Truyền máu có thể là việc làm thường xuyên nếu bạn hoặc con bạn mắc chứng rối loạn máu có tên là beta thalassemia. Bệnh này gây ra sự sụt giảm lượng hồng cầu mà bạn có. Truyền máu cung cấp cho bạn các tế bào hồng cầu khỏe mạnh từ người hiến tặng để bù đắp cho những tế bào mà bạn không có. Truyền máu thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng của beta thalassemia như: xương yếu, lách to, chậm phát triển, các vấn đề về tim,...
Tôi hoặc con tôi có cần truyền máu không?
Beta thalassemia làm giảm hemoglobin của bạn - một loại protein giúp hồng cầu mang oxy đến các cơ quan và mô của bạn - và gây ra sự sụt giảm số lượng hồng cầu của bạn. Loại beta thalassemia mà bạn hoặc con bạn mắc phải sẽ giúp bác sĩ quyết định xem bạn có cần truyền máu hay không.
Nếu bạn mắc dạng nhẹ nhất, beta thalassemia thể nhẹ, bạn có thể sẽ không cần truyền máu hoặc bất kỳ phương pháp điều trị nào khác. Đối với một loại được gọi là beta thalassemia thể trung gian, bạn có thể cần truyền máu vào những thời điểm nhất định, chẳng hạn như khi bạn bị ốm hoặc trước khi phẫu thuật. Nếu bạn mắc dạng nặng nhất, beta thalassemia thể nặng, bạn sẽ cần truyền máu thường xuyên.
Bác sĩ sẽ quyết định có nên bắt đầu truyền máu cho bạn hoặc con bạn hay không dựa trên các triệu chứng và mức hemoglobin của bạn. Bạn thường sẽ được truyền máu khi mức hemoglobin trong máu của bạn giảm xuống dưới 7 gam mỗi decilit (g/dL). Con của bạn có thể sẽ cần truyền máu thường xuyên nếu chúng có lượng hemoglobin thấp và rất mệt mỏi, ngủ không ngon giấc hoặc phát triển chậm hơn bình thường.
Ngay cả khi con bạn có lượng hemoglobin cao hơn, chúng có thể cần truyền máu nếu chúng có các triệu chứng như:
- Lách to
- Mệt mỏi và khó thở do thiếu máu
- Gãy xương
- Xương mọc trên mặt hoặc các vùng khác
- Chậm phát triển
Điều gì xảy ra trước khi truyền máu?
Máu có nhiều loại: A, B, AB hoặc O, là dương tính hoặc âm tính. Các nhóm máu được đặt tên dựa trên loại protein nào có trên bề mặt của tế bào máu. Máu bạn nhận được phải phù hợp, nếu không bạn có thể bị phản ứng nguy hiểm với nó.
Nếu bạn nhận được nhóm máu không đúng, hệ thống miễn dịch của bạn - cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng - có thể coi đó là nguy hiểm và tấn công nó. Một xét nghiệm kiểm tra máu sẽ được thực hiện để tìm các kháng thể khác có thể khiến hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng với máu được hiến tặng. Đội ngũ y tế của bạn sẽ cẩn thận kết hợp bạn với máu của người hiến tặng dựa trên các kháng thể này.
Điều gì xảy ra trong quá trình truyền máu?
Bạn hoặc con bạn sẽ được truyền máu 2 đến 4 tuần một lần tại bệnh viện hoặc phòng khám. Bác sĩ hoặc y tá sẽ đặt một đường truyền tĩnh mạch vào tĩnh mạch ở cánh tay của bạn bằng kim tiêm. Họ sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp và các dấu hiệu sinh tồn khác của bạn trong quá trình truyền máu và kiểm tra để đảm bảo rằng bạn không bị phản ứng phụ. Toàn bộ quá trình truyền máu thường kéo dài từ 1 đến 4 giờ.
Các rủi ro của phương pháp truyền máu là gì?
Truyền máu là một phương pháp an toàn, nhưng vẫn có một số rủi ro có thể xảy ra như:
- Nhiễm trùng. Các bác sĩ sẽ sàng lọc cẩn thận máu được sử dụng trong truyền máu để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng như HIV và viêm gan. Nguy cơ nhiễm HIV do truyền máu ngày nay là dưới 1/1 triệu. Nguy cơ mắc bệnh viêm gan B cao hơn một chút, nhưng bạn sẽ được tiêm vắc-xin viêm gan B để bảo vệ bạn trước khi bắt đầu truyền máu.
- Phản ứng dị ứng. Đôi khi hệ thống miễn dịch phản ứng với việc truyền máu. Điều này có thể bắt đầu ngay lập tức hoặc vài ngày sau đó. Phản ứng dị ứng là loại phổ biến nhất, nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn coi protein hoặc các chất khác trong máu bạn nhận được là lạ và tấn công chúng. Các trường hợp nhẹ gây ra các triệu chứng như nổi mề đay và ngứa, bạn có thể điều trị bằng thuốc kháng histamine. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng rất hiếm, nhưng chúng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như tim đập nhanh và ngất xỉu. Dùng epinephrine hoặc steroid sẽ ngăn chặn phản ứng.
- Phản ứng sốt. Điều này xảy ra khi cơ thể bạn phản ứng với các tế bào bạch cầu trong máu được hiến tặng. Bạn sẽ bị sốt và bạn có thể có các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn và ớn lạnh. Nếu bạn đã từng bị phản ứng sốt trước đây, bác sĩ có thể truyền máu cho bạn mà không có tế bào bạch cầu vào lần sau.
- Tổn thương phổi cấp tính liên quan đến truyền máu (TRALI). Đó là một phản ứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng đối với huyết tương - phần dịch lỏng của máu được hiến tặng. Nó khiến chất lỏng lấp đầy phổi. Nó có thể xảy ra trong quá trình truyền máu hoặc tối đa 6 giờ sau đó. Triệu chứng chính của TRALI là khó thở. Bạn có nhiều khả năng bị phản ứng này hơn nếu bạn vừa phẫu thuật, bị thương hoặc bị bệnh gần đây. Để ngăn ngừa TRALI, bác sĩ có thể truyền cho bạn máu đã được loại bỏ hầu hết huyết tương.
- Phản ứng tán huyết cấp tính. Đây là loại phản ứng nghiêm trọng nhất, nhưng rất hiếm gặp. Nó xảy ra nếu bạn nhận được nhóm máu không đúng. Hệ thống miễn dịch của bạn tấn công các tế bào hồng cầu được hiến tặng, khiến chúng bị vỡ ra và giải phóng các chất nguy hiểm vào cơ thể bạn. Các triệu chứng bao gồm ớn lạnh, sốt, đau thắt lưng và buồn nôn. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ sẽ ngừng truyền máu ngay lập tức.
- Phản ứng tán huyết chậm. Đây là khi cơ thể bạn tấn công các tế bào máu mới trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần. Các tế bào hồng cầu từ từ bị phá vỡ. Nếu bạn bị phản ứng này, bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm máu đặc biệt trước khi truyền máu lần sau để ngăn ngừa nó.
- Quá tải sắt. Các tế bào máu mà bạn nhận được trong quá trình truyền máu có chứa sắt. Theo thời gian, sắt có thể tích tụ trong cơ thể bạn đến mức quá tải các cơ quan như tim và gan của bạn.
Nếu điều này xảy ra, bạn có thể cần liệu pháp thải sắt. Đó là một phương pháp điều trị sử dụng thuốc viên hoặc thuốc tiêm để liên kết với lượng sắt dư thừa và loại bỏ nó khỏi cơ thể bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd