày mang lại. Điều này có thể gây ra những tổn thất lớn cho tinh thần cũng như sức khỏe của người bệnh. Do đó, việc quản lý rối loạn lưỡng cực tại nơi làm việc là một điều vô cùng cần thiết, giúp làm giảm mức độ hưng cảm, trầm cảm của bệnh nhân, từ đó tăng hiệu suất công việc.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát gần đây đã cho thấy, cứ trong 10 bệnh nhân mắc rối loạn lưỡng cực thì có tới 9 người phản ánh rằng căn bệnh này đã ảnh hưởng rất lớn tới hiệu suất làm việc của họ. Và hầu hết những người này đều có xu hướng muốn thay đổi nghề nghiệp hoặc công việc thường xuyên hơn so với những người khác. Thậm chí, nhiều người mắc rối loạn lưỡng cực nhận thấy rằng họ có ít cơ hội được thăng tiến hoặc giao cho những trọng trách lớn trong công việc.

Nếu không được phát hiện và điều trị rối loạn lưỡng cực sớm thì nó có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hiệu suất công việc cũng như những mối quan hệ của bệnh nhân. Căn bệnh này thường được điều trị kết hợp giữa thuốc và các liệu pháp khác nhằm giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng rối loạn lưỡng cực và tìm được sự cân bằng phù hợp trong công việc.

2. Người mắc rối loạn lưỡng cực nên có lịch trình làm việc như thế nào?

Những người mắc rối loạn lưỡng cực thường có xu hướng làm những công việc có cường độ cao và chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn hạn, mang tính chất dự án. Mặc dù điều này nghe có vẻ phù hợp với những “thăng trầm” của bệnh tật, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng bệnh nhân mắc rối loạn lưỡng cực nên tìm kiếm những công việc có lịch trình cố định và đều đặn hơn. Thời gian làm việc không thường xuyên hoặc kéo dài có thể phá vỡ mức độ ổn định cũng như hiệu quả công việc của bạn. Ngoài ra, những công việc theo ca kíp, lịch trình thay đổi đột ngột hoặc thường xuyên làm xáo trộn giờ giấc sinh học hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng xấu tới tâm trạng của bạn.

Tuy nhiên, đôi khi những công việc toàn thời gian có thể mang đến nhiều thách thức cho những người mắc rối loạn lưỡng cực. Vì thế, tốt nhất, bạn nên trao đổi với cấp trên về khối lượng công việc phù hợp với nhịp độ của bản thân, cũng như giờ giấc làm việc.

Nhìn chung, bất kể là công việc hay những hoạt động khác trong ngày, chẳng hạn như ăn uống, nghỉ ngơi hoặc tập thể dục, cũng cần đến một lịch trình đều đặn. Điều này sẽ giúp bạn tăng khả năng dự đoán những thách thức và quản lý bệnh tốt hơn.

XEM THÊM: Rối loạn lưỡng cực: Ai có nguy cơ mắc bệnh?


Những người mắc rối loạn lưỡng cực thường làm những công việc có cường độ cao
Những người mắc rối loạn lưỡng cực thường làm những công việc có cường độ cao

3. Những công việc nào là phù hợp nhất đối với người mắc rối loạn lưỡng cực?

Thực tế, không có một công việc cụ thể nào được xem là phù hợp nhất và tốt nhất dành cho tất cả những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, bạn có thể dựa trên một số tiêu chí sau đây để định hướng được công việc phù hợp với bản thân mình:

  • Môi trường làm việc: Liệu bạn có mong muốn làm việc trong một không gian yên tĩnh để tăng sự tập trung hay không?
  • Thời gian làm việc: Thông thường, ban ngày là thời gian làm việc lý tưởng nhất dành cho những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
  • Đồng nghiệp: Liệu những đồng nghiệp của bạn có lối sống phù hợp với bạn hay không?
  • Khả năng sáng tạo: Nhiều người mắc chứng rối loạn này thường nhận thấy họ cần những điểm sáng tạo. Để biết được công việc có phù hợp với mình không, bạn cần xem xét xem liệu nó có liên quan đến sự sáng tạo không? Và nó có giúp bạn theo đuổi được những hoạt động sáng tạo ngoài công việc không?

Ngoài những tiêu chí trên, những người mắc rối loạn lưỡng cực cũng có thể dựa trên một số điều sau đây để xác định nghề nghiệp:

  • Nhiệm vụ
  • Giờ giấc
  • Điều kiện làm việc, chẳng hạn như có gây căng thẳng hoặc yêu cầu nhiều về thể chất hay không
  • Một số kỹ năng cần thiết cho công việc
  • Lương và phúc lợi
  • Khối lượng công việc hiện tại và trong tương lai
  • Những cơ hội thăng tiến

XEM THÊM: Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?

4. Một số cách giúp quản lý rối loạn lưỡng cực tại nơi làm việc

Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực thường lo lắng rằng họ có ít cơ hội để thành công trong công việc. Tuy nhiên, thực tế bạn hoàn toàn có thể làm tăng hiệu suất công việc của mình nếu biết cách quản lý các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm của bệnh.

