Trong ba tháng đầu đời (tam cá nguyệt thứ tư), trẻ sơ sinh sẽ phải trải qua một sự chuyển đổi rất quan trọng – đó là chuyển từ bụng mẹ ấm áp, an toàn và đơn độc sang một thế giới đầy kích thích giác quan và có những mối quan hệ mới. Lúc này, sự thích nghi của trẻ với môi trường bên ngoài sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự giúp đỡ của bố mẹ.
Tuy nhiên, ngay từ khi chào đời, trẻ đã có khả năng mở khóa các phản ứng cảm xúc và thể chất. Những phản hồi này thúc đẩy sự kết nối và chăm sóc giữa mẹ và bé. Dưới đây là các các hormone tự nhiên trong cơ thể giúp cha mẹ hoàn thành được sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với “thiên thần” bé nhỏ vừa chào đời.
1. Hormone của người mẹ mới sinh con: Oxytocin và prolactin
Thực tế, nồng độ hormone progesterone và estrogen trong máu của người mẹ rất cần thiết cho thai kỳ. Khi nồng độ của 2 hormone này giảm xuống, mức oxytocin và prolactin sẽ tăng lên. Điều này báo hiệu cho cơ thể của bạn biết rằng bé đang bắt đầu một cuộc sống mới với một cuộc đời riêng biệt, và rất cần đến tình yêu thương, hơi ấm và sự chăm sóc từ người mẹ.
Oxytocin - hormone tình yêu
Việc tiếp xúc da kề da, giao tiếp với con bằng ánh mắt, cử chỉ ôm ấp, âu yếm và cho con bú đều giúp kích hoạt giải phóng ra oxytocin (hormone tình yêu) bên trong cơ thể của người mẹ.
Oxytocin sẽ giúp bạn xây dựng tình cảm gắn bó bền chặt đối với đứa con của mình. Ngoài ra, nó cũng góp phần giúp bạn vượt qua được những ngày đầu làm mẹ đầy thử thách khi việc cho con bú suốt ngày đêm dường như quá sức và tình trạng thiếu ngủ bắt đầu khiến bạn dần suy sụp.
Trong những ngày đầu sau khi sinh, khi niềm vui và sự phấn khởi từ “thiên thần” vừa chào đời bắt đầu mất dần đi, bạn có thể đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, thậm chí là khóc. Đây là một tình trạng phổ biến thường gặp sau sinh, có tên là Hội chứng “Baby Blues”, thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
Hội chứng “Baby Blues” có thể một phần là do sự sụt giảm đột ngột của các hormone mà cơ thể bạn cần đến trong thời gian thai kỳ. Khi cơ thể của bạn thích nghi được với những thay đổi về thể chất này, nhận thức về trách nhiệm mới với tư cách là một người mẹ sẽ đem lại cho bạn tràn ngập các cảm xúc khác nhau.
Hormone oxytocin có thể giúp bạn vượt qua được Hội chứng “Baby Blues” và làm giảm bớt nỗi lo lắng, xoa dịu sự khó chịu của bạn trong những ngày đầu sau khi sinh con. Tuy nhiên, hội chứng này không giống với chứng trầm cảm sau sinh (PPD) – có thể ảnh hưởng đến cả bố và mẹ, đồng thời không thể tự biến mất.
Prolactin - hormone tạo sữa
Prolactin là hormone giúp kích thích vú mẹ sản xuất ra sữa non giàu chất dinh dưỡng ngay sau khi sinh con. Khoảng 2 hoặc 3 ngày sau đó, lượng sữa mẹ sẽ tăng lên nhiều hơn.
Mỗi khi trẻ bú mẹ, tuyến yên trong não sẽ tiết ra nhiều prolactin hơn, cùng với oxytocin. Hai loại hormone này sẽ gửi thông điệp đến vú của người mẹ để kích thích tạo ra nhiều sữa hơn theo nhu cầu của con. Thậm chí, oxytocin và prolactin có thể làm trỗi dậy tình mẫu tử trong bạn và đối phó với những thói quen chăm sóc bé hàng ngày.
Lợi ích của việc cho trẻ bú bình
Nếu bạn không cho con bú, mức prolactin trong cơ thể sẽ giảm xuống mức bình thường như trước khi mang thai. Tuy nhiên, bạn có thể làm sản sinh ra nhiều hormone này trong các lần cho con bú bình khi ôm con, giao tiếp bằng mắt, hát và nói chuyện với con.
2. Hormone của người mới làm bố: Tăng oxytocin và giảm testosterone
Những người mới được làm bố nên dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc trẻ trong kỳ tam cá nguyệt thứ tư. Việc ôm ấp và quan tâm đến con ngay từ những ngày đầu tiên giúp tạo ra một mối quan hệ gắn kết bền vững giữa bố và con.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạn càng dành nhiều thời gian và năng lượng cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh – từ việc thay tã, cho ăn đến thức dậy chăm con vào ban đêm, sẽ giúp bạn càng gắn bó với con mình một cách nhanh chóng.
