Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương tại bề mặt sụn khớp về lâu dài có kèm theo viêm, sưng, giảm thiếu dịch nhờn ở khớp gối. Giải pháp điều trị thoái hóa khớp gối hiện nay là phẫu thuật xương khớp. Việc phục hồi trục chi sau phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp gối đóng vai trò rất quan trọng giúp người bệnh hạn chế co rút, sẹo và duy trì sức mạnh của cơ.
1. Thoái hóa khớp gối là gì ?
Ước tính có khoảng 13% phụ nữ và 10% nam giới trên 60 tuổi bị thoái hóa khớp gối. Triệu chứng cơ bản không chỉ là những cơn đau kéo dài, nhất là khi thay đổi thời tiết, thoái hóa khớp còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại sinh hoạt, công việc hằng ngày.
Thoái hóa khớp gối (OA) còn được gọi là bệnh thoái hóa khớp, thường là kết quả của sự hao mòn và mất dần dần của sụn khớp. Nó phổ biến nhất ở người cao tuổi và có thể được chia thành 2 loại, nguyên phát và thứ phát:
- Thoái hóa khớp nguyên phát - là sự thoái hóa khớp mà không có bất kỳ nguyên nhân cơ bản rõ ràng nào;
- Thoái hóa khớp thứ phát - là hậu quả của sự tập trung lực bất thường trên toàn khớp như do các nguyên nhân sau chấn thương hoặc bất thường sụn khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp (RA).
Viêm xương khớp là một chứng rối loạn khớp mãn tính, đau đớn, chủ yếu ảnh hưởng không chỉ đến đầu gối mà còn ảnh hưởng đến bàn tay, hông và cột sống. Cường độ của các triệu chứng khác nhau đối với mỗi cá nhân và thường tiến triển chậm.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp bao gồm
- Đau đầu gối khởi phát từ từ và trầm trọng hơn khi hoạt động;
- Cứng đầu gối và sưng tấy;
- Đau sau khi ngồi lâu hoặc nghỉ ngơi;
- Tiếng kêu răng rắc khi cử động khớp.
Điều trị thoái hóa khớp gối bắt đầu bằng các phương pháp bảo tồn và tiến tới các phương pháp điều trị phẫu thuật xương khớp khi điều trị bảo tồn không thành công.
Phẫu thuật thường là biện pháp cuối cùng cho bệnh thoái hóa khớp gối (OA). Trước khi phẫu thuật thay khớp gối, bác sĩ rất có thể sẽ đề xuất các phương pháp điều trị không phẫu thuật cho viêm khớp gối, chẳng hạn như dùng thuốc, vật lý trị liệu và tập thể dục.
Nhưng nếu bạn đã thử các phương pháp điều trị không phẫu thuật trong vài tháng và chúng không đủ để đối phó với cơn đau, sưng, cứng và các triệu chứng khác của viêm khớp gối, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật thay thế đầu gối hoặc một loại phẫu thuật khác.
Trắc nghiệm: Người thoái hóa khớp gối có nên đi bộ?
Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh phức tạp có tác động không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Người bị thoái hóa khớp gối cũng nên lưu ý bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Vậy bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Võ Sỹ Quyền Năng , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
2. Biện pháp phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp gối
Mục tiêu của phẫu thuật thoái hóa khớp gối là giúp bạn trở lại sinh hoạt bình thường. Sau khi hồi phục sau phẫu thuật, bạn có thể nhận thấy mình có thể cử động dễ dàng hơn, đồng thời cảm thấy khớp gối bớt sưng và đau hơn.
Dưới đây là các loại phẫu thuật khác nhau được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối.
- Phẫu thuật tạo hình khớp (thay thế toàn bộ khớp gối): Với loại phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ thay thế toàn bộ sụn bị hư hỏng trong khớp gối (gọi là tạo hình khớp gối toàn bộ) hoặc chỉ một phần khớp (gọi là phẫu thuật tạo hình khớp gối bán phần) bằng cách sử dụng các bộ phận nhân tạo. Những bộ phận nhân tạo này được gọi là bộ phận giả và chúng có thể tồn tại trong nhiều năm. Các bộ phận giả thường được làm bằng nhựa, vật liệu gốm hoặc kim loại, chẳng hạn như titan.
- Nội soi khớp: Thủ thuật này ít xâm lấn hơn thay khớp vì bác sĩ phẫu thuật chỉ rạch một đường nhỏ hạn chế tối thiểu tình trạng lâu liền vết thương. Bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ làm sạch khớp gối của bạn bằng cách loại bỏ bất kỳ mảnh vụn nào (sụn hoặc mô bị hư hỏng) để ngăn chặn sự thoái hóa khớp thêm. Mặc dù nội soi khớp nghe có vẻ tốt hơn thay toàn bộ khớp gối, nhưng đó thường không phải là lựa chọn tốt nhất. Trước khi tiến hành, bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ phẫu thuật để lựa chọn phương pháp phẫu thuật tốt nhất.
- Cắt xương: Đối với phẫu thuật cắt xương, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ một phần xương. Phẫu thuật này được thực hiện để cải thiện sự liên kết của khớp gối và định vị lại các xương ở đầu gối để giảm căng thẳng cho phần đầu gối bị viêm khớp. Phẫu thuật cũng có thể giúp giảm đau và các triệu chứng viêm khớp gối khác.
Bác sĩ sẽ xem xét một số yếu tố để xác định xem bạn có phù hợp để phẫu thuật thoái hóa khớp gối hay không như tuổi tác, nghề nghiệp, mức độ đau, các triệu chứng khác và mức độ viêm khớp ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, lựa chọn phẫu thuật thoái hóa khớp gối cuối cùng vẫn là quyết định của bạn.
Bác sĩ điều trị thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh trước, trong và ngay sau bất kỳ thủ thuật tự chọn nào để ngăn ngừa nhiễm trùng khớp được thay thế.
3. Phục hồi trục chi sau phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp gối
Trục chi của chân đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động đi của bạn vì nó là trục chính truyền lực của cơ thể xuống đất. Trọng lượng cơ thể của bạn sẽ được phân phối đều lên hai chân, qua bàn chân theo trục này xuống đất. Trục của chi dưới được tính là đường thẳng kẻ qua 3 điểm gồm: chỏm xương đùi, điểm giữa khớp gối và điểm giữa khớp cổ chân.
Nếu như khớp háng và khớp cổ chân hoạt động bình thường thì các bác sĩ phẫu thuật sẽ chỉ tính trục truyền lực đi qua 2 điểm là chỏm xương đùi và điểm giữa của cổ chân. Nếu khớp gối hoạt động bình thường thì điểm giữa khớp gối chắc chắn sẽ nằm trên đường thẳng này.
Đối với người bệnh bị thoái hoá khớp gối, tổn thương của sụn khớp và lớp xương dưới sụn trục chi bị biến đổi, khiến khớp gối biến dạng vẹo (hay còn gọi là chân vòng kiềng) ở các mức độ khác nhau từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng. Biến dạng của khớp gối làm cho điểm giữa khớp gối chệch ra ngoài đường thẳng truyền lực, hay đường truyền lực sẽ đi lệch vào phía trong khớp gối. Khi trọng lực của cơ thể phân phối lên khớp gối không đều (chủ yếu tập trung vào mâm chày trong) sẽ khiến cho sự thoái hoá của mâm chầy trong nặng lên và đây cũng là nguyên nhân gây đau và kích thích tình trạng viêm cho khớp gối thoái hoá. Bởi vậy, phẫu thuật điều chỉnh trục của chi chính là phương pháp để kéo dài tuổi thọ của khớp gối.
Đối với bệnh lý thoái hoá khớp gối, sự thay đổi trục chi và biến dạng khớp là điều không thể tránh khỏi. Mối quan hệ tỷ lệ thuận của hai triệu chứng này là thay đổi trục chi làm tình trạng biến dạng nặng lên và tình trạng biến dạng càng khiến cho trục chi thêm thay đổi.
Tại Việt Nam, các phẫu thuật nhằm cải thiện tình trạng thoái hoá khớp gối chủ yếu là phẫu thuật thay khớp nhân tạo nhất là với tình trạng tổn thương thoái hoá quá nặng. Ngoài ra, còn 1 số các biện pháp can thiệp giúp làm sạch ổ khớp, cắt lọc tổ chức viêm qua nội soi, ... chủ yếu tập trung giải quyết tình trạng viêm.
Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo là biện pháp điều trị tình trạng thoái hoá khớp gối nặng khá hiệu quả vì không chỉ dùng vật liệu nhân tạo thay thế các phần mặt khớp bị tổn thương mà quan trọng hơn nữa là phục hồi lại trục của chi dưới, đảm bảo mục tiêu là giải quyết được vấn đề truyền lực qua khớp gối được trở lại bình thường. Phẫu thuật thuận lợi thì ngoài việc phục hồi được trục chi thì nó còn giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh thoái hoá khớp nhờ đó cũng góp phần khiến tuổi thọ khớp nhân tạo được kéo dài.
Ngoài phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo với trường hợp tổn thương thoái hoá khớp nặng thì còn 2 loại phẫu thuật nữa giúp điều trị tổn thương thoái hoá khớp gối ở giai đoạn sớm hơn, đồng thời cũng hướng đến việc điều trị dự phòng cúng như kéo dài tuổi thọ cho khớp gối của bệnh nhân. Đó là phẫu thuật sửa trục và phẫu thuật thay 1 phần khớp gối.
