Phương pháp tập thở cơ hoành và thở chúm môi sẽ giúp người bệnh "chủ động, tích cực" nhất trong các phương pháp phục hồi chức năng hô hấp.
1. Thế nào là phương pháp tập thở cơ hoành
Một trong những bước đầu tiên trong việc học thở là học cách hít thở sâu bằng cơ hoành. Cơ hoành là một cơ hình vòm nằm bên dưới phổi. Khi bạn hít vào, cơ hoành hạ xuống tạo ra một chân không hút không khí vào phổi.
- Thở bằng cơ hoành là một kỹ thuật giúp tăng cường sức mạnh cơ hoành và các cơ bụng. Điều này sẽ giúp tăng cường lượng không khí di chuyển ra- vào phổi mà không làm mệt mỏi các cơ hô hấp ngực.
- Thở hoành giúp người bệnh tăng cường tống thải đờm dịch. Ở một số người bệnh, tập thở hoành tốt đã là biện pháp dẫn lưu hiệu quả, ngoài ra thở hoành còn làm tăng thông khí, tăng trao đổi ôxy, giúp người bệnh bớt khó thở hơn.
- Khi được sử dụng với chúm môi thở và thực hành thường xuyên sẽ giúp tăng cường hiệu quả của động tác hô hấp và tiết kiệm năng lượng.
- Nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen. Bạn có thể tập thở ở tư thế ngồi hoặc đứng với đầu giữ thẳng. Sau khi đã thành thạo kỹ thuật, nên tập thở cơ hoành cả khi đi bộ và cả khi làm việc nhà.
Kỹ thuật thở cơ hoành
- Nằm ngửa, thả lỏng cổ và vai, toàn thân thư giãn, tinh thần thoải mái.
- Đặt 1 bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực.
- Hít vào chậm, đều qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên. Lồng ngực không di chuyển.
- Hóp bụng lại dần theo nhịp thở ra, thở chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác lõm xuống. Tập thở sâu, từ từ, tăng dần mỗi ngày và không quá sức.
- Những ngày đầu tiên trong quá trình tập luyện chỉ nên thực hiện từ 5- 10 chu kỳ/ lượt, sau đó thư giãn thở đều tự nhiên 2-3 phút trước khi lặp lại lượt tiếp theo. Mỗi buổi từ 5 - 10 lượt, mỗi ngày tập từ 1 - 2 lần.
- Khi thành thạo kỹ thuật, không cần kiểm soát của hai bàn tay đặt trên bụng và ngực nữa, có thể tập cả ở tư thế ngồi hoặc đứng, thậm chí ngay cả khi đi lại, làm việc.
Kỹ thuật thở chúm môi
Ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do tình trạng ứ khí trong phổi làm cho người bệnh khó thở. Thở chúm môi là phương pháp ra bằng miệng với môi chúm lại, tạo áp suất dương trong phổi giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn qua đó tăng cường lưu thông đường hô hấp
- Tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái, thả lỏng cổ và vai, toàn thân thư giãn, tinh thần thoải mái. Hít vào chậm qua mũi (nên kết hợp thở cơ hoành như mô tả trên).
- Sau đó từ từ thở ra với môi chúm lại như đang huýt sáo, thở ra chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.
- Ngoài ra nên áp dụng kỹ thuật thở chúm môi bất cứ lúc nào cảm thấy khó thở như đi cầu thang, tập thể dục, làm việc nhà. Nên tập thở chúm môi kết hợp thở cơ hoành. Tập lặp đi lặp lại nhiều lần sao cho thật thành thạo và trở thành thói quen.
Tập thở hoành cần được duy trì lâu dài cho người bệnh ung thư phổi cũng như mắc các bệnh về phổi, ngay cả khi người bệnh đã ra viện, là biện pháp tốt để đề phòng những biến chứng của bệnh, ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm những đợt cấp tái phát.