Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Cho dù bạn chuyển dạ nhanh hay chậm, trong 2 giờ hay 2 ngày, đối với các trường hợp sinh thường, các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cần ít nhất 48 giờ ở lại bệnh viện để theo dõi tình trạng sức khỏe sau sinh của cả mẹ và bé. Sau sinh, cơ thể bạn cần một vài tuần để có thể hồi phục hoàn toàn.
1. Đau âm đạo
Khi chuyển dạ, đáy chậu của bạn - khu vực giữa âm đạo và trực tràng của bạn - có thể kéo dài và rách, khiến bạn cảm thấy đau. Cơn đau sau sinh có thể tồi tệ hơn nếu bạn được phẫu thuật cắt tầng sinh môn, khi bác sĩ thực hiện một vết cắt nhỏ làm mở rộng âm đạo của bạn để giúp em bé ra ngoài.
Để giảm đau nhức tại nhà, bạn nên:
- Đặt một túi nước đá hoặc túi lạnh lên khu vực này, để giảm đau và sưng.
- Ngồi trên gối thay vì bề mặt cứng
Sử dụng nước ấm để giữ âm đạo được sạch sẽ trong khi bạn đi tiểu. Khi bạn phải vệ sinh, dùng một miếng khăn sạch hoặc giấy, lau vào vùng bị đau và lau từ trước ra sau. Điều đó sẽ giúp bạn giảm đau và tránh nguy cơ nhiễm trùng.
2. Dịch âm đạo
Dịch âm đạo là tình trạng chảy máu âm đạo, xuất viện trong vài tuần sau khi sinh. Điều này cho thấy cơ thể bạn đang loại bỏ các mô và máu bên trong tử cung nuôi dưỡng em bé trong suốt thai kỳ.
Vài ngày đầu tiên, bạn sẽ thấy máu màu đỏ tươi, lượng máu sẽ giảm dần, chuyển sang màu hồng nhạt sang màu nâu, sau đó chuyển sang màu vàng hoặc kem trước khi hoàn toàn biến mất.
3. Các cơn co thắt
Các cơn co thắt trong vài ngày sau khi sinh là bình thường. Nguyên nhân là bởi vì tử cung của bạn đang co lại sau sinh.
Bạn có thể nhận thấy những cơn đau này nhiều hơn khi bạn đang cho con bú , vì khi bạn cho con bú tiết ra các chất hóa học trong cơ thể khiến tử cung của bạn thắt chặt lại. Bạn có thể đặt một túi chườm ấm lên bụng, hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng.
4. Táo bón
Bạn có thể gặp khó khăn khi đi vệ sinh sau khi sinh. Đây có thể là một tác dụng phụ của thuốc giảm đau bạn sử dụng trong khi sinh. Nếu bạn đã phẫu thuật cắt tầng sinh môn, điều này cũng khiến bạn khó khăn hơn khi đi vệ sinh.
Để giảm táo bón, bạn nên uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ.
Nếu bạn bị trĩ sau khi sinh, bạn có thể sử dụng hazel để giảm đau và ngứa.
5. Tiêu chảy
Các cơ và mô trong trực tràng của bạn có thể bị kéo căng hoặc rách khi sinh con, khiến bạn có nguy cơ bị tiêu chảy. Tình trạng này sẽ được cải thiện trong vòng một vài tháng sau sinh.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn để kiểm soát tiêu chảy. Một số loại thực phẩm như sữa, gluten, hoặc thực phẩm giàu chất béo và chất ngọt nhân tạo có thể gây tiêu chảy.
6. Bí tiểu
Quá trình sinh nở lâu, thai nhì gây áp lực lên bàng quang khiến bàng quang trở nên không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy, gây nên tình trạng bí tiểu.
Đối với một số trường hợp, có thể xảy ra tình trạng tiểu không tự chủ mỗi khi ho hoặc cười. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên thực hiện các bài tập Kegel.
7. Viêm vú
Trong 3-4 ngày đầu sau khi sinh, ngực của bạn sẽ tạo ra sữa non, một chất giàu dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch của bé. Sau đó, ngực của bạn sẽ trở nên căng cứng khi đầy sữa.
Mát xa hoặc hút sữa sẽ giúp làm giảm tình trạng sưng, đau. Bạn nên đặt khăn lạnh lên ngực khi cho con bú.
Nếu bạn không cho con bú, nên mặc một chiếc áo ngực phù hợp, thoải mái nhằm tránh chà xát ngực của bạn, điều này sẽ giúp bạn tạo ra nhiều sữa hơn.
8. Thay đổi tóc và da
Đừng hoảng sợ và lo lắng nếu tóc của bạn mỏng đi trong 3-4 tháng đầu sau khi bạn sinh con. Nguyên nhân gây nên tình trạng rụng tóc là do sự thay đổi hormone. Khi bạn mang thai, nồng độ hormone cao làm cho tóc mọc nhanh hơn và rụng ít hơn.
Bạn cũng có thể thấy các vết rạn da màu đỏ hoặc tím trên bụng và ngực. Chúng sẽ không biến mất hoàn toàn, nhưng sẽ mờ dần đi.
9. Hội chứng “ baby blues”
Sau khi sinh con, bạn có thể đối mặt với sự thay đổi một loạt các cảm xúc, bao gồm lo lắng, chán nản, ủ rũ và mệt mỏi trong những ngày đầu làm mẹ. Điều này được gọi là hội chứng "Baby blues", do sự thay đổi hormone gây ra.
Nếu sau một vài tuần, tình trạng vẫn không được cải thiện, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được điều trị kịp thời bởi có thể bạn có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.
Sau khoảng 6 tuần đầu sau sinh, bạn cần được kiểm tra âm đạo, tử cung, cổ tử cung cũng như cân nặng và huyết áp của bạn. Sau khi sức khỏe được hồi phục, bạn có thể quan hệ tình dục bình thường và trở lại thói quen tập thể dục.
Cần báo ngay cho bác sĩ nếu:
- Chảy máu âm đạo không kiểm soát
- Đau đầu dữ dội
- Đau chân kèm theo sưng
- Đau ngực, sưng ngực
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com