Bạn nên biến những thách thức trong công việc thành kinh nghiệm và cơ hội để học hỏi. Khi bạn kiên trì vượt qua thời gian khó khăn, bạn hoàn toàn có thể “ghi” thêm cho mình nhiều công lao lớn nhỏ trong công việc.

Dưới đây là một số cách giúp bạn kiểm soát được những triệu chứng của rối loạn lưỡng cực tại nơi làm việc, bao gồm:

4.1. Quản lý sự căng thẳng

Bạn nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn ở nhà. Điều này đặc biệt quan trọng nếu mức độ căng thẳng của bạn đang tăng lên. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm giảm căng thẳng thông qua các bài tập hít thở sâu, đi dạo hoặc nghe nhạc. Bạn cũng nên nói chuyện với người thân và trao đổi với bác sĩ về những vấn đề mà bạn đang gặp phải.


Quản lý sự căng thẳng bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi ở nhà nhiều hơn
Quản lý sự căng thẳng bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi ở nhà nhiều hơn

4.2. Thay đổi lối sống lành mạnh hơn

Bên cạnh việc kiểm soát tốt sự căng thẳng, bạn cũng nên thực hiện một số thay đổi trong lối sống hàng ngày của mình, chẳng hạn như ngủ đủ giấc, tập thể dục mỗi ngày và ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng.

XEM THÊM: Thường xuyên nghĩ về những chuyện buồn đã qua và khóc rất nhiều có phải là triệu chứng của bệnh rối loạn lưỡng cực không?

4.3. Điều trị các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực

Đôi khi triệu chứng hưng cảm của rối loạn lưỡng cực giúp cho bạn cảm thấy làm việc hiệu quả nhất. Tuy nhiên, bạn vẫn nên điều trị chúng, bởi trong giai đoạn hưng cảm, bạn có nhiều khả năng dễ mắc phải những sai lầm, khiến bạn trở nên cáu kỉnh, thậm chí làm rạn nứt các mối quan hệ trong công việc. Nếu chứng hưng cảm không được điều trị sớm, về lâu dài nó có thể dẫn đến trầm cảm. Bạn có thể sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ để điều trị những triệu chứng của rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, bạn cần uống thuốc theo đúng liệu trình và bảo quản thuốc cẩn thận.

4.4. Tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia trị liệu

Bạn có thể trao đổi với chuyên gia nhằm giúp bạn giải quyết được những tình huống khó khăn và kiểm soát được sự căng thẳng của mình.

4.5. Kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc

Những người mắc rối loạn lưỡng cực thường cần ngủ từ 8 – 12 tiếng vào mỗi ngày. Một số loại thuốc có thể khiến bạn cảm thấy bồn chồn hoặc buồn ngủ khi làm việc. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi liều lượng và thời gian sử dụng thuốc nhằm giúp giảm cơn buồn ngủ và các tác dụng phụ khác tại nơi làm việc.

4.6. Chú ý đến các triệu chứng bệnh đáng ngờ

Ngay cả khi bạn cảm thấy ổn thì các triệu chứng trầm cảm và hưng cảm vẫn có thể xảy ra. Sau một giai đoạn trầm cảm và hưng cảm, bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định để nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe.

4.7. Tăng khả năng tập trung

Những người mắc rối loạn lưỡng cực nên chọn môi trường làm việc ít bị gây phiền nhiễu, ít tiếng ồn và nhiều ánh sáng tự nhiên.

4.8. Lên kế hoạch làm việc

Không chỉ riêng những người mắc rối loạn lưỡng cực mà tất cả mọi người đều cần lên một kế hoạch làm việc cụ thể cho bản thân, bao gồm:

  • Sử dụng đồng hồ báo thức để nhắc nhở về công việc cụ thể trong ngày
  • Lập một danh sách những việc cần làm trong ngày và đánh dấu vào các mục sau khi hoàn thành chúng
  • Chia nhỏ các nhiệm vụ lớn để tăng hiệu quả công việc

Lên kế hoạch làm việc giúp người bệnh quản lý rối loạn lưỡng cực tại nơi làm việc
Lên kế hoạch làm việc giúp người bệnh quản lý rối loạn lưỡng cực tại nơi làm việc

4.9. Phát triển kỹ năng làm việc nhóm

Bạn cần chấp rằng mỗi người đều có những giới hạn riêng của mình trong cuộc sống cũng như công việc. Do đó, đôi khi xung đột xảy ra giữa các mối quan hệ là một điều khó tránh khỏi. Thay vì tích tụ sự căng thẳng, bạn nên tạo một tâm lý sẵn sàng giải quyết những vấn đề có thể đột ngột xảy ra. Ngoài ra, bạn cũng nên cởi mở hơn khi nghe ý kiến từ người khác và cố gắng tiếp thu chúng thay vì phản đối kịch liệt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe