Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một bệnh đặc trưng bởi sự thay đổi khí sắc đan xen giữa hưng cảm và trầm cảm. Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể xuất hiện bệnh mạn tính và việc dùng thuốc cần kéo dài suốt đời.
1. Chứng rối loạn lưỡng cực là gì?
Rối loạn lưỡng cực có thể gặp phổ biến ở cả nam và nữ, bắt đầu từ tuổi từ 20 đến 30 tuổi, với tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 4% dân số. Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng mà người bệnh xuất hiện đan xen giữa các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm, phát bệnh có chu kỳ, có những giai đoạn hết bệnh, rồi lại tái phát.
Người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực do nguyên nhân nào vẫn chưa rõ ràng, có thể do yếu tố di truyền. Ngoài ra, một số yếu tố dẫn tới bệnh có thể gặp như do yếu tố tâm lý, căng thẳng trong cuộc sống, một số loại thuốc như cường giao cảm cũng là yếu tố làm phát bệnh.
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh:
- Bệnh sẽ xuất hiện theo từng giai đoạn mỗi giai đoạn có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng, sau đó sẽ đến giai đoạn ổn định gần như hết các triệu chứng.
- Giai đoạn hưng cảm: Khí sắc tăng với các biểu hiện như nói rất nhiều, rất nhanh, cảm thấy vui vẻ, thích hoạt động và bị kích thích liên tục, tăng tính tự trọng bản thân hoặc phóng đại, dễ bị phân tán tập trung nhưng trí nhớ tăng lên, dễ tham gia quá nhiều vào các hoạt động có rủi ro cao và những người này thường ngủ rất ít mỗi ngày, nhưng lại không cảm thấy mệt mỏi. Thường thì giai đoạn này diễn ra kéo dài ít nhất trên 1 tuần và thường kéo dài khoảng 3 tháng rối tự hết.
- Giai đoạn ổn định: Người bệnh thường không còn bất kỳ triệu chứng nào và cho rằng mình đã hết bệnh, thời gian kéo dài khoảng 1 năm. Một số rất ít vẫn còn triệu chứng tồn dư và có thể ảnh hưởng gây suy giảm khả năng hoạt động.
- Giai đoạn trầm cảm: Khí sắc trầm với những biểu hiện như cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, giảm một cách đáng kể sự quan tâm hoặc thích thú trong tất cả hoặc gần như các hoạt động trong ngày, tăng hoặc giảm cân đáng kể, giảm hoặc tăng khẩu vị, mất ngủ hoặc nhiều khi là ngủ rất nhiều, mệt mỏi hoặc mất năng lượng, suy giảm khả năng nghĩ hoặc tập trung, do dự thiếu quyết đoán, suy nghĩ tiêu cực cái chết hoặc tự sát, một nỗ lực tự sát, hay một kế hoạch tự sát cụ thể. Các triệu chứng xảy ra ít nhất trong vòng hai tuần và nó thường kéo dài khoảng 6-9 tháng rồi lại lại gần như phục hồi hoàn toàn.
Thông thường, khi mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực thì người bệnh xuất hiện xen kẽ những giai đoạn khác nhau ở trên, ổn định, rồi lại tái phát, bệnh gần như sẽ kéo dài suốt đời với tỷ lệ rất cao và việc dùng thuốc cũng cần dùng thuốc, quản lý triệu chứng cả đời.
2. Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?
Những bệnh nhân mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực cần được phát hiện và kiểm soát chặt chẽ bởi vì có thể gây ra một số vấn đề nguy hiểm sau:
- Nếu ở giai đoạn hưng cảm người bệnh có thể đầu tư tài chính vào những công việc họ không biết rõ, gây thiệt hại về mặt kinh tế cho gia đình.
- Hành vi tự sát: Người bệnh ở giai đoạn trầm cảm có nguy cơ tự sát và tự làm hại bản thân. Những người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực có tỷ lệ tự tử cao hơn 15 lần so với người bình thường.
- Gây suy giảm khả năng làm việc, tăng những hành động trái pháp luật như xâm phạm tình duch, cảm thấy bị ngược đãi nên sẽ có những hành vi hung hăng hơn, gây thiệt hại cho người khác.
Như vậy, chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực là bệnh nguy hiểm vì có thể gây thiệt hại về cả tính mạng cho bản thân và người xung quanh. Cần phát hiện và điều trị để giúp kiểm soát tốt bệnh.
3. Điều trị rối loạn lưỡng cực bằng thuốc
Chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực cần điều trị kết hợp giữa phương pháp dùng thuốc hoặc có thể kết hợp với sốc điện trong một số trường hợp.
3.1 Lựa chọn dùng thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực
Việc lựa chọn thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực có thể gặp một số khó khăn do tác dụng phụ và tương tác thuốc. Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng đáp ứng của thuốc, tác dụng không mong muốn mà bệnh nhân gặp phải khi dùng thuốc và mức độ nghiêm trọng của bệnh:
3.1.1. Điều trị bệnh trong giai đoạn cấp
Giai đoạn trầm cảm
Khác với bệnh trầm cảm chủ yếu, giai đoạn trầm cảm của rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường đáp ứng rất tốt với thuốc an thần mới. Nhiều khi chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực chỉ cần được điều trị bằng thuốc an thần kinh mới mà không cần sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Các thuốc khuyến cáo dùng là quetiapine với liều 300mg/ngày, olanzapine 10mg/ngày. Nếu sau 3 tuần điều trị bằng thuốc an thần mà triệu chứng trầm cảm không giảm quá 30% số triệu chứng, thì phải kết hợp với thuốc chống trầm cảm. Một số bệnh nhân có tình trạng trầm cảm kèm loạn thần, có ý định hay hành vi tự sát, từ chối việc ăn uống thì cần kết hợp thuốc chống trầm cảm ngay từ đầu.
Một số lựa chọn thuốc chống trầm cảm gồm:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được chỉ định tốt hơn thuốc SSRI trong các trường hợp trầm cảm có nhiều triệu chứng như mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, đau khớp...Sau điều trị thường cho hiệu quả sau 2 đến 4 tuần. Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng hay dùng như: Amitriptylin với liều dùng 75-200 mg/ngày, trung bình là 100 mg/ngày, chia làm 2 lần (sáng và tối). Clomipramin dùng với 50-150mg/ngày, trung bình 75mg/ngày, có thể uống 1-2 lần mỗi ngày. Tianeptin uống 12,5mg/lần ngày uống 3 viên, nên uống vào 7 giờ sáng, 3 giờ chiều và 10 giờ đêm.
- Thuốc chống trầm cảm đa vòng: Nhóm thuốc chống trầm cảm đa vòng có hiệu quả điều trị tình trạng trầm cảm tương đương với nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng, nhưng thường cho ít tác dụng phụ và được dung nạp tốt hơn. Thuốc hay dùng là Mirtazapin liều 14-45mg/ ngày, ngày 1 lần. Venlafaxin (effexor, velift) dùng liều khởi đầu là 37,5mg 1 lần sau ăn tối, sau đó cứ 5 ngày lại có thể tăng liều thêm 37,5mg cho đến khi đạt liều điều trị.
- Thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI): Là thuốc chống trầm cảm mới có tác động chọn lọc trên hệ serotonin. Hầu như thuốc không có tác dụng, thuốc dung nạp tốt và rất ít tác dụng phụ. Một số thuốc như Fluoxetin (prozac, oxeflu, oxedep) với liều dùng điều trị chống trầm cảm là 20-40 mg/ngày, uống 1 lần duy nhất vào sau bữa ăn sáng. Fluvoxamine (luvox) liều dùng 100-200 mg/ngày, chia làm 1-2 lần.
Giai đoạn hưng cảm và hỗn hợp
Trong giai đoạn này cần phải sử dụng kết hợp giữa thuốc chỉnh khí sắc với thuốc an thần. Không được dùng thuốc chống trầm cảm trong giai đoạn này.
- Thuốc an thần: Có thể dùng Benzodiazepin, thuốc có tác dụng trong giai đoạn đầu của bệnh (giảm mất ngủ và kích động).
- Thuốc chỉnh khí sắc: Các thuốc chỉnh khí sắc được dùng như Lithium, valproat, carbamazepin và oxcarbazepin, lamotrigyl, topiramate đã được chứng minh cho kết quả điều trị tốt cho cơn hưng cảm và cơn hỗn hợp. Sau từ 6-8 tuần điều trị, hiệu quả của thuốc chỉnh khí sắc trên cơn hưng cảm là tương đương với thuốc an thần. Thuốc chỉnh khí sắc còn được dùng để điều trị dự phòng, chống tái phát cơn hưng cảm và cơn hỗn hợp. Chúng cũng không có các tác dụng phụ như vận động ngoại tháp, co cứng cơ cấp, loạn động muộn... như thuốc an thần. Tuy nhiên, do hiệu quả của thuốc xuất hiện chậm hơn so với thuốc an thần nên trong lâm sàng người ta hay phối hợp cả 2 loại thuốc này để điều trị cho bệnh nhân.