- Phẫu thuật sửa trục chi được tiến hành nhằm mục đích đưa đường truyền lực đi qua điểm giữa khớp gối (thực tế phẫu thuật là điều chỉnh mâm chày hơi ra ngoài 1 chút) để phân phối đồng đều lực truyền qua khớp gối qua đó giảm tải cho phần khớp bị tổn thương nhờ đó cải thiện được triệu chứng đau cũng khiến tuổi thọ khớp sẽ được kéo dài hơn. Trong phẫu thuật này, phần lồi cầu trong và mâm chày trong tổn thương thoái hoá nhiều sẽ không được sửa chữa mà chủ yếu tập trung vào việc giảm tải cho phần tổn thương của khớp gối nên khi bệnh nhân đi lại sẽ đỡ đau hơn.
- Phẫu thuật thay bán phần khớp gối được tiến hành thực hiện thay 1 bên lồi cầu và mâm chầy tổn thương bằng khớp nhân tạo, thông qua đó điều chỉnh lại trục chi. Phẫu thuật này vừa giúp sửa chữa phần khớp tổn thương vừa điều chỉnh lại trục chi nên về logic thì nó có vẻ giải quyết được vấn đề 1 cách triệt để hơn. Nhưng kỹ thuật phẫu thuật này tương đối khó, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có nhiều kinh nghiệm và ở Việt Nam chưa có nhiều nơi thực hiện được phẫu thuật này.
Có nhiều luồng ý kiến khác nhau giữa hai phẫu thuật này, một số cho rằng phẫu thuật sửa trục chi đơn giản, dễ thực hiện hơn so với phẫu thuật thay bán phần khớp gối. Một số cho rằng phẫu thuật thay bán phần khớp gối giải quyết vấn đề tương đối triệt để hơn so với phẫu thuật sửa trục chi. Các đánh giá về kết quả lâm sàng cũng chưa thực sự thấy được sự ưu việt vượt trội của phương pháp này so với phương pháp kia. Vì vậy cả hai phương pháp vẫn được sử dụng song song nhau. Một số tác giả cho rằng, trong những trường hợp phải can thiệp như sửa trục chi hoặc thay khớp bán phần như vậy thì có thể chờ đợi thêm để chỉ định thay khớp toàn bộ luôn. Vấn đề quan trọng là việc đánh giá thực tế trên từng bệnh nhân, ngoài tổn thương của khớp, nhu cầu của bệnh nhân, tuổi, giới, khả năng kinh tế... và việc quyết định lựa chọn phương pháp nào dựa trên sự trao đổi, phân tích cụ thể và trực tiếp của bác sĩ điều trị và bệnh nhân.
Tóm lại là dù lựa chọn phẫu thuật nào, thay toàn bộ khớp gối, thay khớp gối bán phần hay sửa trục chi thì vẫn hướng đến mục tiêu chính là việc sửa lại trục chi, góp phần giải quyết gần như triệt để triệu chứng bất lợi của bệnh và cũng kéo dài được tuổi thọ của khớp tự nhiên hay khớp nhân tạo.
4. Các bài tập trị liệu nhằm phục hồi trục chi sau phẫu thuật
Để có kết quả tối ưu sau phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối, điều quan trọng là bệnh nhân phải tiếp tục chương trình vật lý trị liệu ngoại trú cùng với các bài tập tại nhà trong quá trình chữa bệnh. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu tiếp tục tập luyện các cơ xung quanh khớp được thay thế để ngăn ngừa sẹo, co rút và duy trì sức mạnh của cơ nhằm mục đích ổn định khớp. Những bài tập này sau khi phẫu thuật có thể làm giảm thời gian phục hồi và dẫn đến sức mạnh và sự ổn định tối ưu.
Bệnh nhân cũng nên theo dõi các dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng vết mổ, bao gồm mẩn đỏ bất thường, tăng độ ấm, sưng tấy hoặc đau bất thường. Điều quan trọng là phải báo cáo bất kỳ chấn thương nào đối với khớp cho bác sĩ ngay lập tức.
Các hoạt động trong tương lai thường được giới hạn ở những hoạt động không có nguy cơ làm tổn thương khớp được thay thế. Tránh các môn thể thao liên quan đến chạy hoặc tiếp xúc, ưu tiên các môn thể thao giải trí, chẳng hạn như chơi gôn và bơi lội. Bơi lội là hình thức tập thể dục lý tưởng, vì môn thể thao này giúp cải thiện sức mạnh và độ bền của cơ bắp mà không gây áp lực hoặc căng thẳng lên khớp được thay thế.
Bệnh nhân được thay khớp nên thông báo cho bác sĩ và nha sĩ rằng họ có khớp nhân tạo. Các khớp này có nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn bởi bất kỳ thủ thuật xâm lấn nào như phẫu thuật, thủ thuật nha khoa, thủ thuật nội soi và tiết niệu cũng như nhiễm trùng ở những nơi khác trong cơ thể.
Tóm lại, phục hồi chi bằng chương trình vật lý trị liệu ngoại trú cùng với các bài tập tại nhà trong quá trình chữa bệnh sẽ giúp ngăn ngừa sẹo, co rút và duy trì sức mạnh của cơ nhằm mục đích ổn định khớp. Những bài tập này sau khi phẫu thuật có thể làm giảm thời gian phục hồi và dẫn đến sức mạnh và sự ổn định tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.