Sự tin tưởng, nhạy cảm và liên kết hormone
Theo nghiên cứu cho thấy, chỉ cần bạn ôm con cũng có thể tạo ra những tác động nội tiết tố quan trọng.
Trong vòng 15 phút sau khi bế con, mức hormone liên quan đến sự khoan dung/tin tưởng (oxytocin), độ nhạy cảm với trẻ sơ sinh (cortisol) và sự ấp ủ/liên kết (prolactin) sẽ tăng lên.
Đối với người đàn ông càng có kinh nghiệm làm người chăm sóc thì những thay đổi nội tiết tố này diễn ra càng nhanh và mạnh hơn. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy xúc động hơn bình thường sau khi con vừa chào đời, điều này hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên.
Khi bạn đầu tư càng nhiều thời gian vào việc chăm sóc thể chất cho con sẽ giúp bạn có cơ hội xây dựng mối quan hệ gắn bó với trẻ sơ sinh và hỗ trợ bạn đời của mình cùng nhau học cách làm cha mẹ.
Ngoài ra, những thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể cũng giúp bạn điều chỉnh dễ dàng hơn với vai trò làm cha và làm đồng minh của mình đối với người bạn đời.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi bố và con gắn kết với nhau nhiều hơn sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn về các mặt, bao gồm hành vi, khả năng nhận thức và sức khỏe tâm thần.
Testosterone
Sau khi sinh con, mức testosterone của bạn sẽ bị giảm tạm thời. Mặt khác, mức oxytocin sẽ tăng cao hơn, khiến bạn cởi mở hơn trong việc gắn kết và nhạy cảm hơn với nhu cầu của trẻ.
Những cảm giác hòa hợp này với trẻ cũng như người bạn đời có thể giúp bạn dễ đối phó hơn với những thử thách khó khăn trong kỳ tam cá nguyệt thứ tư. Tình trạng thiếu ngủ và quấy khóc ở trẻ là những dấu hiệu điển hình của ba tháng đầu làm cha mẹ. Điều này có thể gây căng thẳng lớn đối với bạn, đặc biệt nếu bạn đã đi làm trở lại.
Mẹo gắn kết cho các ông bố với con
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn tiếp thêm “ngọn lửa” cho tình phụ tử thêm gắn kết:
- Cảm nhận tình yêu thương: thông qua các hành động như bế, đọc sách và nói chuyện với con. Ngoài ra, bạn có thể địu bé khi di chuyển để tạo sự gần gũi.
- Học cách nhận biết các tín hiệu từ trẻ, chẳng hạn như trẻ muốn bú, hoặc muốn được bế.
- Chung tay chăm sóc con với người bạn đời của mình là cơ hội tốt để gắn kết. Ví dụ, khi bạn thay tã cho con, bạn sẽ có nhiều thời gian để tiếp xúc bằng mắt, cơ thể và trò chuyện với con (ngay cả khi đó chỉ là một chiều).
- Đôi khi, tự chăm sóc con một mình trong thời gian ngắn. Điều này giúp bạn tự tin hơn trong việc chăm sóc con.
3. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cảm thấy thiếu gắn bó với trẻ
Đôi khi, các hormone tình yêu của cha mẹ không ngay lập tức biến thành một tình yêu thương bảo vệ đủ lớn dành cho con cái. Có nhiều tác nhân làm ảnh hưởng đến cảm giác của bạn khi mới làm cha mẹ. Điều này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để bạn xây dựng được sự gắn bó thiêng liêng đối với con mình:
- Bạn có thể cần nhiều thời gian để hồi phục sau trải nghiệm sinh khó khiến bạn cảm thấy khó chịu, lo lắng hoặc đau đớn.
- Trách nhiệm trở thành cha mẹ khiến bạn cảm thấy choáng ngợp. Bạn sẽ phải đưa ra quyết định về việc chăm sóc con và bản thân cả ngày lẫn đêm.
- Bản thân bạn được nuôi dạy như thế nào có thể ảnh hưởng một phần đến cảm nhận của bạn về trải nghiệm đó.
- Nếu đây là đứa con thứ hai, bạn có thể lo lắng về những thay đổi trong gia đình và liệu đứa con lớn của bạn có cảm thấy bị bỏ rơi hay không.
Điều quan trọng là cho phép bản thân mình có thời gian để yêu con. Tuy nhiên, bạn nên cần đến sự giúp đỡ của người khác nếu các vấn đề hoặc lo lắng của bạn dường như đang gia tăng thay vì biến mất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: babycenter.com