- Lithium: Nó có hiệu quả cao trong điều trị cơn hưng cảm (70-80% số bệnh nhân). Liều điều trị nằm trong phạm vi 0,6-1,2 mEq/l. Nếu bạn sử dụng thuốc thấp hơn liều này thì hiệu quả điều trị rất kém, nhưng nếu dùng quá liều 1,2 mEq/l thì sẽ xuất hiện tình trạng ngộ độc cấp tính lithium. Trong thực hành lâm sàng, người ta có thể tính liều thuốc trung bình là 20mg/kg thể trọng/ngày.
- Valproat (valparin): Trong nhiều thử nghiệm lâm sàng, valproat cho hiệu quả điều trị cơn hưng cảm tương đương với lithium, haloperidol và olanzapin. Liều thuốc an toàn của valproat là 20-30 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, khi đó hiệu quả của thuốc sẽ xuất hiện nhanh nhất.
- Carbamazepin( thuốc chống động kinh) đã được dùng điều trị cơn hưng cảm từ lâu, hiệu quả điều trị của thuốc được cho là tương đương với lithium và clopromazin, nhưng kém valproat. Tuy nhiên nay ít được dùng trong điều trị chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
- Oxcarbazepin: nhiều người khuyên dùng oxcarbazepin để thay thế carbamazepin vì hiệu quả điều trị cơn hưng cảm là tương đương nhưng thuốc oxcarbazepin ít tác dụng phụ hơn. Liều dùng 20-30mg/kg khối lượng cơ thể.
- Lamotrigyl: Hiệu quả của thuốc này đối với cơn hưng cảm được cho là tương đương carbamazepin, nhưng nó có ít nguy cơ gây dị ứng hơn. Liều trung bình là 200mg/ngày, nên chia làm 2 lần/ngày.
Điều trị trong giai đoạn ổn định
Việc dùng thuốc trong giai đoạn ổn định giúp bệnh nhân duy trì trạng thái ổn định và giảm tái phát các đợt bệnh.
- Trong giai đoạn này người bệnh được sử dụng các thuốc điều chỉnh khí sắc. Liều dùng thuốc điều chỉnh khí sắc ở giai đoạn này thường thấp hơn so với liều dùng ở giai đoạn tấn công, tùy từng loại thuốc.
- Đối với bệnh nhân sau cơn trầm cảm cần dùng kết hợp thuốc chống trầm cảm tối thiểu 6 tháng với các thuốc chỉnh khí sắc nhiều năm.
- Với trường hợp hưng cảm: tiếp tục dùng liều duy trì các thuốc chỉnh khí sắc như Valproat, Oxcarbazepine...
- Thời gian điều trị trong giai đoạn ổn định là kéo dài nhiều năm, bởi vì chỉ có khoảng 7% số người mắc bệnh có thể khỏi. Còn lại hầu hết là mạn tính, kéo dài cho nên người bệnh phải dùng thuốc cả đời.
3.2 Những lưu ý khi dùng thuốc
- Nếu sau thời gian điều trị thuốc mà bệnh nhân không đáp ứng và thuyên giảm bệnh cần xem lại chẩn đoán, lựa chọn thuốc tốt hay chưa và chỉnh liều phù hợp.
- Bệnh nhân đã dùng thuốc đúng mà không hiệu quả cần dùng điều trị bằng sốc điện nếu có những hành vi bất thường.
- Người bệnh cần tái khám và hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc điều trị bệnh khác với các thuốc điều trị bệnh này.
- Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai, gây ra dị tật ở thai nhi. Cho nên, nếu đang dùng thuốc mà bạn có ý định mang thai thì cần phải thăm khám để bác sĩ chỉnh liều thuốc và loại thuốc.
- Quản lý tốt việc dùng thuốc, tránh dùng liều thấp không có tác dụng điều trị và liều cao tăng nguy cơ tác dụng phụ. Nhất là ở những người cao tuổi.
- Người bệnh cần hiểu rằng bệnh có thể tái phát khi ngừng thuốc, nên hãy nhớ việc dùng thuốc cần được duy trì.
Trên đây là một số thông tin về việc dùng thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực. Nếu có những vấn đề hoặc nghi ngờ bệnh người bệnh nên thăm khám để được tư vấn và điều trị sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.