Phương pháp điều trị đa xơ cứng đường uống và đường tiêm

Đa xơ cứng (MS) là một bệnh lý tự miễn khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vào chính lớp vỏ myelin của dây thần kinh. Tình trạng này dẫn đến các tổn thương cho chính các dây thần kinh của người bệnh. Bệnh đa xơ cứng vẫn chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn, các biện pháp điều trị đa xơ cứng hiện nay chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

1. Các thuốc điều trị đa xơ cứng là gì?

Các liệu pháp điều trị đa xơ cứng (gọi tắt là DMT) được phát triển với mục đích làm chậm sự tiến triển của bệnh, hạn chế tái phát và ngăn ngừa xuất hiện tổn thương mới.

Các thuốc điều trị đa xơ cứng có thể sử dụng bằng đường uống hoặc đường tiêm. Trong đó, các thuốc điều trị đa xơ cứng đường tiêm có thể do người bệnh tự thực hiện tại nhà hoặc do nhân viên y tế truyền tĩnh mạch tùy theo từng bệnh cảnh lâm sàng cụ thể.

Cả thuốc điều trị đa xơ cứng đường uống và đường tiêm đều có những ưu điểm và tác dụng phụ tiềm ẩn riêng biệt. Trong số đó có nhiều thuốc luôn đi kèm với nhiều cảnh báo của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Việc chọn lựa liệu pháp điều trị đa xơ cứng đường tiêm hay đường uống phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một trong số đó có thể liên quan đến tần suất điều trị khi thuốc uống cần dùng hàng ngày, còn đa số các loại thuốc điều trị đa xơ cứng đường tiêm sử dụng ít thường xuyên hơn. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa những rủi ro và lợi ích điều trị, từ đó đưa ra quyết định tốt cho người bệnh.

Bên cạnh đó, nguyện vọng và hoàn cảnh của người bệnh là một yếu tố để bác sĩ xem xét và đưa ra liệu pháp thích hợp, bao gồm:

  • Hiệu quả của từng loại thuốc;
  • Tác dụng phụ có thể gặp;
  • Tần suất sử dụng;
  • Phương pháp quản lý điều trị của người bệnh.

2. Thuốc điều trị đa xơ cứng đường tiêm

Các thuốc điều trị đa xơ cứng mà người bệnh có thể tự tiêm tại nhà là liệu pháp DMT phổ biến nhất. Các thuốc nhóm này được sử dụng lâu dài trong điều trị bệnh đa xơ cứng tái phát (RRMS). Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân về quy trình tiêm thuốc và liều lượng để đảm bảo mọi việc an toàn. Hầu hết các loại thuốc điều trị đa xơ cứng đường tiêm đều có thể gây đỏ, sưng và đau ở vị trí tiêm và kèm theo một số tác dụng phụ khác.

2.1. Avonex (Interferon Beta-1a)

  • Cơ chế hoạt động: Avonex hoạt động tương tự một thiết bị điều biến hệ thống miễn dịch và có đặc tính kháng virus;
  • Tần suất và cách sử dụng: Tiêm bắp hàng tuần;
  • Tác dụng phụ thường gặp: Đau đầu, triệu chứng tương tự cúm;
  • Cảnh báo: Người bệnh có thể cần được theo dõi men gan và công thức máu toàn bộ.

2.2. Betaseron (Interferon Beta-1b)

  • Cơ chế hoạt động: Tương tự Avonex khi có thể điều biến hệ miễn dịch và có khả năng kháng virus;
  • Liều lượng và cách sử dụng: Tiêm dưới da cách ngày;
  • Tác dụng phụ thường gặp: các biểu hiện giống như cúm, giảm số lượng bạch cầu (WBC);
  • Cảnh báo: Cần theo dõi men gan và công thức máu của người bệnh.

2.3. Copaxone (Glatiramer Acetate)

  • Cơ chế hoạt động: Hoạt động như một bộ điều biến hệ miễn dịch, đồng thời ngăn chặn hệ miễn dịch tấn công vào myelin;
  • Liều lượng, cách dùng: Tiêm dưới da mỗi ngày hoặc 3 lần mỗi tuần;
  • Tác dụng phụ: thuốc điều trị đa xơ cứng đường tiêm này có thể gây đỏ bừng, khó thở, phát ban, đau ngực;
  • Cảnh báo: Vị trí tiêm thuốc có thể vĩnh viễn bị thụt vào trong do tình trạng phá hủy mô mỡ. Do đó, nên xoay vòng vị trí tiêm Copaxone định kỳ.

2.4. Extavia (Interferon Beta-1b)

  • Cơ chế hoạt động: Có tác dụng điều biến hệ thống miễn dịch và kháng virus;
  • Liều lượng, cách dùng: Tiêm dưới da cách ngày;
  • Các tác dụng phụ thường gặp: Dấu hiệu tương tự cúm, đau đầu;
  • Cảnh báo: Chỉ số men gan và công thức máu người bệnh có thể cần được theo dõi.

2.5. Glatopa (Glatiramer Axetat)

  • Cơ chế hoạt động: Glatopa có thể điều biến hệ miễn dịch để ngăn chặn sự tấn công vào myelin;
  • Liều lượng, cách dùng: Tiêm dưới da mỗi ngày;
  • Tác dụng phụ: Đỏ, sưng, đau tại vị trí tiêm;
  • Cảnh báo: Thụt da vị trí tiêm vào trong vĩnh viễn do mô mỡ bị phá hủy.

2.6. Plegridy (Pegylated Interferon Beta-1a)

  • Cơ chế hoạt động: Có đặc tính kháng virus và có thể điều biến hệ thống miễn dịch;
  • Liều lượng, cách dùng: Tiêm dưới da 2 tuần một lần;
  • Các cảnh báo: Có thể xem xét cân nhắc theo dõi men gan.

2.7. Rebif (Interferon Beta-1a)

  • Cơ chế hoạt động: Hoạt động như một bộ điều biến hệ miễn dịch và có đặc tính kháng virus;
  • Liều lượng, cách dùng: Tiêm dưới da 3 lần mỗi tuần;
  • Các cảnh báo: Có thể cần theo dõi men gan

Xem ngay: Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh xơ cứng rải rác (đa xơ cứng)

3. Thuốc điều trị đa xơ cứng truyền tĩnh mạch

Một lựa chọn thuốc điều trị đa xơ cứng đường tiêm khác là truyền tĩnh mạch. Thay tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, thuốc có thể truyền trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh. Tuy nhiên, việc truyền tĩnh mạch cần được thực hiện bởi nhân viên y tế chuyên nghiệp chuyên và tần suất sử dụng là không thường xuyên. Bên cạnh đó, biện pháp truyền tĩnh mạch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bên cạnh các tác dụng phụ khác của từng loại thuốc. Ocrevus (Ocrelizumab) là thuốc duy nhất được FDA chấp thuận điều trị đa xơ cứng ở thể tiến triển nguyên phát (PPMS), ngoài ra còn điều trị đa xơ cứng tái phát.

3.1. Lemtrada (Alemtuzumab)

  • Cơ chế hoạt động: Ngăn chặn các tế bào miễn dịch phá hủy myelin;
  • Liều lượng, tần suất: Truyền mỗi ngày trong 5 ngày, sau một năm có thể tiếp tục truyền hàng ngày trong 3 ngày;
  • Tác dụng phụ: Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đau đầu, phát ban, ngứa;
  • Một số cảnh báo liên quan đến thuốc: Có thể gây ung thư, ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn (IPT) hay rối loạn chảy máu.

3.2. Mitoxantrone hydrochloride

Thuốc điều trị đa xơ cứng này chỉ có sẵn dưới dạng thuốc gốc.

  • Cơ chế hoạt động: Có tác dụng điều biến và ức chế hệ miễn dịch;
  • Tần suất dùng: 3 tháng một lần, giới hạn từ 8 đến 12 lần truyền trong 2-3 năm cho mỗi người bệnh;
  • Tác dụng phụ thường gặp bao gồm: rụng tóc, buồn nôn, vô kinh;
  • Cảnh báo: Thuốc có thể gây tổn thương tim và bệnh bạch cầu, do đó chỉ phù hợp cho người bệnh RRMS nghiêm trọng;

3.3. Ocrevus (ocrelizumab)

  • Cơ chế hoạt động: Tấn công vào tế bào B, đây là tế bào chủ yếu gây tổn thương dây thần kinh;
  • Tần suất: 2 liều đầu tiên truyền cách nhau 2 tuần, sau đó cứ 6 tháng truyền 1 lần;
  • Tác dụng phụ thường gặp: Triệu chứng giống như cúm, nhiễm trùng;
  • Cảnh báo: Nguy cơ gây ung thư và hiếm gặp hone là các phản ứng tiêm truyền đe dọa tính mạng.

3.4. Tysabri (natalizumab)

  • Cơ chế hoạt động: Ức chế các phân tử kết dính, gây rối loạn hệ thống miễn dịch;
  • Tần suất liều: 4 tuần truyền thuốc một lần;
  • Tác dụng phụ thường gặp: Đau đầu, đau khớp, mệt mỏi, trầm cảm, khó chịu ở bụng;
  • Các cảnh báo: Thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh não đa ổ tiến triển (PML), có khả năng gây tử vong

4. Thuốc điều trị đa xơ cứng đường uống

Nếu người bệnh không cảm thấy thoải mái với việc tiêm hay truyền thuốc thì có thể lựa chọn các thuốc điều trị đa xơ cứng đường uống. Tần suất có thể sử dụng 1 lần hoặc 2 lần uống mỗi ngày. Ưu điểm lớn nhất của thuốc điều trị đa xơ cứng đường uống là dễ tự sử dụng nhất nhưng yêu cầu người bệnh phải có lịch dùng thuốc đều đặn.

4.1. Aubagio (Teriflunomide)

  • Cơ chế hoạt động: Tương tự bộ điều biến hệ thống miễn dịch, kèm theo tác dụng ức chế sự thoái hóa dây thần kinh;
  • Liều và tần suất: Uống hàng ngày;
  • Tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm: đau đầu, thay đổi ở gan (như gan to hoặc tăng men gan), buồn nôn, rụng tóc, giảm số lượng bạch cầu;
  • Các cảnh báo bao gồm: Thuốc có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng và gây dị tật bẩm sinh.

4.2. Gilenya

  • Cơ chế hoạt động: Ngăn chặn tế bào T rời khỏi các hạch bạch huyết;
  • Liều, tần suất: Uống hàng ngày;
  • Tác dụng phụ thường gặp: triệu chứng giống như cúm, tăng men gan;
  • Cảnh báo: Thuốc có thể gây ra những thay đổi về huyết áp, chức năng gan và chức năng tim.

4.3. Tecfidera (Dimethyl Fumarate)

  • Cơ chế hoạt động: Thuốc có đặc tính chống viêm, bảo vệ dây thần kinh và myelin khỏi bị hư hại;
  • Tần suất, liều lượng: Uống 2 lần mỗi ngày;
  • Tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm: thay đổi đường tiêu hóa, giảm số lượng bạch cầu, tăng men gan;
  • Cảnh báo bao gồm: Hoạt chất này có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả phản vệ.

Bệnh đa xơ cứng vẫn chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn, các biện pháp điều trị đa xơ cứng hiện nay chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Dù sử dụng phương pháp điều trị nào thì người bệnh cũng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả cao nhất, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe